Đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn, nuôi con gì hiệu quả?
Khái niệm “Nông nghiệp thuận thiên” đang được hiện thực hóa tại ĐBSCL, khi hàng loạt mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn ra đời.
Nuôi tôm thích ứng mặn
Chỉ chưa đầy 5 năm, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chứng kiến hai đợt thiên tai (hạn hán và xâm nhập mặn) vô cùng khốc liệt, khiến gần 500.000 ha bị thiệt hại. Gần 400.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Các chuyên gia khẳng định, đồng bằng sông Cửu Long là một trong 5 vùng chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, do nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán. Trước đây, hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của “vùng đất chín rồng” thường chú trọng vào cây lúa.
Nhiều nông dân ĐBSCL trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, chúng ta phải chấp nhận 3 vùng sinh thái tồn tại khách quan tại đồng bằng sông Cửu Long đó là vùng nước mặn, vùng nước lợ và vùng nước ngọt.
Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã nhận thức rõ, thứ tự ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp của các tỉnh miền Tây Nam bộ giáp biển là thủy sản – trái cây rồi mới đến lúa.
Chúng ta đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Đây là bài toán khó, bởi hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm cần khối lượng nước ngọt khổng lồ. Trong khi đó, các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông như Lào và Trung Quốc đã và đang xây dựng 19 bậc thủy điện.
Campuchia cũng đang xây dựng hồ chứa thủy lợi khổng lồ với dung tích 80 tỷ m3 nước, lấy nguồn từ sông Mê Kông. Trong tương lai, nguồn nước ngọt tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng khan hiếm.