Đã tìm ra giải pháp cho chăn nuôi nông hộ
Trong thời gian tới Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các địa phương nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo giải pháp mà Tập đoàn Quế lâm đang thực hiện.
Ngày 21/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PNT làm việc với Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc và Tập đoàn Quế Lâm về vấn đề chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất trong thời gian tới.
Báo cáo đoàn công tác Bộ NN-PTNT, ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm phân tích: Để giải quyết bài toán an toàn dịch bệnh và môi trường, ngay từ đầu Tập đoàn Quế Lâm đã áp dụng công nghệ vào chăn nuôi.
Thực tiễn đã chứng minh, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Quế Lâm thành công là nhờ sự dụng men vi sinh theo công nghệ chuyển giao từ Nhật Bản do Tập đoàn Quế Lâm sản xuất.
Việc đưa các chủng men vi sinh vào thức ăn chăn nuôi, nước uống và sử dụng men vi sinh làm đệm lót sinh học đã tạo ra các vi sinh vật trong thức ăn làm tăng sức đề kháng cho lợn, còn đệm lót sinh học giải quyết bài toán môi trường khi không sử dụng nguồn nước đồng thời tạo ra nguồn phân bón hữu cơ rất lớn cho nông hộ và gia trại.
Bằng chứng là qua các đợt dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả Châu Phi thì lợn hữu cơ Quế Lâm ở các mô hình liên kết vẫn hết sức an toàn.
Theo ông Bá, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm đã tạo ra lợi ích kép, ngoài ra, chất lượng thịt lợn chăn nuôi hữu cơ được người tiêu dùng đánh giá cao, chi phí đầu tư, nhân công giảm. Mỗi một con lợn chăn nuôi theo quy trình này đang giúp người chăn nuôi lãi ít nhất 1 triệu đồng.
Dự kiến trong năm 2020, Tập đoàn Quế Lâm sẽ phát triển lên 50.000 con đồng thời mở rộng các mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi, chuyển giao quy trình chăn nuôi đến người nông dân nhằm mục đích tạo ra một môi trường chăn nuôi an toàn, bền vững theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã có những kiến nghị về việc tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình chăn nuôi của tập đoàn Quế Lâm.
Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, trước dịch tả Châu Phi tổng đàn lợn Vĩnh Phúc có khoảng 640 nghìn con.
Ông Bùi Như Ý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, dịch tả Châu Phi khiến tỉnh này phải tiêu hủy hơn 113 nghìn con. Tuy nhiên, đến hết năm 2019, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ toàn bộ cho người chăn nuôi hơn 211 tỷ đồng, hiện tại không còn nợ dân đồng nào.
Qua theo dõi thực tế,, đàn lợn ở Vĩnh Phúc giảm 16% so với trước, nhưng nguyên nhân không phải do tiêu hủy hết. Trong thời điểm dịch bùng phát dữ dội thì người dân cũng đã bán giảm đàn và đến thời điểm hiện tại, đàn lợn ở Vĩnh Phúc đã đạt khoảng 70% so với trước dịch.
Song song với tái đàn, Vĩnh Phúc cũng đang áp dụng chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi mức 2 triệu đồng cho mỗi một con lợn nái hậu bị (3.200 con), hỗ trợ toàn bộ tinh lợn phối giống cho lợn nái, hỗ trợ toàn bộ vắc xin tiêm phòng cho đàn lợn...
Cũng theo thống kê ở Vĩnh Phúc, trong tổng đàn nuôi tại hơn 26.000 hộ thì trên 70% là nông hộ nhỏ lẻ, chính vì vậy, Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc xác định, chăn nuôi nông hộ đóng vai trò rất lớn và vấn đề trọng tâm là tìm ra giải pháp chăn nuôi an toàn và đảm bảo môi trường.
Về mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm, sau khi kiểm tra, đánh giá thực tiễn, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã triển khai xây dựng 3 mô hình, hỗ trợ người dân một phần tiền cải tạo chuồng, vật tư, giống...
