Giá heo hơi đã bắt đáy, hiện đang có xu hướng tăng dần?
Ngành heo đã tạo đáy quanh mốc 49.000 - 50.000 đồng/kg
3 tháng qua, thị trường heo hơi sôi động trở lại. Tính đến ngày 28/5, giá heo hơi chạm mốc 61.000 đồng/kg, tăng 17% so với hồi đầu năm. Đồng thời, mức giá này được xem là bắt đầu có lãi đối với cả doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi nhỏ lẻ.
Trong báo cáo ngành chăn nuôi heo của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho biết lạm phát hạ nhiệt từ cuối tháng 3, chi tiêu người dân có thể sớm phục hồi. Bên cạnh đó, nguồn cung nội địa cuối năm có thể sụt giảm mạnh trong bối cảnh giá heo giảm, giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao khiến các hộ chăn nuôi e ngại tái đàn.
“Nguồn cung đang sụt giảm và sức mua tăng trở lại có thể giúp giá thịt heo tăng trở lại vào khoảng tháng 8. Nhờ đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi heo được cải thiện 6-14% qua các năm”, VCBS cho biết.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng giá heo hơi đã tạo đáy quanh mốc 49.000 - 50.000 đồng/kg trong giai cuối năm 2022 - đầu năm 2023 - thời điểm trùng với dịch lễ Tết Nguyên Đán.
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco (mã: DBC) đây là thời điểm khó khăn với với ngành chăn nuôi và tập đoàn nói riêng. Giá thành sản xuất 55.000 - 56.000 đồng/kg nhưng chỉ bán ở giá 47.000 - 48.000 đồng/kg và cao nhất là được 49.000 đồng/kg.
“Trong 27 năm ở Dabaco, tôi chưa khi nào phải họp với ban lãnh đạo tuần một lần, từ 7h sáng thậm chí là 3 ngày họp một lần. Hay 16, 17 năm nay, chưa khi nào tôi phải họp với đội thị trường nhưng gần một năm nay, tôi phải họp liên tục”, ông So nói.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) cho rằng giá heo hơi chạm đáy ở vùng 49.000-50.000 đồng/kg và ở đó, không xuống thêm được nữa. Thời điểm giá tạo đáy vào khoảng tháng 12/2022 - tháng 1/2023, trùng với dịp lễ Tết.
“Việc giá heo hơi chạm đáy vào đúng thời điểm nhu cầu chạm đỉnh là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Bởi, thông thường giá heo thời điểm này sẽ đạt mức cao nhất trong năm. Điều này phản ánh kinh tế đi xuống. Ngoài ra, nhiều người bán heo chạy dịch nên áp lực nguồn cung rất lớn. Nhiều trường hợp heo chưa đủ cân nặng cũng được xuất chuồng. Đây là 2 yếu tố gây áp lực lên giá”, ông Bá nói
Theo ông Bá với mức giá 49.000 - 50.000 đồng thì nông dân nhỏ lẻ nếu giữ được đàn trong dịch, sẽ lỗ. Bời vì, giá vốn của họ là 53.000-54.000 đồng/kg, ai làm tốt hơn thì 51.000-52.000 đồng/kg.
Thị trường bước vào giai đoạn phục hồi vì nguồn cung giảm
Dịch tả heo Châu Phi là một thách thức cho các công ty chăn nuôi, đặc biệt, với chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC Research) cho biết theo thống kê, 4 tháng đầu năm, cả nước phát hiện 104 ổ dịch tả heo châu Phi tại 26 tỉnh, thành phố được báo cáo với quy mô trên 4.073 con heo mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy.
Quy mô dịch bệnh 4 tháng đầu năm nay tương đương 20,4% số ổ dịch tả heo được phát hiện và bằng 18,9% số heo bệnh và tiêu hủy của cả năm 2022. Trong đó, Việt Nam là một trong số các nước trong khu vực dịch bùng phát sớm và mạnh nhất Châu Á.
Tỷ lệ các hộ nuôi nhỏ lẻ từ mức 70% tổng đàn trên toàn Việt Nam trước đây, giảm còn 50% tính đến năm 2022. Xu hướng tỷ lệ người nuôi nhỏ lẻ bị thu hẹp vẫn tiếp diễn trong năm 2023 do chi phí nuôi cao hơn nhiều so với doanh nghiệp lớn kèm theo giá bán giảm mạnh khiến họ thua lỗ.
VCBS cho rằng giá bán của các hộ nông dân cũng không được cao như doanh nghiệp nên nông dân bỏ chuồng nhiều, tỷ lệ nguồn cung thịt heo từ hộ nông dân chỉ còn chiếm 38% trong tổng nguồn cung cả nước. Một số doanh nghiệp dự báo tương lai, tỷ lệ này sẽ còn khoảng 20-30%.
Theo nhận định của BAF, hiện tại, tổng đàn của Việt Nam bị mất khoảng 20-25% so với bình thường dựa trên số liệu doanh số bán thức ăn chăn nuôi, heo giống của các doanh nghiệp, thú y, đàn heo của dân. Do đó, giá heo hơi đang trong quá trình hồi phục vì nguồn cung dài hạn đã giảm nhiều do dịch tả heo càn quét tổng đàn.
