Công tác phòng bệnh cúm gia cầm vào mùa lạnh

Công tác phòng bệnh cúm gia cầm vào mùa lạnh

Cúm gia cầm được xem là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có độc lực cao, gây thiệt hại lớn trong chăn nuôi, nhất là trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa. Chủ động các biện pháp phòng chống luôn là giải pháp thiết thực nhất để tránh thiệt hại.

Phòng bệnh bằng vaccine

Công tác tiêm phòng vaccine phải được ưu tiên hàng đầu và đây là biện pháp tối ưu trong chăn nuôi an toàn sinh học. Nên tiêm đúng lịch, đúng quy trình nhằm cũng cố mức bảo hộ của vaccine đối với đàn gia cầm. Việc tiêm chủng đều đặn hàng năm có tác dụng phòng bùng phát dịch cúm gia cầm cũng như giảm lưu cữu virus trong môi trường. Và xa hơn nữa, đây có thể là một biện pháp mở đầu trong chương trình loại trừ dịch bệnh.

Đối tượng: Gia cầm giống, gia cầm trứng thương phẩm, gia cầm nuôi thịt với thời gian nuôi trên 45 ngày ở các trang trại, cơ sở nuôi gia cầm tập trung, gia trại.

Vị trí tiêm: Dưới da cổ (1/3 phần dưới, sau cổ).

Phòng bệnh cho gà: Tiêm vaccine lần đầu cho gà con ở 14 - 21 ngày tuổi, liều 0,5 ml/con. Trong vùng có nguy cơ cao bệnh dịch cúm gia cầm, có thể tiêm nhắc lại sau 2 - 3 tuần sau mũi tiêm đầu tiên, liều 0,5 ml/con. Gà giống, gà đẻ: Liều 0,5 ml/con và cứ 6 tháng tiêm vaccine nhắc lại 1 lần.

Phòng bệnh cho vịt, vịt xiêm: Vịt 14 - 35 ngày tuổi, liều 0,5 ml/con. Tiêm nhắc lại sau 14 - 21 ngày sau mũi tiêm đầu tiên. Vịt trên 35 ngày tuổi: 1 ml/ con. Vịt giống và vịt đẻ: liều 1 ml/ con và cứ 6 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.

Đối với gia cầm đã tiêm phòng vaccine, chỉ được sử dụng thịt gia cầm sau khi tiêm ít nhất 28 ngày. Ngoài vaccine cúm, nên dùng đầy đủ các loại vaccine để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: Newcastle, Gumboro, Dịch tả vịt… nhằm phòng chống dịch bệnh một cách tổng hợp cho vật nuôi. 

Khi chưa có dịch xảy ra

Cần tiến hành thường xuyên như sau:

- Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm: Cùng vào cùng ra, không nhốt chung các loại gia cầm, không chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm trong cùng một khu vực, tạo cho vật nuôi một môi trường sống trong lành, thông thoáng…

- Chuẩn bị chuồng trại để nuôi gia cầm trong mùa đông: Chống mưa tạt, gió lùa, nền không bị ngập nước... những tác động này sẽ làm vật nuôi giảm thân nhiệt, mầm bệnh dễ sinh sôi, lây lan. Chuồng trại nên dọn vệ sinh sạch sẽ, khô ráo.

- Lựa chọn con giống chất lượng tốt, sức đề kháng cao, có nguồn gốc rõ ràng, mua ở cơ sở uy tín. Chỉ mua gia cầm con khỏe mạnh, không nhận những gia cầm con khuyến mãi (đây là những con loại 2, 3 yếu kém, khi đem về nuôi rất dễ mắc bệnh và lây lan cho cả đàn). Gia súc, gia cầm khi nhập từ tỉnh khác về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Khi đưa gia cầm về nuôi phải thực hiện cách ly ít nhất 10 ngày. Thường xuyên thải loại những gia cầm ốm, yếu ra khỏi đàn.

- Định kỳ vệ sinh chuồng trại 2 - 3 lần/tuần, thu gom phân chất thải đem đốt hoặc ủ, cọ rửa máng ăn, máng uống. Rắc vôi bột ở các lối đi và xung quanh bên ngoài chuồng trại. Trước cửa chuồng nên bố trí hố sát trùng, trong hố để vôi bột hoặc dung dịch thuốc sát trùng như Iodine hoặc Chlorine, Vikon-S. Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi.

- Thực hiện nghiêm túc các đợt phát động vệ sinh, khử trùng tiêu độc, tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường do Bộ NN&PTNT phát động.

- Chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi thật tốt; Thức ăn, nước uống phải sạch sẽ và được cung cấp đầy đủ nhằm cung cấp đủ năng lượng cho gia cầm để chống đói, rét. Nếu thức ăn thiếu dẫn đến con vật chậm sinh trưởng, giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh hoặc chết do suy kiệt. Bổ sung thêm vitamin, B - Complex, Glucoza, khoáng vi lượng đa lượng vào trong thức ăn hoặc nước uống thường xuyên. Thiếu nước cũng gây các rối loạn các chức năng sinh lý của cơ thể.

- Có biện pháp ngăn ngừa, không cho gà tiếp xúc với thủy cầm, bồ câu, chim trời, các loại động vật phá hoại và truyền lây mầm bệnh như chuột, côn trùng, ruồi (không nuôi chung gà với các loại gia cầm và gia súc khác).

- Phối hợp chặt chẽ, báo cáo kịp thời cho cán bộ thú y cơ sở khi nuôi mới, nhập tái đàn gia cầm và khi gia cầm có biểu hiện bệnh mà nghi ngờ đó là cúm gia cầm.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi gia cầm và nhân dân về bệnh cúm gia cầm, biện pháp ngăn chặn bệnh xâm nhập, lây lan.

Khi có dịch

Nếu phát hiện có dịch xảy ra hoặc nghi ngờ mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao cần báo cáo càng sớm càng tốt cho thú y thôn, thú y xã, chính quyền... Mặc bảo hộ lao động đầy đủ bao gồm khẩu trang, găng tay, ủng, kính mắt… sau khi tiếp xúc với gia cầm phải rửa tay sạch sẽ với xà phòng và rửa tay sạch trước khi ăn uống. Cách ly các con vật ốm, thường xuyên thực hiện tiêu độc, sát trùng chuồng trại; Cách 2 ngày phun thuốc sát trùng 1 lần.

Lưu ý các biện pháp tăng sức đề kháng cho gia cầm: Cho uống Vitamin C, B - Complex, điện giải. Kiểm soát chặt việc vận chuyển và người ra vào trại. Không đến những nơi có dịch. Khi trong trại có gia cầm chết, tuyệt đối không được vận chuyển ra khỏi trại dù chưa biết gia cầm chết là do bệnh gì và phải khai báo cho cơ quan động vật y biết.

Không được giết mổ để ăn hoặc đem bán, không ăn tiết canh gia cầm, không được vứt xác bừa bãi ra đồng hoặc dưới sông suối, mà phải bỏ gia cầm chết vào trong túi nilon và buộc miệng túi thật kỹ, bỏ xuống hố sâu và rắc vôi bột lên trên trước khi lấp đất và nện kỹ. Chấp hành việc tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh do cơ quan chuyên môn tiến hành để kiểm soát, ngăn ngừa lây lan dịch ra diện rộng.

Một khi dịch bệnh xảy ra. mỗi hộ chăn nuôi phải cam kết thực hiện “5 không”: Không nuôi thả rông gia cầm; Không mua bán gia cầm bị bệnh; Không giết mổ, ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; Không giấu dịch; Không vứt xác gia cầm bừa bãi.