Giá lợn hơi tăng mạnh người dân thở phào
Gia đình ông Bùi Văn Đơn, xóm Nhõi Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong) là hộ chăn nuôi lợn lâu năm. Chuồng trại được gia đình xây dựng có diện tích khá, quy mô có thể nuôi vài chục lợn thịt/lứa. Vì đầu tư chuồng trại bài bản nên vợ chồng ông quyết tâm bám trụ với nghề nuôi lợn, dù gặp phải nhiều “cay đắng” nghề này đem lại. Suốt thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến cuối năm 2022, gia đình ông chịu thua lỗ vì giá lợn đã xuống thấp lại còn khó bán.
Ông Đơn chia sẻ: Hơn 2 năm qua, khó khăn chồng khó khăn với người chăn nuôi. Giá lợn thấp, khó bán trong khi giá cám tăng cao chưa từng có. Có thời điểm, 1 con lợn nặng trên 200 kg nhưng chỉ bán được có 5 triệu đồng, giá lợn giống thì chỉ vài trăm nghìn đồng 1 con. Gia đình đã tận dụng cám, ngô, chuối, rau lang để giảm chi phí nhưng tính ra vẫn lỗ. Tuy nhiên vẫn phải nuôi cầm chừng, bởi nếu bỏ hẳn sẽ đứt vốn.
Nuôi, nghe ngóng thị trường, từ đầu năm đến nay, ông Đơn đã bớt dần lo lắng khi giá lợn bắt đầu tăng trở lại, hiện giá lợn hơi trên 60 nghìn đồng/kg. Đợt vừa rồi ông Đơn xuất bán 2 lứa lợn giống với giá cao. “Hai năm vừa rồi thua lỗ nên khi giá lợn tăng trở lại gia đình rất phấn khởi. Hiện giá lợn hơi đã đạt trên 60 nghìn đồng/kg, còn lợn giống vừa rồi gia đình bán 1 triệu đồng/con. Với mức giá như hiện nay thì nuôi lợn đã có lãi” – ông Đơn chia sẻ. Thời điểm này gia đình ông nuôi 3 con lợn nái và một số lợn thịt. Ông Đơn dự tính sắp tới sẽ nuôi thêm nhiều lợn thịt.
Thở phào và hy vọng, đó cũng là cảm xúc của anh Bùi Văn Minh, xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc), người đã chịu nhiều thua lỗ từ khi quyết định “bỏ phố về làng” lập nghiệp với nghề nuôi lợn. Trước đây, vợ chồng anh Minh đi làm ăn xa, sau khi tích cóp được ít vốn đã quyết định nghỉ việc để về quê chăn nuôi trâu, bò và lợn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá lợn giảm sâu trong thời gian dài, trong khi giá cám tăng cao nên mỗi lứa lợn xuất bán, tiền nợ lại tăng lên. Anh Minh chia sẻ: “Nếu bỏ không nuôi nữa thì người ta sẽ đòi tiền cám nên dù lỗ vẫn phải nuôi duy trì, hy vọng giá tăng trở lại sẽ gỡ dần”. Hiện, anh Minh đang nuôi vài con lợn nái và chục lợn thịt. Vợ chồng anh kỳ vọng những lứa lợn sắp tới sẽ có lãi để trả tiền cám, xa hơn có lãi với nghề nuôi lợn.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến hết quý II/2023, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có trên 451 nghìn con. Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi lợn khá ổn định khi không xảy ra dịch bệnh lớn, giá lợn hơi tăng trở lại sau thời gian dài giữ ở mức thấp. Đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y cho biết: Giá lợn hơi khoảng 2 tháng trở lại đây đang hồi phục và tăng trở lại, hiện đạt 60.000 – 65.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy người chăn nuôi đã có lãi. Đây là dấu hiệu tích cực giúp người chăn nuôi có điều kiện tái đầu tư. Mặc dù giá lợn hơi có xu hướng tăng nhưng theo dự báo của các chuyên gia chăn nuôi, nhu cầu tiêu dùng vẫn còn khá yếu nên từ nay đến cuối năm, giá lợn hơi vẫn có thể chỉ ổn định ở mức 64.000 – 65.000 đồng/kg.