Gia cầm châu Á: Môi trường kinh doanh nhiều thách thức

Gia cầm châu Á: Môi trường kinh doanh nhiều thách thức
Ngành gia cầm châu Á được dự báo tăng trưởng trong năm nay, nhưng dưới mức trung bình. Giá cả vẫn là yếu tố chi phối thị trường, do đó, các nhà sản xuất tiếp tục đối mặt nhiều thách thức.

Thái Lan – mở rộng xuất khẩu

Rabobank dự báo sản lượng thịt heo của Thái Lan tiếp tục phục hồi, làm giảm nhu cầu tiêu thụ thịt gà. Về mặt tích cực, lượng khách du lịch Thái Lan sẽ tăng và giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt, khiến xuất khẩu của Thái Lan cạnh tranh hơn.

Theo nhận định của Rabobank, thị trường toàn cầu sẽ không cải thiện đáng kể, vì vậy các nhà sản xuất phải tập trung mở rộng xuất khẩu thị gà sống. Thị trường thịt gà chế biến có thể phục hồi nhẹ nhưng không đạt mức mạnh như năm 2022.

Trong điều kiện đầy thách thức này, Rabobank đề xuất tập trung tái cân bằng thị trường khi dư địa mở rộng sản xuất còn hạn chế. Theo đó, tổ chức này kỳ vọng tăng trưởng sản xuất gia cầm năm khoảng 1% vào năm 2024. Ngành chăn nuôi của Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu nội địa suy yếu, nhưng ngành công nghiệp gia cầm đã bù đắp được những tác động từ việc giá cả sụt giảm.

Indonesia – nhu cầu phục hồi

Nhu cầu tiêu thụ thịt gà dự kiến phục hồi trong quý I/2024, thúc đẩy tăng trưởng bất chấp tình trạng dư cung và chi phí thức ăn tăng cao. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, có hai làn sóng thúc đẩy tiêu thụ gia cầm tại Indonesia gồm: giai đoạn bầu cử từ tháng 1 đến tháng 2; và tháng Ramadan vào tháng 3. Trong tháng Ramadan, các nhà chế biến thịt thường tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu thực phẩm đông lạnh, do đó nhu cầu về thịt gà không xương cũng tăng cao hơn.

Đầu năm 2024, giá gà hơi tại Indonesia giảm 0,9 USD/kg so với mức 1,03 – 1,13/kg của tháng 11/2023. Nhiều trang trại đã yêu cầu chính phủ áp dụng giá tham chiếu 1,35 – 1,48 USD/kg. Theo Hiệp hội Gia cầm Indonesia, nguồn cung gà thịt năm nay ước 4,39 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ 3,72 tấn.

Thay vì tiêu hủy trứng ấp như chính phủ kêu gọi, các doanh nghiệp gia cầm đề nghị cơ quan chức năng tính toán lại khối lượng nhập khẩu gà bố mẹ và cân bằng nhu cầu để thu hẹp khoảng cách cung cầu.

Trong quý I/2024, chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn là trở ngại lớn nhất, đặc biệt sản lượng ngô sẽ giảm và giá cao hơn. Cục Thống kê Indonesia dự đoán sản lượng ngô tháng 1, 2 tiếp tục giảm còn 0,56 triệu tấn. Đầu tháng 1, giá ngô chạm mức 0,51 – 0,54 USD/kg so giá tham chiếu của chính phủ 0,32 USD/kg.

S&P Global báo cáo sản lượng ngô thấp hơn trong khi vận chuyển lúa mì ở Biển Đen chậm trễ đang gây ra nhiều vấn đề cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi, khiến nguồn cung gia cầm bị thắt chặt trong thời gian tới.

Malaysia – Chờ đợi và quan sát thị trường

Sản xuất thịt gà của Malaysia trong quý I/2024 không chắc chắn. Mặc dù tiêu thụ chuyển biến tích cực nhưng các hãng gia cầm địa phương vẫn “án binh bất động” để nghe ngóng tình hình thị trường.

Datuk Jeffrey, chuyên gia tại Hiệp hội Người chăn nuôi Malaysia cho biết, không hạn chế nhập khẩu thịt gà chính là một “tai họa”. Một số chuỗi thức ăn nhanh đang thua lỗ nghiêm trọng do người tiêu dùng tẩy chay doanh nghiệp thực phẩm của Israel sau khi xung đột Israel – Hamas leo thang, trong đó có rất nhiều hãng gia cầm.

Philippines – Thu hẹp sản xuất

Các hãng gia cầm Philippines dự kiến giảm sản lượng trong quý I/2024. Gregorio San Diego, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm, cho biết giá bán gia cầm nội địa tiếp tục bị ảnh hưởng do nhu cầu suy yếu, sức mua kém trong khi nhập khẩu gia cầm vẫn ồ ạt.

Cục Thống kê Philippines cho biết, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng gia cầm tồn kho là 70,4 triệu con, giảm 2% so với cùng kỳ. Do nhu cầu tiêu thụ yếu và nhập khẩu tăng nên việc cắt giảm sản lượng trong nước không tạo ra chuyển biến đáng kể trên thị trường. Thực tế, doanh số thịt gà trên khắp cả nước đang giảm. Thậm chí hãng thức ăn nhanh tên tuổi như Jollibee cũng dự kiến giảm mua mua hàng trong năm nay. San Diego cho biết thêm, thị trường ảm đạm khiến nông dân tạm dừng tái đàn, hoặc thu hẹp sản xuất.