Giải pháp tổng thể cho Đề án 1 triệu ha lúa vùng ĐBSCL
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Để đạt mục tiêu chung của Đề án, một mặt, ngành khoa học nông nghiệp sẽ đóng góp các kiến thức chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, dự đoán rủi ro, từ đó tư vấn chính sách cho ngành lúa gạo bền vững. Mặt khác, cần có các chính sách cụ thể để nâng tầm thương hiệu lúa gạo Việt Nam, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm gạo nước ta trên thị trường quốc tế.
Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc phỏng vấn với ông Đào Thế Anh (Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và ông Trần Công Thắng (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn) về vấn đề trên.
Mục tiêu chuyển đổi hệ thống sản xuất lúa gạo
Xin ông chia sẻ về mục tiêu và những nội dung của “Đề án xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”?
Ông Trần Công Thắng: Ngày 27/11 vừa rồi, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Cái tên của Đề án liên quan tới Chất lượng cao và Phát thải thấp, bản thân nó đã nói rõ mục tiêu Đề án.
Mục tiêu chính là chúng ta tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng lúa. Trước đây, mọi người chỉ nghĩ đến giống lúa được xác nhận chất lượng cao. Song giờ đây, chúng ta phải nghĩ đến yếu tố nữa là nâng cao giá trị cho ngành hàng lúa gạo, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng lúa. Ngoài ra, tổ chức lại sản xuất để tạo ra vùng chuyên canh cây lúa, chuẩn hóa từ giống, quy trình sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, chuẩn hóa quy trình giảm phát thải.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn.
Thứ hai nữa là về phát thải thấp. Trong đề án cũng đưa ra mục tiêu cụ thể về giảm tài nguyên đầu vào – đặc biệt là hóa chất, giảm nguồn nước tiêu thụ, tái chế rơm rạ. Trong đề án, 100% rơm rạ sẽ được vận chuyển khỏi đồng ruộng, tái chế để tạo giá trị gia tăng. Đến 2030, chúng ta sẽ xây dựng 20% gạo xuất khẩu gắn với phát thải thấp. Đây là mục tiêu quan trọng để nâng tầm vị thế, giá trị gạo Việt Nam.
Đề án hướng tới thay đổi cả hệ thống ngành hàng lúa gạo.
Mục tiêu mang tính xã hội là đến 2030, sẽ có khoảng một triệu hộ nông dân được tập huấn canh tác bền vững - một trong những mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam. Chúng ta hướng tới việc sản xuất lúa gạo không chỉ cung cấp lương thực, mà còn giảm phát thải. Chúng ta cũng hướng tới thay đổi cả hệ thống từ người trồng lúa, hợp tác xã, doanh nghiệp để đạt mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người trồng, kinh doanh lúa gạo.
Thưa ông, hiện nay sản xuất lúa phát thải thấp có phải là xu hướng trên thế giới hay không? Và sự thành công đối với mô hình lúa phát thải thấp trên thế giới ra sao?
Ông Đào Thế Anh: Có thể khẳng định rằng sản xuất lúa phát thải thấp đang là một xu hướng quan trọng trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế ngày càng chú trọng đến các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. Tại Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 6 năm 2023 ở Philippines, việc giảm phát thải trong sản xuất lúa nước là một trong những chủ đề quan trọng được nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu quốc tế quan tâm và thảo luận sâu rộng. Điều này là minh chứng cho sự quan trọng và tích cực của việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất lúa phát thải thấp.
Ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Lúa nước, chủ yếu tập trung ở châu Á và châu Phi, đang đối mặt với thách thức lớn do phần lớn là các hộ nông dân với quy mô nhỏ và phân tán. Việc thúc đẩy mô hình lúa phát thải thấp đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ cả chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng nông dân.
Việt Nam, với sáng kiến mô hình lúa phát thải thấp, đã đứng đầu trong việc thực hiện xu hướng này. Tuy đây là một bước đi táo bạo, nhưng cũng đối mặt với những thách thức lớn. Nhìn chung, cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự đổi mới và nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng một mô hình sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải và tiêu thụ tài nguyên hiệu quả.
