Cưỡng chế tiêm phòng vật nuôi khi cần thiết
Quản lý sát tổng đàn quyết định hiệu quả tiêm phòng
Thực hiện kế hoạch tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, những ngày này, tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố của Hà Tĩnh đang tổ chức rà soát tổng đàn, xây dựng phương án tiêm phòng vacxin đợt 1, phấn đấu kết thúc trước 30/4/2023.
Đợt 1 năm 2023, Hà Tĩnh đặt mục tiêu tỷ lệ tiêm phòng các loại vaxin gia súc, gia cầm đạt tối thiểu trên 70% tổng đàn.
Theo ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, quan điểm chỉ đạo của tỉnh và ngành chuyên môn, tiêm phòng vacxin định kỳ là bắt buộc. Đây là giải pháp tiên quyết ngăn chặn các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, lây lan diện rộng, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
Năm 2023 sẽ có 2 đợt tiêm phòng định kỳ (đợt 1 từ 1/3 đến 30/4, đợt 2 từ 1/9 đến 30/10). Ngoài ra, tùy vào tình hình dịch bệnh, các địa phương sẽ tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi chưa được tiêm trong đợt chính, số hết thời gian miễn dịch và mới phát sinh hoặc tiêm phòng bao vây khi xuất hiện các ổ dịch bệnh truyền nhiễm.
Với tổng đàn hơn 237.000 con trâu bò, 402.000 con lợn và trên 10 triệu con gia cầm hiện có, Hà Tĩnh đặt mục tiêu tỷ lệ tiêm phòng các loại vacxin đạt tối thiểu trên 70% tổng đàn.
Cụ thể, đàn trâu bò, tiêm phòng vacxin lở mồm long móng, tụ huyết trùng phải đạt trên 80% tổng đàn, vacxin viêm da nổi cục trên 80%. Đàn lợn, tiêm vacxin lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn… phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn; ngoài ra, khuyến khích người chăn nuôi tiêm phòng thêm vacxin tai xanh.
Đối với gia cầm, tổ chức tiêm phòng vacxin cúm gia cầm, dịch tả vịt (vịt, ngan, ngỗng), Newcatle (gà, chim cút)… tỷ lệ yêu cầu phải đạt trên 80%. Riêng vacxin dại trên đàn chó mèo, tỷ lệ tiêm tối thiểu là 70%.
“Quan trọng nhất trong tiêm phòng là quản lý tốt tổng đàn, từ đó tổ chức tiêm đồng bộ, đồng loạt, góp phần nâng cao hiệu quả miễn dịch của các loại vacxin”, ông Hùng nói.
Riêng vacxin trên đàn gia súc, Hà Tĩnh đặt mục tiêu tỷ lệ tiêm tối thiểu phải đạt hơn 80%.
Huyện Đức Thọ là một trong những địa phương nhiều năm liền có tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin gia súc, gia cầm đạt cao. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng NN-PTNT huyện nhấn mạnh: “Ngoài rà soát, nắm tổng đàn chính xác, chúng tôi phân công từng cán bộ chuyên môn phối hợp các tổ chức đoàn thể như Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tuyên truyền để người chăn nuôi nêu cao nhận thức, tiêm phòng để bảo vệ đàn vật nuôi, bảo vệ tài sản của chính họ."
"Quá trình tiêm phòng tập trung gặp khó khăn thì bố trí lực lượng đến tiêm phòng tận hộ dân. Trường hợp hộ chăn nuôi không chấp hành, có thể tổ chức cưỡng chế tiêm, nhất là tiêm vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó, bởi bệnh này có nguy cơ gây hại trực tiếp đến con người”. Ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Theo ông Đông, đợt 1 năm 2023, Đức Thọ phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng các loại vacxin đạt tối thiểu trên 85%, cao hơn mục tiêu đặt ra của tỉnh yêu cầu trên dưới 5% nhằm bảo vệ tốt đàn trâu, bò 27.000 con, đàn lợn 29.000 con và gia cầm hơn 800.000 con.
