Dược liệu xông hơi 'cháy hàng'

Dược liệu xông hơi 'cháy hàng'
Trong điều kiện chưa có thuốc đặc trị hoặc thuốc chưa phát huy được tác dụng cụ thể, với nhận thức Covid-19 cũng là một dạng cúm, bài thuốc dân gian như xông lá, xông tinh dầu được tái sử dụng giờ đây đang được phổ biến rộng rãi.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, cùng với phác đồ điều trị theo hướng dẫn của ngành y tế, một trong những giải pháp điều trị và phòng ngừa đang được người dân lựa chọn là phương pháp xông hơi truyền thống như xông lá, xông tinh dầu,...

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, trong điều kiện chưa có thuốc đặc trị hoặc thuốc chưa phát huy được tác dụng cụ thể, với nhận thức Covid-19 cũng là một dạng cúm, bài thuốc dân gian như xông lá, xông tinh dầu được tái sử dụng, bắt đầu từ đợt bùng phát dịch bệnh ở khu vực phía Nam và giờ đây đã phổ biến ra cả nước.

Tại khu chợ truyền thống Hải Phòng, một tiểu thương bán hàng ở chợ đầu mối cho biết trung bình mỗi ngày bà bán được khoảng 200 kg lá xông, bao gồm cả bán buôn lẫn bán lẻ, với giá bán dao động từ 8 nghìn đến 12 nghìn đồng mỗi bó. Mặt hàng này thực sự đã trở thành nguồn thu nhập đáng kể của các tiểu thương.

Cũng theo người này, rất có thể không phải khách hàng nào có nhu cầu sử dụng lá xông cũng bị nhiễm Covid-19, nhưng việc xông lá vừa có tác dụng điều trị vừa để phòng ngừa nên người dân đổ xô nhau mua dùng.

Nhu cầu lá xông lên cao khiến nhiều quầy hàng vốn dĩ chuyên về thực phẩm rau, củ, quả, giờ đây có thêm sản phẩm lá xông.

Về mặt hàng này, nhiều tiểu thương cho biết thêm, mấy ngày qua nguồn hàng tại Hải Phòng đã được thu gom hết, phải khai thác từ các tỉnh lân cận, nhất là Hải Dương và Hưng Yên, vì những loại lá được quan tâm nhất như hương nhu hay bạc hà vốn dĩ Hải Phòng không phải vùng trồng.

“Trong mỗi mớ lá xông, các loại lá khác có thể thiếu như lá hương nhu, lá sả, lá bòng bưởi buộc phải có, người ta còn cho thêm cây mùi già hoặc lá hành tây để tạo mùi dễ chịu và tăng hiệu quả", người bán chia sẻ.

Tại Hà Nội, mỗi ngày thành phố lại có hơn 3.000 ca mắc mới nên việc người dân tìm mua lá xông hơi cũng tăng cao.

Không chỉ ở chợ dân sinh, trên các trang mạng xã hội, mặt hàng lá xông, hương liệu, tinh dầu... cũng rất sôi động với nhiều mức giá khác nhau. Hiện, giá các mặt hàng này đã tăng từ 30 – 50%. Các loại lá xông thường được mix sẵn gồm các loại lá như sả, chanh, bưởi, hương nhu, tía tô, ngải cứu...

Chị T.A (Bắc Từ Liêm) cho biết đã tranh thủ mua nhiều gừng, sả về vừa xông vừa xay nhuyễn đóng chai cất ngăn mát tủ lạnh để đổ vào nước ấm tắm cho cả gia đình. Chị cho biết, do tiếp xúc với F0 nên hiện tại cả nhà chị thuộc diện F1. Chị dùng phương pháp xông tinh dầu và tắm gừng, sả để phòng dịch Covid-19.

“Trước đây giá sả chỉ khoảng 15.000 đồng/kg, nhưng nay tăng lên 30.000 đồng/kg; gừng 25.000 đồng/kg nay tăng lên 35.000 đồng/kg. Tuy đắt đỏ nhưng những loại này để được lâu nên tôi mua nhiều một chút về tích trữ, đề phòng chẳng may bị thành F0 còn có cái dùng luôn”, chị chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình vì muốn tiết kiệm thời gian và tiện lợi nên đã lựa chọn các loại tinh dầu đóng chai hoặc gói lá nguyên liệu sấy khô để xông, tắm. Đi kèm với nguyên liệu, các dụng cụ như máy xông tinh dầu, nồi xông,... cũng đều được người dân quan tâm với nhiều mức giá khác nhau.

Hiện tại, Bộ Y tế có ban hành "Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19" với 2 phương pháp xông hơi.

Phương pháp thứ nhất, nguyên liệu gồm hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió... Có thể dùng 1 loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200g-400g, tuỳ theo diện tích phòng. Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm hai lần, sáng và chiều.

Phương pháp thứ hai, nguyên liệu gồm tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế... được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.