Thách thức lớn nhất hiện nay là tìm kiếm công nghệ và phương thức chứng nhận phù hợp để đảm bảo rằng lúa được sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn phát thải thấp và có thể tiếp cận thị trường Carbon. Mặc dù chi phí chứng nhận vẫn là một thách thức, tôi tin rằng với sự nỗ lực và hỗ trợ, chúng ta sẽ có thể vượt qua khó khăn này và đạt được mục tiêu của mình.
Ngoài thách thức về hệ thống tín chỉ, còn có những thách thức nào mà Việt Nam phải đối mặt?
Ông Trần Công Thắng: Bên cạnh yếu tố về hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV), thì chúng ta còn cần tính đến việc trao đổi tín chỉ carbon từ việc sản xuất lúa phát thải thấp. Theo tôi được biết, Ngân hàng Thế giới (WB) sẵn sàng vào cuộc giúp đỡ chúng ta trong khâu đào tạo, sau đó là giới thiệu thị trường - nơi có những nguồn cần mua tín chỉ carbon.
Tuy còn nhiều khó khăn trong xây dựng MRV, song tôi nghĩ đây là một đề án đúng đắn. Đúng cả về xu hướng, mà còn đúng với việc chúng ta phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo. Thời gian qua, chúng ta tập trung nhiều vào việc tăng năng suất, nâng cao diện tích, dẫn đến sử dụng tài nguyên đầu vào khá nhiều như phân bón, thuốc BVTV. Chúng ta phải thay đổi điều này.
Ngoài ra, đề án này cũng rất tốt, nó là minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu, thông qua Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đề án cũng giúp chúng ta tiến gần hơn đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việc thực hiện thành công Đề án sẽ là một kỳ tích.
Đây là một đề án lớn với quy mô lớn, lần đầu tiên tại Việt Nam. Khi chúng tôi tham vấn WB, họ cũng nói diện tích này rất lớn, so với một số đề án nhỏ trước kia. Tôi nghĩ chúng ta đang phải đối mặt với một số thách thức. Đó là thay đổi thói quen canh tác của nông dân. Cũng may là trước đây chúng ta đã có dự án VnSAT, một trong những dự án lớn của Bộ NN-PTNT với ngành hàng chính là lúa gạo ở ĐBSCL và cà phê tại Tây Nguyên. Sau một thời gian thực hiện, kết quả các tiêu chí về sản xuất, đầu ra của sản phẩm đã đạt được. "Dự án VnSAT do WB tài trợ và được thực hiện tại 13 tỉnh của Việt Nam từ năm 2015 đến 2022. Đây là tiền đề cho chúng ta tự tin thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa.
Câu chuyện thứ hai là chuyển đổi sản xuất, trước mắt là tổ chức nông dân thành hợp tác xã, sau đó đưa doanh nghiệp vào. Một điều mà mọi người ít để ý, là trong tiêu chí của Đề án có nói rõ phải có sự tham gia của doanh nghiệp đủ năng lực.
Tiếp đó là nguồn vốn. Theo tôi được biết, giai đoạn 2024-2025, chúng ta chỉ tập trung củng cố diện tích 184.000ha của dự án VnSAT. Từ 2026-2030, chúng ta phải làm các vùng mới, khi ấy cần rất nhiều vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Có thể kể đến việc cần phải đầu tư nhiều vào cải thiện, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi. Đây chính là một trong những yếu tố giúp tiết kiệm nguồn nước.
Thách thức tiếp theo là sự biến động của thị trường lúa gạo. Năm nay, chúng ta thấy thị trường tốt, giá lúa gạo lên. Dĩ nhiên, bà con nông dân vui. Song về tổng thể, rất khó nói trước. Đến 2030, chúng ta phải có những bước đi cụ thể, cần sự gắn kết từ các cơ quan Trung ương, các tổ chức khoa học, đến người nông dân. 1 triệu ha là mục tiêu rất kỳ vọng, trong khi ĐBSCL chỉ có 1,6 triệu ha. Đó cũng là nguyên nhân mà WB sẵn sàng đồng hành cùng chúng ta. Nếu chúng ta làm được, đó là một kỳ tích.
Nông nghiệp bền vững không phải trách nhiệm của riêng ai
Xin ông chia sẻ giải pháp mà các nước áp dụng để có thể thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp giảm phát thải?
