Công nghệ xử lý ảnh thân nhiệt giúp chẩn đoán sớm bệnh
Khó kiểm soát
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Virus không chỉ lây nhiễm cho gà, mà cả con người và các động vật khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, H5N1 được phát hiện lần đầu tiên ở người vào năm 1997 và đã giết chết gần 60% người mắc bệnh. Việt Nam (USAID., 2013) là một trong những nước đầu tiên trên thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm H5N1 và cũng là nước đầu tiên báo cáo ca bệnh cúm gia cầm ở người năm 2003.
Dịch H5N1 bùng phát rất nhanh chóng, khó kiểm soát, thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 21 ngày, có trường hợp kéo dài đến 28 ngày, tỷ lệ chết 80 - 100%. Một số chẩn đoán bằng mắt thường dễ nhận biết của bệnh như: Gia cầm sốt cao, chảy nước mắt, đứng tụm một chỗ, lông xù, phù đầu và mắt, da tím tái, chân xuất huyết, chảy nước dãi ở mỏ. Trường hợp nặng có biểu hiện ho, khó thở, rối loạn thần kinh, ỉa chảy, một số con có biểu hiện co giật hoặc ở tư thế không bình thường.
Phát hiện sớm dấu hiệu bệnh
Thân nhiệt cao hay thấp được coi là triệu chứng bệnh quan trọng trên gà, từ đó có thể căn cứ vào thân nhiệt để chẩn đoán là bệnh cấp tính hay mãn tính, mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Dựa trên đặc điểm này, một nhóm nghiên cứu tại các trường đại học ở Hàn Quốc (Jin-Yong Noh,& cs., 2021) đã sử dụng hình ảnh nhiệt như một công cụ để chẩn đoán và phát hiện sự thay đổi bất thường về thân nhiệt của gà. Nhóm nghiên cứu đã tiêm virus vào cơ thể của gà, sau đó theo dõi sự thay đổi nhiệt độ thông qua hình ảnh nhiệt.
Để xác định ảnh hưởng của việc nhiễm virus lên thân nhiệt của gà, nhóm nghiên cứu đã theo dõi thân nhiệt của gà trong khoảng thời gian 24 giờ trước khi cấy virus. Thời điểm này, thân nhiệt của gà thay đổi từ 40,5 - 420C. Tuy nhiên, sau khi cấy virus, thân nhiệt của gà giảm xuống thấp nhất là 1,30C sau khoảng 24 giờ nhiễm bệnh. Tiếp đó, thân nhiệt bắt đầu tăng, đạt đỉnh 430C từ 27 - 36 giờ sau tiêm. Sau 48 giờ tiêm thân nhiệt của gà giảm đột ngột.
Hình ảnh nhiệt được chụp trong các thử nghiệm.
Từ nghiên cứu trên cho thấy, công nghệ xử lý hình ảnh giúp thu thập dữ liệu nhanh, tỷ lệ chính xác cao, phát hiện sớm nhiệt độ tăng bất thường ở cá thể gà giúp điều chỉnh chế độ chăm sóc cho chúng, đồng thời đưa ra phác đồ điều trị kịp thời làm giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở gà nuôi.
Tuy nhiên, hiện phương pháp này vẫn còn nhược điểm là khi vật nuôi di chuyển ra xa sẽ làm giảm độ chính xác của phép đo gây ảnh hưởng tới theo dõi và chẩn đoán. Nguồn pin của camera có thời lượng sử dụng nhất định, cần kiểm tra và bổ sung kịp thời để đảm bảo khả năng vận hành và không bị gián đoạn trong quá trình sử dụng. Do đó, cần có hệ thống xử lý và người có trình độ chuyên môn cao để xử lý vấn đề.