Đưa lúa Nhật vào xây dựng nông thôn mới
Trên bản vẽ định hướng quy hoạch phát triển không gian xã nông thôn mới của Phù Lưu (Ứng Hòa, Hà Nội) ghi rõ vùng nào trồng hoa, vùng nào làm nghĩ trang, vùng nào làm khu đa canh, vùng nào sản xuất lúa chất lượng cao.
Vụ xuân này cũng như xã Hòa Phú, Phù Lưu quyết định chuyển tất diện tích canh tác của mình sang trồng lúa Nhật J02.
Quy hoạch rõ ràng
Ông Dư Đình Huyên, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phù Lưu Hạ cho hay, đơn vị mình là một trong hai nơi tiên phong của huyện Ứng Hòa trong việc cấy lúa Nhật khi bắt đầu thử nghiệm ở vụ xuân năm 2016.
Hồi ấy giống lúa Nhật được chọn không phải là J02 nhưng chất lượng gạo cũng rất tốt chỉ có điểm hạn chế là năng suất làng nhàng, đạt khoảng 2 tạ/sào. Bởi thế, với giá bán 7.500 đồng/kg lúa khô thì mức lãi của giống lúa Nhật này chưa thực hấp dẫn nhà nông.
Vụ xuân 2017 HTX Nông nghiệp Phù Lưu Hạ trải qua 10 cuộc họp mớ có khoảng 90% diện tích được đăng ký cấy lúa Nhật J02 tương đương với 90 ha. Một số hộ còn lại kiên quyết vẫn duy trì cấy lúa lai vì chọn sự nhàn hạ và chắc ăn quen thuộc. Cả hai phía cấy và không cấy lúa Nhật đều hồi hộp chờ đợi đến ngày thu hoạch.
Kết cục, năng suất của lúa lai đạt trung bình 2,2 tạ/sào, giá bán trung bình 5.500đ/kg, thua xa so với lúa Nhật đạt 2,5 tạ/sào (cá biệt có hộ đạt 3 tạ/sào), giá bán trung bình 8.000 đồng/sào. Tính chi li ra mỗi sào lúa Nhật nông dân có thể lãi tới 900.000 đồng so với cấy lúa lai lãi chỉ 200.000 - 300.000 đồng thì gấp hơn 3 lần.
Về đặc tính giống, lúa Nhật tuy khó làm mạ (vỏ trấu dầy nên ngâm ủ mất công) nhưng dễ trong lúc chăm sóc nên chỉ cần 1 - 2 lần phun thuốc hay thậm chí có những vụ sạch bệnh đến nỗi không cần phải dùng đến thuốc BVTV, rất hợp với xu hướng sản xuất sạch hiện nay. Bởi vậy, vụ xuân 2018 này chẳng cần đài phát thanh xã phải ra rả tuyên truyền trước thời vụ cấy bà con đã đăng ký 100% diện tích với hơn 100ha.
Ông Huyên bảo: "Nếu trừ đi mức hỗ trợ của huyện thì người dân cấy lúa Nhật J02 vẫn lãi được trên 800.000 đồng/sào (mức hỗ trợ giống và thuốc BVTV hiện nay khoảng 60.000 đồng/sào) nên kể cả không hỗ trợ đi chăng nữa họ vẫn cấy. Nói đâu xa, như chính nhà tôi năm ngoái cấy 1,8 mẫu lúa Nhật - nhiều nhất HTX, bán tươi một phần với giá 5.500 đồng/kg đã được hơn 20 triệu lãi. Số bớt lại 1,5 tấn để ăn chính là phần gốc mà tôi bỏ ra chi cho sản xuất. Trước đây làm lúa lai, cũng cùng diện tích ấy, không bao giờ tôi thu lãi quá 5 triệu”.
Cấy lúa Nhật, nhiều phía cùng có lợi. Doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định để cấp giống cho dân và thu mua lại sản phẩm về chế biến. HTX trước đây vốn rất lúng túng, bị động, nghèo nàn về dịch vụ thì nay đóng vai trò tổ chức sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, cung ứng nhiều loại dịch vụ như vật tư nông nghiệp, làm đất, thủy lợi, BVTV, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm và có thể tiến tới xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.
