Dinh dưỡng cho gia cầm nuôi trong chuồng trại lớn
Thách thức chuyển đổi
Khi hệ thống sản xuất trứng gà hiện đại phát triển, người ta vẫn nuôi gà đẻ trong lồng vì nhiều lý do: Trứng gà không bị dính phân, giảm tiếp xúc giữa gia cầm và công nhân với mầm bệnh, dễ quản lý… Tuy nhiên, gia cầm nuôi nhốt thiếu không gian vận động nên nguy cơ còi xương tăng cao. Cùng đó, nhiều lo ngại về phúc lợi động vật đã kéo theo xu hướng tất yếu đó là chuyển đổi từ nuôi nhốt trong lồng chật hẹp sang hệ thống chuồng trại rộng lớn hơn.
TS. Doug Korver - Giáo sư dinh dưỡng gia cầm, Đại học Alberta, Canada.
Năm 2019, gần 89% lượng trứng gia cầm trên toàn cầu được sản xuất từ gà mái nuôi nhốt trong lồng. Tại châu Âu, con số này là 58%. Ở hầu hết quốc gia trên thế giới, luật pháp, nhận thức của người tiêu dùng và sức ép từ các tập đoàn thu mua trứng là những động lực thúc đẩy các hãng sản xuất trứng gia cầm phải bỏ mô hình nuôi nhốt trong lồng để chuyển đổi sang hệ thống chuồng trại rộng rãi. Sự chuyển đổi này góp phần cải thiện phúc lợi động vật, nhưng tạo ra thách thức cho ngành công nghiệp trứng khi làm tăng mức độ tiếp xúc của vật nuôi với phân thải.
Ngành công nghiệp trứng sẽ phải áp dụng các phương pháp quản lý, dinh dưỡng và chăn nuôi mới để duy trì sức khỏe của gia cầm và sự an toàn của sản phẩm trứng. Tại nhiều quốc gia, hệ thống chuồng nuôi rộng lớn (có không gian cho vật nuôi tự do đi lại) được xem là tiêu chuẩn hoặc ít nhất đang ngày càng phổ biến hơn. Các nghiên cứu về giải pháp thay thế kháng sinh trong chăn nuôi gà mái còn rất hạn chế, tuy nhiên ngành công nghiệp trứng có thể học hỏi kinh nghiệm từ ngành chăn nuôi gà thịt. Chuyển đổi thành công sang hệ thống chuồng trại rộng rãi đồng nghĩa tăng cường sử dụng vaccine, chiến lược dinh dưỡng và thành phần thức ăn không dinh dưỡng.
Dù ngành sản xuất trứng chuyển sang hệ thống chuồng trại rộng hơn thì cách quản lý hệ thống miễn dịch đáp ứng (tiêm phòng) cũng không thay đổi. Nhưng việc gia cầm tiếp xúc với phân thải hơn sẽ dẫn đến những thay đổi trong cách thức quản lý miễn dịch bẩm sinh. Đồng thời ngành chăn nuôi toàn cầu đang có xu hướng loại bỏ kháng sinh dự phòng, thậm chí cả thuốc chống cầu trùng coccidiostat, nên trở ngại đối với người chăn nuôi có ý định nâng cấp chuồng trại quy mô lớn cũng nhiều hơn.
Chiến lược dinh dưỡng
Trong số những con gia cầm chậm tăng trưởng do viêm nhiễm thì 70% liên quan đến lượng ăn vào bị suy giảm, 30% còn lại do kích hoạt miễn dịch bẩm sinh. Dù viêm nhiễm nặng khiến gà sụt cân, nhưng tiếp xúc thường xuyên với thách thức gây viêm nhiễm như bụi, lông tơ và các tác nhân không gây bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất trứng hay tăng trưởng của gà mái tơ. Hầu hết nghiên cứu về tác động của chứng viêm lên tăng trưởng đều được thực hiện trên gà thịt và chỉ một số nghiên cứu nhỏ về tác động của viêm đối với sản lượng trứng.
Thay đổi mô hình nuôi từ lồng sang chuồng lớn, gà mái sẽ phải tiếp xúc nhiều hơn với chất độn chuồng, bụi, lông tơ, mầm bệnh và nhiều nguy cơ gây viêm nhiễm khác. Giải pháp trước đây người chăn nuôi thường sử dụng kháng sinh, nhưng hiện nay không còn chỗ dựa đó nữa bởi sức ép từ hàng loạt quy định mới và người tiêu dùng. Do đó, cần phải tìm ra những hình thức mới để ứng phó với nguy cơ tiền viêm nhiễm. Cải thiện vệ sinh chuồng trại, an toàn sinh học và quản lý luôn là những yêu cầu hàng đầu. Ngoài ra, dinh dưỡng, thức ăn cũng là công cụ hữu hiệu để ứng phó thách thức nói trên.
Xu hướng chuyển dịch toàn cầu của ngành công nghiệp trứng từ nuôi nhốt lồng tập trung sang chuồng trại rộng lớn kéo theo thách thức đối với miễn dịch, đặc biệt là viêm nhiễm. Do đó, cần phải có những thay đổi trong chăn nuôi và quản lý để ứng phó với những thách thức này. Tuy nhiên, sử dụng chiến lược dinh dưỡng hay thành phần thức ăn điều chỉnh miễn dịch để kìm hãm chứng viêm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tác động không mong muốn của hệ thống chuồng nuôi rộng rãi đến sức khỏe gà mái và năng suất trứng.