Giá gạo xuất khẩu cao nhất 10 năm
Số liệu mới nhất từ Hải quan cho thấy nửa đầu năm, xuất khẩu gạo đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng trên 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo tính toán, trong tháng 6, giá gạo xuất khẩu đạt bình quân 650 USD một tấn, tăng 9,4% so với tháng 5 và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, giá gạo xuất khẩu ước đạt 539 USD một tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2022 - mức cao nhất 10 năm qua.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên nhân khiến giá gạo tăng mạnh là nguồn cung gạo trên thế giới sụt giảm so với cùng kỳ 2022. El Nino xuất hiện buộc nhiều quốc gia tăng mua để dự trữ.
Tại Philippines, Bộ Nông nghiệp nước này dự báo El Nino trở lại, nguy cơ ảnh hưởng nặng nề tới sản lượng lương thực nội địa của họ. Còn Chính phủ Indonesia dự báo El Nino có thể gây hạn hán tại nước này nên vụ thu hoạch tháng 7-8 đối với các mặt hàng nông sản có thể sụt giảm mạnh. Nước này dự kiến nhập 2 triệu tấn gạo trong năm nay bất chấp giá gạo liên tục tăng.
Thống kê cho thấy 5 tháng đầu năm, các thị trường chính là Philippines và Trung Quốc đều tăng trưởng mạnh ở mức 2 con số. Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang một số thị trường mới như Indonesia, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal... ghi nhận mức tăng đột biến từ 1.100-16.000% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cách đây vài ngày, Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á). Nguyên nhân là giá gạo trong nước tăng và họ muốn kiềm chế lạm phát. Giá gạo bán lẻ tại Delhi đã tăng 15% năm nay, trong khi giá trung bình cả nước tăng 8%, theo số liệu từ Bộ Lương thực Ấn Độ.
Trước thông tin trên, các doanh nghiệp và Hiệp hội Lương thực thực phẩm Việt Nam cho rằng, nếu lệnh cấm này được thông qua, giá gạo trên toàn cầu sẽ tăng. Sắp tới, Gạo Việt không chỉ được hưởng lợi về giá mà còn thuận lợi trong xuất khẩu.
Một doanh nghiệp có trụ sở ở Cần Thơ cho biết đơn hàng xuất khẩu dồi dào, giá gạo thơm đang tăng mạnh nhất. Họ luôn trong tình trạng không đủ nguồn cung để trả đơn hàng. Dự báo, thị trường xuất khẩu gạo nửa cuối năm sẽ đạt giá trị cao.
Để đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu, trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất lúa, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long chủ động canh tác, ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp nhu cầu thị trường.
Hiện, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường ngày càng đa dạng, chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng chất lượng, giá trị gia tăng cao, thâm nhập được vào nhiều thị trường gạo cao cấp.