Đắk Lắk: Xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi dê bền vững
Gắn sản xuất với nhu cầu thị trường
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm HTX Dê Đắk Lắk hiện là chủ sở hữu một trang trại có diện tích 2 ha, với 700 con dê thịt và một cánh đồng trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.
Ông Hải cho hay, năm 2018, ông từ TP. Hồ Chí Minh đến thôn 16 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) phát triển mô hình chăn nuôi dê lấy sữa. Sau 4 năm, từ 125 con dê lấy sữa, ông đã xây dựng được một trang trại dê sữa với sản phẩm Sữa dê Ban Mê đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, ông đã nghiên cứu, chế biến nhiều sản phẩm khác nhau từ sữa dê như: bánh flan, sữa chua, khô dê... Các sản phẩm từ trang trại của ông được bán đi nhiều tỉnh thành trên cả nước và các siêu thị thực phẩm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, mang lại lợi nhuận ổn định.
Trang trại chăn nuôi dê thịt của ông Nguyễn Văn Hải (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn).
Tuy nhiên về lâu dài, ông Hải thấy rằng nuôi dê lấy sữa khó phát triển mạnh do trên địa bàn tỉnh thiếu hệ sinh thái cho con dê sữa phát triển (con giống thuần chủng ít, thiếu nhân lực chất lượng cao am hiểu về chăn nuôi dê lấy sữa, kỹ thuật chế biến sâu các sản phẩm từ dê lấy sữa còn hạn chế trong khi chi phí đầu tư máy móc cao). Đặc biệt, việc vận chuyển các sản phẩm đông lạnh như sữa tươi, bánh flan, sữa chua… yêu cầu khắt khe trong đóng gói và thời gian vận chuyển, chi phí vận tải cao (chiếm 30 – 40% giá trị mỗi đơn hàng). Vì vậy, ông Hải quyết định chuyển sang phát triển mô hình dê thịt.
Qua mạng xã hội Facebook, ông quen một nhóm là những trang trại, nông hộ chăn nuôi dê. Ban đầu chỉ cùng nhau giao lưu, học hỏi kinh nghiệm rồi liên kết cùng phát triển. Đến tháng 3/2022, HTX Dê Đắk Lắk đã được thành lập, gồm 7 thành viên, trong đó có 5 trang trại, nông hộ chăn nuôi dê quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, gồm: Mông Cổ Trại (TP. Buôn Ma Thuột), Trại dê Chiến Thắng (huyện Cư M’gar), BuBu Farm (huyện Cư Kuin), Sữa dê Ban Mê và hộ anh Lê Trung Hiếu (huyện Buôn Đôn).
Mở rộng chuỗi liên kết
Không chỉ tập trung chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX và người dân, HTX Dê Đắk Lắk mong muốn xây dựng một chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo đầu ra ổn định. Ngay từ khi thành lập, HTX đã tổ chức nhiều buổi tập huấn nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, tham quan trang trại cho sinh viên, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu, qua đó giúp họ thấy được tiềm năng của mô hình chăn nuôi dê. Ngoài kinh nghiệm thực tế, thành viên HTX còn được các sở, ban, ngành, những người có chuyên môn hỗ trợ công tác an toàn sinh học, phòng, chống dịch bệnh trên đàn dê.
Nhờ vậy, hiện nay, mỗi tháng HTX bán hơn 10 tấn dê hơi ra thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên HTX. Riêng trong năm 2022, HTX đã tìm đầu ra cho 500 nông hộ chăn nuôi dê trên địa bàn, với 108 tấn dê hơi, 10 tấn thịt, 1 tấn sữa, có giá cao hơn thị trường 3.000 đồng/kg. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 8 – 12 triệu đồng/tháng.
Trao dê cho các hộ gia đình tham gia Dự án “Chăn nuôi dê theo chuỗi liên kết”.
Không dừng lại ở đó, từ tháng 10/2022, HTX thực hiện Dự án “Chăn nuôi dê theo chuỗi liên kết”. Cụ thể, HTX trao khoảng 100 - 150 con dê thịt (tổng giá trị không quá 200 triệu đồng tùy thời điểm) cho các hộ dân đủ điều kiện (có kinh nghiệm chăn nuôi, quỹ đất, nhân công và có nhu cầu về vốn…) để chăn nuôi. Sau ba tháng, nông hộ sẽ bán dê thương phẩm, trả lại vốn gốc cho HTX và được hưởng 70% lợi nhuận. Đến nay, HTX đã chi 1,8 tỷ đồng để thực hiện dự án cho 4 nông hộ trên địa bàn tỉnh tham gia chăn nuôi được 13 lứa dê thịt.
Ngoài hỗ trợ vốn, bao tiêu sản phẩm, HTX còn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh trên đàn dê để giảm rủi ro khi chăn nuôi. Như trường hợp bà H’Sila Mlô (xã Ea H’đing, huyện Cư M'gar) đã tham gia dự án được 3 lứa dê thịt. Bà H’Sila cho biết, trước khi tham gia dự án này thì kinh tế gia đình bà phụ thuộc hoàn toàn vào vườn cà phê, tính trung bình chỉ thu được 4 triệu đồng/tháng. Từ khi tham gia dự án, kinh tế gia đình bà được cải thiện hẳn. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của gia đình bà tăng 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Trong thời gian tới, HTX định hướng liên kết với khoảng 200 - 300 nông hộ góp vốn, xây dựng vùng nguyên liệu và xưởng chế biến thực phẩm 1.000 m2 nhằm xây dựng thương hiệu Dê Đắk Lắk.