Các doanh nghiệp tin rằng giá heo hơi đang bước vào giai đoạn phục hồi trong bối cảnh cung suy giảm mạnh và tiêu thụ đang có xu hướng tăng dần.
“Tổng đàn giảm thì không có lý gì không lên. Hy vọng mở cửa du lịch, nhu cầu sẽ tăng lên. Vừa rồi, tổng đàn giảm cả các nước trong khu vực Trung Quốc, Thái Lan chứ không phải riêng Việt Nam. Nhà sản xuất heo lớn nhất còn tuyên bố phá sản. Do đó, giá thịt heo dứt khoát phải lên vì làm gì còn nhiều heo”, ông So nhận định.
Theo ông tổng đàn heo hơi thời gian qua đã giảm nhiều do dịch bệnh kèm với giá heo hơi thấp khiến nhiều người bỏ chuồng. Trước đây, tổng đàn heo cả nước khoảng 28 - 29 triệu là đủ cho cung cấp, hiện giờ chỉ 23 triệu con nhưng sức mua lại giảm.
Một số doanh nghiệp khác lại tin rằng kịch bản giá heo hơi quay lại thời kỳ đỉnh cao năm 2020 là điều hoàn toàn khả thi.
“Cuối tháng 5 cho đến hết quý II năm sau, giá heo hơi bình quân sẽ rơi vào khoảng 60.000-65.000 đồng/kg. Do đó, từ giờ đến giữa năm sau giá sẽ tốt.
Với diễn biến dịch, câu chuyện giá heo hơi lên 100.000 đồng/kg như năm 2020 là hoàn toàn có thể. Tóm lại, đây là cơ hội cho những nhà chăn nuôi hiện đại”, ông Bá nhận định.
BSC Research cũng cho rằng giá heo hơi có thể hồi phục lên 60.000 – 65.000 đồng/kg trong giai đoạn nửa cuối năm nay do nguồn cung suy giảm và nhu cầu ổn định hơn. Song, BSC cho rằng giá heo khó tăng mạnh lên mức 70.000 - 80.000 đồng/kg như giai đoạn trước.
Chi phí nuôi đang giảm dần
Dù ở kịch bản nào đi nữa, ngành chăn nuôi hiện vẫn đang có ở mức có lãi dù ở quy mô nuôi nhỏ lẻ hay chăn nuôi chuyên nghiệp bởi chi phí nuôi hiện cũng đã giảm, nhất là thức ăn chăn nuôi (chiếm khoảng 70% tỷ trọng chi phí).
Năm 2021-2022, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như đậu tương, ngô đều tăng phi mã do ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga - Ukraine và dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Theo đó, giá đậu tương chạm đỉnh 10 năm vào tháng 5/2022 và tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2020. Giá ngô thậm chí chạm mốc kỷ lục vào tháng 4/2022.
Điều này ngành chăn nuôi thiệt hại nặng, ngay cả những công ty lớn chăn nuôi khép kín, tự chủ nguồn cung thức ăn thành phẩm.
"Đứt gãy trục cung ứng khiến giá cả trên thế giới gia tăng. Đơn cử như nhà máy ép dầu, Dabaco mua mỗi lần khoảng 30.000 - 40.000 tấn khô đậu tương nhưng giá cứ lên, đến khi mua về thì một tháng sau giá lại sập xuống. Chỉ cần xuống trăm USD/tấn thì Dabaco mất một vài triệu USD là chuyện bình thường. Rất khó để tính toán trên thị trường. Dabaco rất nỗ lực để mua từ các nhà sản xuất chứ không phải thương mại", Chủ tịch Dabaco thông tin.
Tuy nhiên, hiện tại, xu hướng giá bắt đầu đảo chiều. Tính đến ngày 28/5, giá ngô giảm khoảng 26% từ đỉnh, trong khi giá đậu tương cũng giảm 23% xuống lần lượt 6 USD/giạ và 13,3 USD/giạ (1 giạ ngô = 25,4 kg; 1 giạ đậu tương = 27,2 kg).
Chủ tịch BAF cho rằng xu hướng sẽ giảm tiếp vào cuối năm và đầu năm sau. Đến giữa năm 2024, giá nguyên vật liệu sẽ trở về như lúc trước đại dịch và xung đột Nga - Ukraine. Nếu có thiết lập mặt bằng giá mới thì sẽ tăng khoảng 5-10% so với thời điểm đó.
CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng nguồn cung của hầu hết mặt hàng lương thực tăng do sản lượng được cải thiện, Ukraine tiếp tục quay trở lại cung cấp nông sản cho thị trường thế giới, trong khi đó nhu cầu suy yếu, chi phí vận chuyển giảm sẽ góp phần hạ giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trong đó, giá ngô và khô đậu tương năm nay được dự báo tiếp tục giảm so với năm 2022.
Giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ so với giá nông sản thế giới, do vậy VNDirect kỳ vọng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần từ quý II, điều nay giúp biên lợi nhuận năm 2023 của các doanh nghiệp có thể cải thiện trung bình 2 điểm %.
Ngoài ra, bộ phận phân tích cho rằng chi phí thức ăn chăn nuôi thấp sẽ có tác động tích cực tới cả các doanh nghiệp sản xuất thịt và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên trong dài hạn, các hộ chăn nuôi cần quan sát biến động giá heo hơi trên thị trường, thận trọng trong việc tái đàn.