Gặp nhiều bất thuận, TBR225 vẫn đem lại vụ mùa bội thu cho nông dân Sơn Tịnh, Quảng Ngãi
Lần đầu tiên thực hiện dồn điền đổi thửa để sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn với nhiều khó khăn như chất đất không đều, kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ nhưng giống lúa TBR225 vẫn mang lại một mùa vụ bội thu cho bà con nông dân ở huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi).
Không chỉ vậy, với năng suất cao, chi phí sản xuất giảm, hiệu quả kinh tế của lúa TBR225 càng được thể hiện rõ rệt. Lợi nhuận tính trên mỗi ha cao hơn đến 2,5 triệu đồng so với cách sản xuất đại trà của bà con nông dân địa phương trước đây.
Vụ ĐX 2018 - 2019, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh phối hợp với HTX DVNN Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) xây dựng mô hình trình diễn “cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa” xứ đồng Mốc (thôn Minh Xuân, xã Tịnh Bắc), quy mô diện tích 16,58ha, với 139 hộ tham gia.
Cánh đồng mẫu lớn sử dụng giống lúa TBR225 của Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed chọn tạo với mục đích đánh giá tiềm năng năng suất, chất lượng, mức độ nhiễm sâu bệnh hại và khả năng thích ứng của giống trên đồng đất địa phương. Đến thời điểm hiện tại, cánh đồng mẫu lớn đã chuẩn bị thu hoạch và qua đánh giá, từ thời điểm gieo sạ đến nay lúa phát triển tốt mặc dù gặp điều kiện thời tiết bất lợi, cho năng suất cao.
Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh, năng suất lúa trong mô hình trình diễn, ước năng suất thực thu đạt 64,7 tạ/ha, Trong khi năng suất của lúa ngoài đại trà trong cùng điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng ước đạt là 62,3 tạ/ha. Ngoài ra, cánh đồng mẫu lớn khảo nghiệm còn giảm được các khoản đầu tư không cần thiết như: Giống, phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc. Đáp ứng tiêu chí đã áp dụng vào mô hình là sản xuất theo phương pháp “1 phải 5 giảm”.
Về chi phí, mô hình trình diễn giảm được so với lúa sản xuất ngoài đại trà trong cùng điều kiện là trên 1,1 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ở ruộng mô hình là 13,36 triệu đồng/ha, ruộng nông dân 10,810 triệu/ ha, lãi cao hơn so với ruộng của nông dân 2,55 triệu đồng/ ha.
Ông Phạm Cao Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh cho biết, vụ ĐX vừa qua thực hiện mô hình trình diễn gặp nhiều khó khăn như thời tiết mưa nhiều nên xuống giống chậm mất 5 ngày, điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương rất xấu, người dân canh tác chưa đồng bộ, việc chủ động điều tiết nước chưa phù hợp.
Tuy nhiên lúa TBR225 trên cánh đồng mẫu lớn vẫn đạt tỷ lệ nẩy mầm cao (>95%), cứng cây, trổ bông tập trung, bông to, dài, nhiều hạt, hạt thon dài, khối lượng 1000 hạt 24-25gram. Các yếu tố cấu thành năng suất (như : số bông/m2 , số hạt chắc/ bông ...) có sự khác biệt rất rõ giữa 2 ruộng mô hình và ruộng nông dân.
Nông dân Trương Quang Tâm (một hộ tham gia sản xuất mô hình) thì giống lúa TBR225 có nhiều ưu điểm như phát triển tốt trên đồng đất địa phương, đẻ nhánh tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại. “Trước đây chúng tôi gieo sạ dày nhưng với giống TBR225 vụ ĐX vừa qua chỉ gieo 4kg/sào và vẫn đạt năng suất cao hơn so với những giống lúa thường được sử dụng trước đây.
Trong khi đó, trong quá trình canh tác tôi không bón phân chuồng hay vôi gì mà lúa vẫn rất tốt. Chúng tôi thấy lúa TBR225 rất phù hợp để canh tác ở địa phương. Trong thời gian tới đề nghị Trung tâm cũng và Cty Thái Bình nhân rộng diện tích sản xuất ở những vụ mùa tới”, ông Tâm kiến nghị.