Gà nhiều cựa Tân Sơn đang cần hơn 1,3 tỷ đồng
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ vừa có quyết định phê duyệt dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2030, tạo lập và quản lý chỉ dẫn địa lý “Tân Sơn” cho sản phẩm gà nhiều cựa của huyện Tân Sơn.
Dự án Tạo lập và quản lý chỉ dẫn địa lý “Tân Sơn” cho sản phẩm gà nhiều cựa của huyện Tân Sơn do UBND huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ chủ trì và ông Bùi Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn làm chủ nhiệm.
Cầu thủ Hà Đức Chinh làm đại sứ thương hiệu gà nhiều cự Tân Sơn.
Mục tiêu của Dự án nhằm tạo lập và bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm gà nhiều cựa của huyện Tân Sơn. Xây dựng hệ thống công cụ quản lý, nhận diện và quảng bá, truyền thông giới thiệu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Tân Sơn. Xây dựng mô hình vận hành quản lý chỉ dẫn địa lý Tân Sơn cho sản phẩm gà cựa Tân Sơn của huyện Tân Sơn.
Dự án sẽ điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm gà nhiều cựa giai đoạn 2020 - 2023 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, phương thức, quy trình chăn nuôi, vùng chăn nuôi gà nhiều cựa, kết quả vận hành quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể…
Tạo lập bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Tân Sơn” cho sản phẩm Gà nhiều cựa của huyện Tân Sơn thông qua việc xác định tổ chức đứng tên chủ đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, đối tượng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các chỉ tiêu đặc thù của sản phẩm Gà nhiều cựa Tân Sơn.
Những con gà nhiều cựa có mã đẹp tại HTX Gà nhiều cựa Tân Sơn Phú Thọ.
Xây dựng bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý Gà nhiều cựa Tân Sơn, hoàn thiện hồ sơ và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Tân Sơn” cho sản phẩm Gà nhiều cựa Tân Sơn…
Thời gian thực hiện dự án là 30 tháng với tổng kinh phí thực hiện dự án là 1,388 tỷ đồng.
Gà nhiều cựa là một trong những loài gà quý trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh từ thời đại Hùng Vương hiện được nuôi nhiều ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đây là sản vật quý, giúp đồng bào địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Gà nhiều cựa thuần chủng ở huyện Tân Sơn thường có kích thước nhỏ, thịt chắc, ngọt, thơm, gà mái chỉ đạt trọng lượng khoảng 1,2 - 1,6kg, gà trống trọng lượng cao nhất đạt 2 - 2,2kg, giá bán 200.000 – 250.000 đồng/kg.
Vào dịp Tết Nguyên đán, giá gà nhiều cựa có thể dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/kg tùy loại..., nhiều hộ gia đình ở Tân Sơn đã trở nên giàu có nhờ nuôi giống gà quý này.
Được biết, từ năm 2012, Bộ NN-PTNT đã ban hành “Danh mục bổ sung nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn”, trong đó có giống gà nhiều cựa Phú Thọ. Việc giống gà nhiều cựa được xác định là một nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu gà nhiều cựa.
Năm 2016, dự án tạo lập, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể “Gà nhiều cựa Tân Sơn” của huyện Tân Sơn được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt. Năm 2018, “Gà nhiều cựa Tân Sơn” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận.
Huyện Tân Sơn hiện có khoảng 25.000 - 30.000 con gà nhiều cựa các loại.
Ở huyện Tân Sơn hiện có khoảng 25.000 - 30.000 con gà nhiều cựa các loại, trong đó có khoảng gần 20 hộ nuôi tập trung từ 300 con trở lên, còn lại hàng trăm hộ nuôi xen với gà thả vườn, tập trung tại các xã Tân Phú, Xuân Đài, Kiệt Sơn, Minh Đài, Xuân Đài...
Năm 2023, huyện Tân Sơn tiếp tục hỗ trợ 30% chi phí giống và thức ăn ban đầu, tăng số hộ tham gia nuôi gà nhiều cựa tập trung; nỗ lực quảng bá, xúc tiến thương mại, thí điểm sơ chế, hình thành sản phẩm mới.
Huyện Tân Sơn cũng tranh thủ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ để nhân rộng mô hình trong cộng đồng gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trên gà, giúp nhân giống nhanh, giảm giá thành...
“Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ đang tập trung xây dựng thương hiệu gà nhiều cựa Tân Sơn thành sản phẩm đặc hữu, sản phẩm OCOP, hữu cơ... Tuy nhiên đối với gà nhiều cựa hiện đang gặp một số vấn đề về giống thuần chủng, nguồn gen… Trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển thương hiệu để nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm đặc trưng ở vùng đất Tổ”, ông Trần Tú Anh khẳng định.