Đăk Lăk đẩy mạnh công tác phòng chống dịch trên gia cầm

Gia đình Nguyễn Thị Tâm (ngụ xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) có trang trại rộng hơn 5.000 m2 chăn nuôi 10.000 con vịt đẻ lấy trứng. Theo bà Tâm để vịt có sức khỏe ổn định và sinh sản tốt gia đình rất chú trọng đến công tác phòng chống dịch.
Bà Tâm cho biết, khi mua vịt của người dân về thì gia đình tiêm vacxin phòng chống tả. Đến tuần thứ 2, gia đình tiêm thêm vacxin chống bệnh lật ngửa trên vịt; Tuần thứ 3 thì tiêm thêm cho đàn vịt mũi tụ huyết trùng ecoly; Tuần thứ 4 thì tiêm mũi hội chứng giảm đẻ; Tuần thứ 5 thì tiêm mũi vacxin phòng chống H5N1. Khi bắt vịt về 5 tuần liên tiếp, gia đình bà Tâm phải tiêm vacxin để phòng chống các bệnh trên vịt.
Ngoài ra, theo chủ trang trại khi vịt bắt đầu vào thời kỳ đẻ trứng thì mỗi tháng gia đình cho uống kháng sinh 3 ngày trước khi sinh sản. Đối với thời tiết mùa hè, gia đình cho uống thêm C, canxi, thuốc bổ. Trong một năm nuôi, gia đình bà Tâm thực hiện tiêm 2 lần thuốc để đàn vịt tăng sức đề kháng, không xảy ra bệnh tật. Đặc biệt, để phòng chống dịch mỗi tuần gia đình bà Tâm còn phun thuốc khử trùng 1 lần.
Gần 20 năm, trang trại của gia đình bà Tâm chưa xảy ra dịch bệnh vì phòng chống tốt.
“Các gia đình khác khi mua vịt về không làm thuốc đầy đủ thì cho sinh sản rất cao. Còn gia đình tiêm thuốc, vacxin để phòng dịch cẩn thận nên năng suất không bằng nhưng bù lại là trứng đạt chất lượng và an toàn”, bà Tâm nói.
Chủ trang trại cho biết thêm việc tiêm phòng đầy đủ cho vịt trước tiên đảm bảo sức khỏe, an toàn cho gia đình chứ để xảy ra dịch bệnh thì tổn thất sẽ nhiều hơn. “Công tác phòng chống dịch tốt nên gần 20 năm gia đình nuôi vịt đến nay chưa xảy ra dịch bệnh. Do đó, trang trại được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cúm gia cẩm”, chủ trang trại tự hào.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Đức Lợi, Phó trưởng trạm Trạm chăn nôi và Thú y Cư Kuin cho biết, trên địa bàn có 33 trang trại chăn nuôi gà; 10 trang trại nuôi vịt (quy mô từ 5.000 con đến 30.000 con).
Theo ông Lợi do số lượng trang trại cùng với đàn lớn nên công tác phòng chống dịch luôn được Trạm cùng cơ quan chức năng quan tâm hàng đầu.
Để phòng chống dịch, Trạm đã tham mưu cho Phòng NN-PTNT trình UBND huyện Cư Kuin ban hành kế hoạch tiêm phòng vaccine cúm gia cầm. Cùng với các kế hoạch của huyện, Trạm cũng tăng cường công tác tuyên truyền tình hình dịch cũng như biện pháp phòng chống dịch trên gia cầm đến tận các hộ chăn nuôi.
Các hộ chăn nuôi luôn vệ sinh chuồng trại để tránh xảy ra dịch bệnh.
Trạm cũng vận động các hộ chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch. Đến nay trên địa bàn huyện có 3 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch trên gia cầm.
“Bên cạnh công tác tuyên truyền, Trạm cũng ưu tiên công tác tiêm vacxin phòng chống cúm gia cầm. Đến nay đối với các cơ sở chăn nuôi từ 200 con trở lên điều được tiêm phòng. Bên cạnh đó Trạm cũng phối hợp với Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh hằng năm lấy mẫu giám sát virus lưu hành trên gia cầm tại các chợ trên địa bàn huyện để khuyến cáo cho người chăn nuôi sử dụng các loại vacxin phù hợp. Đặc biệt, trạm đều thực hiện công tác tiêu độc khử trùng định kỳ”, ông Lợi nói.
Theo vị Trạm phó, từ khi UBND tỉnh Đăk Lăk ban hành quy định bắt buộc tiêm phòng vaccine trên gia cầm, đến nay các hộ dân tuân thủ rất tốt. Đây là những yếu tố giúp địa phương từ năm 2018 đến nay không xảy ra các dịch trên gia cầm. “Đối với dịch trên gia cầm chủ yếu xảy ra ở những hộ chưa tiêm phòng. Và những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì những trường hợp này không tổ chức chăn nuôi sinh học”, ông Lợi đánh giá.
Các hộ chăn nuôi phun khử trùng liên tục mỗi tuần để tránh gây dịch bệnh trên gia cầm.
Để phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2022, UBND tỉnh Đăk Lăk đã ban hành kế hoạch với kinh phí hơn 35 tỷ đồng và giao cho các đơn vị triển khai. Trong đó, kinh phí của tỉnh là gần 20 tỷ đồng, số còn lại là kinh phí của các huyện. Số kinh phí này dùng để mua vacxin, hóa chất khử trùng tiêu độc, khử trùng định kỳ; vật tư phòng chống dịch, tập huấn, giám sát dịch bệnh…
UBND tỉnh Đăk Lăk yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, người chăn nuôi, kinh doanh, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh động vật, ngăn ngừa dịch phát sinh; đồng thời nhanh chóng dập tắt các ổ dịch phát sinh, không để lây lan trên diện rộng. Từ đó, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, phóp phần phát triển chăn nuôi, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.