Đốt rơm rạ, lợi bất cập hại
Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi có mặt tại cánh đồng xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Cơn lũ trái vụ vừa đi qua, gần 200 ha lúa của người dân Vĩnh Sơn bị ngập. Một số ít trong diện tích này mất trắng. Số còn lại, bà con có tâm lý để thu hoạch, vớt vát đồng vốn bỏ ra. Thế nhưng, sau khi gặt, nhiều hộ vận động nhân lực ra đồng gom rơm thành từng đống rồi đốt bỏ. Khói bay mù mịt bầu trời, để lại giữa những cánh đồng những đống tro tàn.
Đốt rơm rạ vẫn còn rất phổ biến ở Quảng Trị.
Người dân Vĩnh Sơn cho hay, cách làm như vậy vừa đỡ nhân công vừa có tro để bón cho ruộng. Ông Lê Hữu Chiến, một nông dân đang gom, đốt rạ ở cánh đồng cạnh QL 1A cho hay, không chỉ ông mà nhiều gia đình ở đây cũng chọn cách này để xử lý đồng ruộng.
Sau khi ruộng bị ngập quá lâu, xác thực vật phân hủy sẽ gây ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Chúng tôi hỏi, vì sao gia đình không sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm? Ông Chiến cho biết, trước đây cũng có thời điểm người dân sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nhưng lâu nay không làm như thế nữa vì vừa mất thời gian vừa tốn kém.
“Nay chăn nuôi cũng giảm, không bị áp lực về thức ăn cho trâu bò. Thu rơm rạ về vừa mất công lại không biết sử dụng vào việc gì. Vẫn biết là đốt trên đồng ruộng thì ô nhiễm môi trường và có thể làm chai đất nhưng cứ làm như thế cho nhanh gọn”, ông Chiến lý giải.
Chúng tôi đem câu chuyện này trao đổi với lãnh đạo xã Vĩnh Sơn. Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã cho hay, đúng là năm nay nhiều cánh đồng của xã bị ngập lụt, nếu xử lý không tốt có thể gây ra hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho vụ hè thu. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng không có khuyến cáo gì về phương pháp giải độc hữu cơ cho đồng ruộng sau khi lũ rút.
Đốt rơm rạ gây lãng phí rất lớn nguồn phân bón hữu cơ tại chỗ cho đồng ruộng.
“Một số hộ dân đốt rơm rạ ngay trên cánh đồng, một số thì cày vùi xuống lòng đất, sử dụng vôi để xử lý. Người dân nghĩ, cứ cày vùi xuống, tự nó phân hủy thì cũng sẽ tốt cho ruộng đồng thôi. Ngay cả việc người dân đốt rơm rạ chúng tôi cũng không có khuyến cáo gì”, ông Dũng cho hay.
Ông Dũng trao đổi thêm, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở đây rất khó. Ngành nông nghiệp đã từng về đây tập huấn việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản hay triển khai mô hình gieo sạ lúa thẳng hàng. Tuy nhiên, người dân ở đây không mặn mà áp dụng.
“Người dân chỉ sử dụng chế phẩm khi được hỗ trợ thôi. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật ở đây rất khó khăn vì đa phần người dân gieo sạ xong là đi làm lao động tự do, không dành hết thời gian cho đồng ruộng”, ông Dũng cho hay.
Tình trạng này cũng đang diễn ra ở nhiều vùng ngập lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đa phần người dân sử dụng các biện pháp thủ công để xử lý đồng ruộng sau khi lũ rút. Việc đốt rơm rạ xẩy ra ở nhiều cánh đồng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Thời gian qua, nông dân đang quay quắt với giá vật tư đầu vào nông nghiệp tăng chóng mặt. Thế nhưng, họ lại vô tình bỏ qua nguồn phân hữu cơ vô cùng giá trị từ rơm rạ phân hủy.
Mặc dù nhận thức được tác hại nhưng ông Chiến và nhiều nông dân tại Quảng Trị vẫn đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) trong lần khảo sát tình hình lũ lụt tại Quảng Trị vào đầu tháng 4/2022 đã khuyến cáo, người dân cần sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý đồng ruộng. Cách làm này tuy mất thời gian nhưng sẽ giúp xác hữu cơ phân hủy thành nguồn dinh dưỡng, cây trồng sẽ tránh được ngộ độc hữu cơ. UBND tỉnh Quảng Trị sau đó cũng đã hỗ trợ một phần vôi bột để người dân xử lý đồng ruộng. Tuy nhiên, việc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý những cánh đồng sau mùa lũ ở Quảng Trị rất hạn chế.
Trong khi nông dân Quảng Trị lãng phí rơm rạ thì vụ đông xuân 2021 - 2022, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đưa vào vận hành máy cuốn rơm có gắn thiết bị phun mật mía. Sau khi cuốn xong, rơm được đưa về nhà máy, hút chân không, bảo quản trong môi trường tối khí. Sau 2 tháng, rơm được đưa ra làm thức ăn cho trâu, bò với nhiều dưỡng chất nên tăng trọng nhanh hơn so với dùng các loại thức ăn có trong tự nhiên, chất lượng thịt thơm ngon và an toàn cho người tiêu dùng.