Ông Đào Thế Anh: Nông nghiệp sinh thái tương đối đa dạng, vì nguyên tắc là phải tận dụng được tối đa tiềm năng sinh thái của từng vùng khí hậu với điều kiện sinh thái khác nhau. Đối với cây lúa, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng. Hiện nay, trên thế giới nghiên cứu nhiều về canh tác lúa cải tiến (SRI). Việt Nam cũng đã áp dụng SRI ở miền Bắc nhiều hơn, trong khi miền Nam cũng có một số thành công. Biện pháp ở miền Bắc là giảm chi phí đầu vào như giảm giống, phân bón, quản lý dịch hại tổng hợp, nước tưới khô ướt xen kẽ. Ở miền Nam là 1 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm. Điều này do hệ thống khuyến nông của chúng ta làm, được công nhận là khoa học, tiên tiến. Gần đây, có giải pháp của Tập đoàn Lộc Trời về canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn (SRP), đang áp dụng ở quy mô nhỏ. Tôi nghĩ chúng ta đã có giải pháp kỹ thuật, vấn đề còn lại là áp dụng trên diện rộng. Sự quyết định nằm ở việc làm thế nào để 1 triệu hộ nông dân áp dụng.
Vấn đề thứ hai là giảm phát thải thông qua sử dụng phế phụ phẩm như rơm rạ. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số quy trình áp dụng ở ĐBSCL. Khác với trước đây, chúng ta xử lý theo kiểu ai thích làm gì thì làm, không làm thì đốt, gây phát thải carbon nhiều. Trong đề án 1 triệu ha lúa, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) sẽ cùng chúng ta tìm biện pháp giảm phát thải theo quy trình tổng thể từ sản xuất đến sau sản xuất. Các nước hiện mới áp dụng riêng lẻ từng phần, có lẽ Việt Nam là nước đi đầu trong giải pháp tổng thể. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ thành công để chia sẻ cho các nước trên thế giới.
Tư duy mở, hành động lớn
Có thể nói Đề án đưa ra mục tiêu khá tham vọng và có lẽ, chúng ta cần sự tham gia của các bên liên quan. Vậy làm thế nào để huy động sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế cho dự án này?
Ông Trần Công Thắng: Khi tham gia đề án, tôi thấy các lãnh đạo Chính phủ và Bộ NN-PTNT có tư duy rất mở. Ở đây có sự tham gia của Bộ, của các Viện, Trường, các Cục, Vụ liên quan. Chúng ta cũng mời các cơ quan liên quan đến phát thải như Bộ TN-MT, các tổ chức quốc tế như WB, FAO hay các tổ chức có dự án ở Việt Nam. Ngoài ra còn có sự tham gia sâu của các địa phương tại 12 tỉnh ĐBSCL, thông qua trao đổi, gặp gỡ với tổ công tác của Bộ NN-PTNT. Trước nay, đây có lẽ là đề án có sự tham gia chặt chẽ nhất, có sự tham gia cẩn thận của địa phương, của doanh nghiệp, qua nhiều cuộc họp, nhiều văn bản thẳng thắn được đưa ra.
Đề án này đi đúng hướng, được sự đồng thuận từ trong nước đến quốc tế. Để quy tụ tất cả sức mạnh, tôi nghĩ cần vai trò, sự điều phối, sự vào cuộc thực sự của Bộ NN-PTNT, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là hợp tác xã, người nông dân. Trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân là những yếu tố quyết định sản xuất ra cây lúa phát thải thấp.
Chúng ta cũng cần đầu tư vào nghiên cứu khoa học. Nếu đến năm 2030, chúng ta chưa đạt được mục tiêu 1 triệu ha, mà chỉ 800.000-900.000ha, thì cũng đã là điều rất tốt. Quan trọng là chúng ta đẩy chất lượng, đầu tư sau thu hoạch, đầu tư logistic, giảm được phát thải thì giá trị cây lúa sẽ cao hẳn lên, không chỉ là câu chuyện năng suất. Đề án này như một hệ sinh thái, nói như Bộ trưởng Lê Minh Hoan là phải đa giá trị.