Đến nay có thể đánh giá là hiệu quả rất tốt. Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc đang đề xuất mỗi một huyện từ 1-2 mô hình, với tổng đề xuất khoảng hơn 850 triệu để tiếp tục triển khai...
Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc khẳng định: Tỷ trọng chăn nuôi lợn chiếm đến 50% tăng trưởng của ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc nên vai trò của ngành chăn nuôi đối với tỉnh đặc biệt quan trọng.
“Việc duy trì chăn nuôi nông hộ là bắt buộc bởi vì liên quan đến sinh kế của người nông dân và góp phần ổn định thị trường thịt lợn.
Bây giờ bảo bỏ nông hộ dân không nghe, nên giải pháp là đảm bảo an toàn và giải quyết vấn đề môi trường. Mô hình của Tập đoàn Quế Lâm là giải pháp mà chúng tôi đang thực hiện”, ông Hải nói.
Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc đề nghị, Bộ NN-PTNT đánh giá khoa học mô hình này và tổ chức hội nghị cấp bộ để các địa phương tham quan học tập nhằm nhân rộng mô hình.
Trực tiếp kiểm tra các mô hình của Tập đoàn Quế Lâm và các mô hình người chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc đang liên kết với tập đoàn này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Chỉ có những mô hình như của Tập đoàn Quế Lâm mới có thể nhân rộng được quy mô chăn nuôi nông hộ một cách an toàn, bền vững, góp phần giải quyết nhu cầu thịt lợn của xã hội trong thời gian tới.
“Tôi đã đi hết các mô hình chăn nuôi của Quế Lâm ở các tỉnh, chưa một mô hình nào mà khi đi vào phải khử trùng, đi lại thông thoáng tự nhiên, đàn lợn khỏe mạnh, môi trường sạch sẽ.
Tập đoàn Quế Lâm đang đi theo hướng chăn nuôi khép kín, cấp lợn giống, thức ăn, men vi sinh cho người chăn nuôi sau đó mua lại với giá cao và cung cấp cho thị trường... Đấy chính là tinh thần chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, tinh thần của Luật Chăn nuôi về chăn nuôi theo chuỗi”, Thứ trưởng Tiến khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thực tiễn chăn nuôi lợn ở Việt Nam hiện nay thì khu vực các doanh nghiệp, trang trại quy mô lớn đã có giải pháp an toàn, phát triển ở tốc độ cao.
Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế lâm
Tuy nhiên đối với chăn nuôi nông hộ (khoảng 2,5 triệu hộ), nơi tập trung khoảng trên dưới 50% sản lượng hiện nay thì bài toán an toàn dịch bệnh và môi trường đang là vấn đề cấp bách.
Đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng mật độ chăn nuôi rất dày, chuồng lợn với nhà gần như giáp nhau. Nếu không phát triển chăn nuôi nông hộ thì sản lượng thịt lợn khó đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Do vậy, để phát triển chăn nuôi nông hộ trong thời gian tới cần phải có mô hình áp dụng giải quyết được vấn đề môi trường và phòng chống dịch bệnh.
Sắp tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh xây dựng các mô hình, học tập, vận dụng mô hình của Tập đoàn Quế Lâm vào hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bảo đảm an toàn sinh học và giải quyết bài toán môi trường.
“Mô hình chăn nuôi của Tập đoàn Quế Lâm mang tính thực tiễn rất cao, đã được khảo kiểm nghiệm, tổng kết đánh giá là không xẩy ra dịch bệnh và đảm bảo môi trường. Hướng đi của Tập đoàn rất đúng và cần thiết.
Trong thời gian tới, đề nghị Tập đoàn Quế Lâm vừa mở rộng mô hình vừa xây dựng nhà máy sản xuất nhằm cung cấp men vi sinh cho nhu cầu thực tiễn, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm lan tỏa nhanh nhất các mô hình hiệu quả”, Thứ trưởng Tiến khẳng định.