Còn tại huyện Nghi Xuân, hiện đã rà soát sơ bộ tổng đàn gia súc, gia cầm, địa phương đang giao Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi đăng ký Chi cục Chăn nuôi cà Thú y tỉnh cung ứng các loại vacxin. Riêng vacxin viêm da nổi cục trâu, bò đã tổ chức tiêm tại xã Xuân Mỹ, với số lượng hơn 300 con.
Rà soát, quản lý sát tổng đàn sẽ quyết định hiệu quả công tác tiêm phòng.
Thú y cơ sở vẫn còn thiếu và yếu
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh thông tin, việc triển khai kế hoach tiêm phòng năm 2023 đang gặp không ít khó khăn do lực lượng thú y cơ sở thiếu và yếu.
“Hiện chỉ còn khoảng 50% số xã, phường còn người có chuyên môn chăn nuôi, thú y tham gia công tác tham mưu, tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Điều này tác động lớn đến kế hoạch sản xuất, tiến độ, tỷ lệ, chất lượng tiêm phòng”, ông Hùng nói.
Huyện Cẩm Xuyên có 23 đơn vị cấp xã nhưng hiện có đến 10 xã không có cán bộ chuyên môn chăn nuôi, thú y phụ trách. Hầu hết các xã phân công cán bộ Hội Phụ nữ, hội Nông dân, Đoàn Thanh niên kiêm nhiệm, ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng hàng năm.
“Khi bố trí cán bộ phụ trách không có chuyên môn họ sẽ không nắm được các quy định của Luật Thú y để tổ chức thực hiện. Quá trình huy động tiêm phòng họ cũng không thể tham gia tiêm hay giám sát quá trình tiêm có đúng quy định hay không.
Đặc biệt, khi xảy ra dịch bệnh, chất lượng tham mưu cho cấp trên không kịp thời, thậm chí cấp huyện phải “bao” luôn phần việc của cán bộ cấp xã trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức chống dịch”, ông Phan Thanh Nghi, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng huyện Cẩm Xuyên nói.
Ông Nghi thông tin thêm, ngoài thiếu và yếu thú y cấp xã, ngay Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng huyện, trong đề án vị trí việc làm quy định 3 công chức chuyên môn thú y nhưng hiện chỉ có một người học về thú y và một người chuyên ngành thủy sản, đang thiếu hụt 1 vị trí chưa được bố trí.
Trường hợp người chăn nuôi không chấp hành cần cưỡng chế tiêm phòng khi cần thiết.
Chung thực trạng, huyện Hương Sơn có khoảng 7 - 8 xã không có cán bộ chuyên môn thú y phụ trách. Theo lãnh đạo phòng nông nghiệp huyện này, trước đây có cán bộ thú y riêng, khuyến nông riêng, hiệu quả trong công tác dự tính, dự báo, phòng chống dịch bệnh rất kịp thời, hiệu quả.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập các trạm Thú y về Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi, hệ thống thú y cơ sở bị thu hẹp, trình độ chuyên môn yếu, dẫn đến hiệu quả tham mưu, phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả hạn chế.
Ngoài bài toán thiếu hụt lực lượng thú y cơ sở, chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ ở Hà Tĩnh chiếm số lượng lớn, biến động tổng đàn liên tục so với kế hoạch tiêm phòng nên việc quản lý, tổ chức thực hiện mất nhiều thời gian.
Hơn nữa, đối tượng dịch bệnh phải tiêm phòng bắt buộc trong một hai năm lại nay cũng bổ sung thêm dẫn đến kéo dài thời gian tiêm, phát sinh chi phí. Ví dụ, trước đây đàn trâu bò chỉ bắt buộc tiêm 2 loại vacxin lở mồm long móng và tụ huyết trùng nhưng hiên nay phải tiêm thêm vacxin viêm da nổi cục, đối với lợn trước bắt buộc tiêm phòng vacxin dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng nhưng nay bổ sung vacxin dịch tả lợn Châu Phi.
“Bây giờ còn một số xã đang có cán bộ chuyên môn thú y họ đã cao tuổi, tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế nên quá trình điều hành khó kịp thời. Thậm chí, khi dịch bệnh xảy ra cũng không điều động đi làm việc giữa đêm giữa hôm được”, ông Phan Thanh Nghi, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng huyện Cẩm Xuyên chia sẻ.