Thế còn vai trò các Viện trường, các nhà nghiên cứu của Việt Nam đối với Đề án như thế nào? Các nhà khoa học Việt Nam có thể có những đóng góp gì thúc đẩy việc thực hiện Đề án hiệu quả?
Ông Đào Thế Anh: Chúng ta hướng đến phát triển bền vững. Đối tượng thứ nhất là hạt lúa, thứ hai là bà con nông dân. Mục tiêu là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, dinh dưỡng cho người dân, thu nhập cho người sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm phát thải, đảm bảo xuất khẩu. Ngoài ra, chúng ta phải xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, thân thiện môi trường. Đây là yếu tố tiên quyết trong tương lai, nếu không thân thiện với môi trường thì rất khó thuyết phục khách hàng.
Trước đây, Nghị định 98 chủ yếu huy động doanh nghiệp và bà con nông dân tham gia liên kết, hợp tác, còn sự vào cuộc của chính quyền có lẽ chưa quyết liệt lắm, cũng chưa có sự hỗ trợ của các cơ quan bên ngoài. Đề án 1 triệu ha lúa nằm trong Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực minh bạch, có trách nhiệm và bền vững đến năm 2030, mà Chính phủ đã ban hành vào tháng 3 vừa rồi. Vai trò trụ cột của khoa học công nghệ trong đa mục tiêu của đề án là rất quan trọng, cần có sự liên ngành từ khâu sản xuất, kỹ thuật sản xuất, chọn giống, canh tác, sau thu hoạch, quản trị chuỗi giá trị, marketing, phát triển liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận carbon, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ số v.v. Lượng kiến thức và thông tin khoa học công nghệ là cực kỳ cao. Có thể nói đây là việc thay đổi hoàn toàn bức tranh sản xuất lúa gạo. Vẫn là hạt gạo, nhưng đằng sau nó là sự hậu thuẫn khổng lồ về khoa học. Chúng ta cần các nhà khoa học, các Viện, Trường và tổ chức quốc tế vào cuộc hỗ trợ bà con nông dân.
Để triển khai các mục tiêu của Đề án, cần sự phối hợp toàn diện giữa các bên liên quan.
Trước đây, ở ĐBSCL tập trung vào nâng cao năng suất. Chúng ta có thể thấy năng suất trung bình xấp xỉ 6 tấn/vụ/ha, đây là mức rất cao. 5 năm gần đây, chúng ta chuyển sang hướng chất lượng cao, một thay đổi ngoạn mục với sự đóng góp của giống chất lượng cao, cụ thể là Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị thành viên. Các giống mới đóng góp cho 70-80% diện tích lúa. Đó là điều kiện để chúng ta quyết định đưa ra đề án 1 triệu ha lúa. Năm 2023, Đại hội lúa gạo quốc tế đánh giá gạo Việt Nam có chất lượng cao nhất. Trong khi các năm vừa rồi, chủ yếu là Thái Lan và Campuchia đoạt giải với các giống bản địa mà họ phục tráng, duy trì. Việt Nam đoạt giải với các giống mới do những nhà khoa học trong nước chọn tạo ra. Tôi nghĩ đây là đánh giá cao của cộng đồng quốc tế với khoa học Việt Nam. Mà đó mới chỉ là giống, còn các khâu sản xuất khác, chúng ta cũng được đánh giá cao.
Hai nhà lãnh đạo cho rằng, Đề án thể hiện sự thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện nay chúng ta áp dụng tư duy mở, huy động toàn bộ nguồn lực xã hội. Sản phẩm nông nghiệp không chỉ là trách nhiệm riêng của nông dân, của Bộ NN-PTNT hay địa phương, mà còn liên quan đến Y tế, Công Thương, Môi trường, Khoa học Công nghệ. Người tiêu dùng cũng có trách nhiệm khi mua sản phẩm.
Trong đó, vai trò của Nhà nước là thu hút sự tham gia của các tác nhân xã hội, cộng đồng quốc tế. Hai vị chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tạo hành lang, sân chơi cho họ và ghi nhận sự đóng góp đó. Đó là nguồn khoa học công nghệ, nguồn chất xám, nguồn kinh tế mà chúng ta cần thu hút.