Gà Lạc Thủy: Giống gà nội thuần nhất.
Gà Lạc Thủy là giống gà nội có nguồn gen đặc hữu và quý hiếm. Là một trong những giống gà nội thuần nhất, đồng nhất về ngoại hình, và đang phát triển mạnh.
Gà Lạc Thủy (có tên gọi khác là gà ri mận tía) thuộc Hoà Bình là giống gà có nguồn gen đặc hữu và quý hiếm, được Bộ NN-PTNT công nhận là bộ giống quốc gia (năm 2018). Giống gà này là một trong những giống gà nội thuần nhất, đồng nhất về ngoại hình. Gà có bộ lông mã đẹp, mọc sớm nên sức đề kháng, chống chịu với thời tiết khá tốt, thích hợp nuôi cả 4 mùa trong năm.
Những năm gần đây, đàn gà của huyện Lạc Thủy tăng nhanh về số lượng.
Gà con có tốc độ mọc lông “siêu nhanh”, chỉ sau 1 tuần tuổi đã mọc hết lông cánh, sau 4 tuần tuổi có thể phân biệt trống, mái qua đặc điểm ngoại hình. Đây là đặc điểm nổi bật nhất của giống gà Lạc Thủy mà không giống gà nào khác có được.
Khi trưởng thành, con mái có lông màu lá chuối khô nhạt, con trống có bộ lông màu mận chín, chân nhỏ, da chân vàng, da thịt vàng. Thời gian nuôi gà thịt khoảng 4 - 4,5 tháng, tỉ lệ nuôi sống khoảng 90 - 93%.
Theo phòng nông nghiệp huyện Lạc Thủy, những năm gần đây khi gà Lạc Thủy bắt đầu có thương hiệu trên thị trường, người dân đầu tư chăn nuôi bài bản hơn. Nhiều hộ nuôi với quy mô lớn lên tới hàng nghìn, hàng vạn con mỗi năm.
Hiện tại, tổng đàn gà của huyện hơn 1,1 triệu con, trong đó gà Lạc Thủy là 980.000 con. Số lượng hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại chiếm 80% tổng số hộ chăn nuôi. Tập trung ở các xã như Đồng Tâm, Phú Thành, An Bình, Thống Nhất, An Lạc…
Với lợi thế có hơn 19.000 ha rừng, hầu hết các hộ nuôi trên địa bàn huyện đều chăn thả bán tự nhiên. Những năm gần đây, việc kết hợp nuôi gà dưới tán rừng đang cho hiệu quả kinh tế khá cao. Hình thức này vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên cho đàn gà vừa giúp gà có điều kiện vận động nên chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon hơn hình thức nuôi nhốt.
Gà Lạc Thủy có sức sống, đề kháng rất tốt, thịt thơm ngon.
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi ở nhiều tỉnh lân cận cũng tìm về nhập gà giống tại địa phương thường xuyên như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh bình, thậm chí là cả TP. HCM và một số tỉnh phía Nam. Từ đó, thương hiệu gà Lạc Thủy từng bước được nhân rộng, số lượng đầu con cũng tăng lên theo từng năm trên phạm vi cả nước.
Anh Phan Văn Hùng, thôn Liên Hồng, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) cho biết: Gia đình anh nuôi gà Lạc Thủy gần 10 năm, tuy nhiên trước đây số lượng không đáng kể. Từ khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho “gà Lạc Thủy”, giá bán và sức tiêu thụ đã trở nên thuận lợi hơn. Thương lái các nơi tìm về thu mua với số lượng lớn ngày càng nhiều.
Nắm bắt lợi thế đó, anh mua thêm con giống, nâng số lượng đàn nuôi lên 1,3 vạn con. Trung bình hàng năm anh xuất bán ra thị trường 1 vạn gà. Trọng lượng gà xuất chuồng bình quân từ 2 - 2,2 kg/con (gà trống) và 1,7 - 1,8kg (gà mái). Với giá bán từ 85.000 - 87.000 đ/kg, 110.000 - 120.000 đ/kg (gà không sử dụng cám nuôi công nghiệp) trung bình doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Hầu hết các hộ chăn nuôi đều chăn thả gà dưới tán rừng.
Ông Quách Công Mười, Chủ tịch UBND xã An Bình (Lạc Thủy), Hoà Bình cho biết: Tổng đàn gà của xã tăng nhanh về số lượng qua từng năm. Hiện, toàn xã số hộ nuôi từ 500 con trở lên là 175 hộ, chăn nuôi gia cầm đóng góp 30% tổng thu nhập xã hội của xã.
Vì vậy, công tác bảo tồn và phát triển đàn gia cầm tạo sinh kế bền vững cho người dân được chú trọng quan tâm. Trải qua những lớp tuyên truyền, hướng dẫn về chăn nuôi, người dân càng ý thức rõ hơn về việc giữ thương hiệu cho gà Lạc Thủy, áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP.
Theo ông Mười, để phát triển chăn nuôi một cách bền vững, tạo được chỗ đứng ổn định cho gà Lạc Thủy trên thị trường, việc phát triển kinh tế tập thể, hình thành các HTX là hướng đi phù hợp nhất. Vừa thay đổi được thói quen chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, vừa thuận lợi áp dụng các tiến bộ KH-KT vào chăn nuôi đồng nhất, dễ dàng quản lý chất lượng sản phẩm và thương hiệu, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.