Để tái đàn vật nuôi hiệu quả

Để tái đàn vật nuôi hiệu quả
Chuẩn bị đầy đủ mọi phương diện trước khi bắt đầu tái đàn sản xuất, giúp người nuôi hạn chế được rủi ro và đảm bảo một vụ nuôi hiệu quả, kinh tế.

Tìm hiểu thị trường, nhân lực

Trước khi thực hiện tái đàn hoặc tăng quy mô chăn nuôi, người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường, về số lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để đầu tư số lượng đàn sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, tránh tình trạng tái đàn ồ ạt gây mất cân bằng cung cầu, làm giảm giá thành sản phẩm. Không tái đàn ồ ạt, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi và vùng đã xảy ra dịch bệnh trong thời gian trước đó.

Vệ sinh chuồng trại

Vệ sinh, khử trùng dụng cụ chăn nuôi (máng ăn, máng uống, xô thùng, hệ thống sưởi...); Thu gom và xử lý chất thải, chất độn chuồng; Khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm xung quanh khu vực chuồng trại nhằm loại bỏ nơi cư trú của các tác nhân truyền bệnh trung gian cho vật nuôi như chuột, các loại côn trùng...

Đối với chuồng nuôi: Phải làm sạch toàn bộ nền, sàn, tường và khu vực xung quanh chuồng. Sau đó tiêu độc khử trùng bằng các loại hóa chất sát trùng như: Vôi bột, Iodine, Chloramin, Benkocid... nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh. Đặc biệt lưu ý phải để trống chuồng ít nhất 15 ngày trước khi nuôi lứa mới.

Trong quá trình thực hiện người chăn nuôi phải thực hiện đúng quy trình vệ sinh thú y mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, đi ủng, đeo kính bảo hộ, đội mũ, đi găng tay. Sau khi thực hiện công việc xong phải tắm rửa và sát trùng tay, chân, quần áo và các vật dụng có liên quan.

Chuẩn bị vật tư

Chuẩn bị nguồn vốn để mua thức ăn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng vật nuôi. Có nguồn nước đảm bảo vệ sinh để cung cấp cho đàn vật nuôi.

Chuẩn bị vaccine theo quy trình chăn nuôi để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Dự phòng thuốc thú y, thuốc trợ sức, trợ lực để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi khi mới mua về và trong quá trình chăn nuôi.

Con giống

Vật nuôi tái đàn phải rõ nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y cấp nếu vận chuyển ngoài tỉnh. Con giống phải khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh, không mua giống ở vùng có dịch và vùng không an toàn dịch bệnh. Con giống nhập về phải nuôi cách ly theo dõi ít nhất 2 tuần và thực hiện tiêm phòng vaccine theo quy định của thú y.

Chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng bệnh

Gia súc, gia cầm non khi mới nhập về cần phải áp dụng tốt kỹ thuật úm, dùng bóng điện sợi đốt, bóng hồng ngoại hoặc sưởi ấm bằng than, củi, trấu... để giữ ấm cho gà, vịt, heo con. Thường xuyên bổ sung chất độn chuồng như rơm rạ, cỏ khô, trấu, mùn cưa, phôi bào bảo đảm chất lượng... để giữ ấm cho gia súc, gia cầm trong những ngày rét.

Cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ về số lượng, bảo đảm dinh dưỡng cho từng loại, lứa tuổi vật nuôi. Bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng, men tiêu hóa nhằm tăng cường sức khỏe cho gia súc, gia cầm.

Chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi bằng vaccine theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình chăn nuôi.

Khi phát hiện đàn vật nuôi có biểu hiện khác thường phải báo cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương để kiểm tra, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh dịch bệnh lây lan và phát tán.