Nông dân vừa tăng được lợi nhuận vừa rút gọn hoặc lược bỏ đi những công đoạn lao động nặng nhọc như cày bừa, BVTV, gặt hái, phơi phóng so với trước đây… Chưa loại gạo nào dễ bán như lúa Nhật, doanh nghiệp đánh ô tô đến tận trụ sở HTX thu mua cho bà con lúc còn tươi nên nông dân không phải phơi phóng, chạy thóc tướt tả mồ hôi những khi gặp mưa rào như thủa nào.
Nỗi niềm canh cánh
Ông Dư Đình Huyên, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phù Lưu Hạ đon đả mời tôi đến nhà chơi để khoe về cái hòm giờ vẫn còn 3 - 4 tạ thóc Nhật. Chất lượng bắt đầu xuống sau 1 năm bảo quản nhưng ông vẫn để dành ăn vì trót “nghiện” gạo Nhật. Ông biếu tôi ít gạo Nhật. Lác đác trong đó có những hạt bị vàng nanh chuột, bị đớn, bị đục hay bị gãy do phơi chưa đủ nắng, do phơi dưới nắng gắt. Kinh nghiệm đối với hạt gạo chất lượng cao như gạo Nhật phải phơi 3 - 4 nắng nhẹ hoặc nếu nắng to thì phơi tái rồi phủ bạt, lúc khác lại phơi tiếp cho thật khô chứ không phơi liên tục.
Ông Huyên với vụ lúa lãi hơn 20 triệu
Mang nắm gạo gãy, bạc bụng và vàng nanh chuột mà ông Chủ nhiệm HTX Phù Lưu Hạ tặng đến cho anh Nguyễn Chí Viễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa xem, anh thừa nhận: "Sau thu hoạch đang là một vấn đề lớn, là khâu yếu nhất trong việc tổ chức vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nếu được chế biến tốt giá gạo Nhật sẽ còn tăng thêm gấp rưỡi, gấp đôi chứ không phải 15.000 - 16.000 đồng/kg như hiện nay. UBNDTP Hà Nộicần có những chính sách để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư từ khâu quy hoạch sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp hiện đang rất thấp nên mới cần chính sách để thu hút.
Ví dụ với các lĩnh vực sản xuất khác thường hoạt động 12/12 tháng trong năm nhưng máy sấy lúa mỗi một năm chỉ hoạt động tối đa 2 tháng vì chỉ có 2 vụ trong khi doanh nghiệp vẫn phải thuê đất, mua sắm máy móc, trang thiết bị… Sau máy sấy là cần máy xay xát, máy đánh bóng, máy tách hạt".
Ở Ứng Hòa đã có HTX Đoàn Kết với 10 dàn máy sấy trong tay có thể hỗ trợ bao tiêu, chế biến toàn bộ lúa chất lượng cao từ hơn 2.000 ha lúa Nhật của huyện nhưng hiện vướng mắc liên quan đến vấn đề thuê đất. Giờ đây, HTX đó phải thuê đất ở tận tỉnh Bắc Ninh để tiêu thụ lúa cho Hà Nội".
Một bất cập khác, theo anh Viễn, là cơ chế tích tụ đất. Không có tích tụ thì doanh nghiệp khó đầu tư nhưng hiện vẫn không có cơ chế nào cho họ thuê quyền sử dụng đất: Luật Đất đai đang có rào cản là hạn điền. Hạn điền đó chỉ phù hợp với trồng rau, trồng hoa hay chăn nuôi chứ không phải là trồng lúa, cần một diện tích rất lớn. Nhà nước hiện chỉ giao đất quyền sử dụng đất cho người trực tiếp sản xuất nhưng nếu ứng dụng công nghệ cao thì nông dân thường khó có đủ năng lực để làm được. Vậy ai là người trực tiếp sản xuất nếu không phải là doanh nghiệp đây?