Giảm stress do vận chuyển ở vật nuôi
Nguyên nhân
Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiệt độ môi trường cao là một yếu tố chính trong việc tạo ra các đáp ứng stress sinh lý trong quá trình vận chuyển bằng đường bộ. Hơn nữa, những tác động bất lợi này càng trở nên nghiêm trọng khi vận chuyển diễn ra trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, hoặc không có thời gian thích hợp để vật nuôi thích nghi với những thay đổi sinh lý. Bệnh thường gặp khi vận chuyển heo vào mùa hè nóng, độ ẩm cao, thay đổi thức ăn đột ngột, thiếu nước uống, chở quá chật, sàn xe trơn… Các yếu tố bất lợi này tác động lên cơ thể gia súc gây rối loạn điều hòa thần kinh thể dịch dẫn đến suy giảm hoạt động của hệ tim mạch và hô hấp. Trong các thí nghiệm, người ta đã chỉ ra rằng gia cầm chết đến 40% trong tổng số khi vận chuyển đến nơi. Gia cầm chết vì stress (Bayliss và Hinton, 1990) và tỷ lệ chết tăng khi thời gian và đoạn đường vận chuyển tăng lên (Warriss et al, 1989).
Triệu chứng
Bệnh xuất hiện ngay trên đường đi hoặc 2 - 3 ngày sau khi vận chuyển. Heo bị kích động hưng phấn, bồn chồn, hay chạy về phía trước, đi loạng choạng, không vững, ăn ít nhưng uống nước nhiều. Trong trường hợp bị nặng thì đồng tử mắt bị co, cứng cơ nhai và cơ chân. Heo không làm chủ được chức năng bài tiết, phân nát, thân nhiệt tăng, heo hay nằm. Nếu không can thiệp kịp thời thì heo bị hôn mê và chết.
Phòng bệnh
Về phương tiện: Thùng xe phải che nắng nhưng thoáng xung quanh. Trên sàn xe đổ lớp cát hoặc bỏ rơm, cỏ khô dày 2 - 3 cm để tạo độ êm, giảm độ trơn của sàn. Xe tải 5 tấn chở không quá 20 heo với trọng lượng 70 - 100 kg/con. Nếu đi vào thời gian mát trong ngày, đi được khoảng 2 - 3 giờ cần nghỉ giải lao, tốc độ xe không vượt quá 50 - 60 km/h, không được rẽ xe và dừng đột ngột. Nếu trên xe có heo yếu thì cố gắng tách riêng để không bị các con khác đè lên. Nếu dùng xe đạp hoặc xe máy chở từng con một thì phải cố định heo ở tư thế nằm ngửa, hoặc bỏ từng con vào rọ riêng rẽ và xếp từng lớp trên xe.
Đối với heo vận chuyển: Trước khi vận chuyển, không cho vật nuôi ăn no, nhưng uống đủ nước, đi đường xa phải có thời gian chuẩn bị kỹ. Không vận chuyển nái chửa kỳ I và heo dễ bị say tàu xe (phản ứng dương tính khi cho thở khí Halothan hoặc bắt lên xe khi heo đã ngủ). Trước khi vận chuyển 4 - 5 ngày cần cho uống 10 ml Mg- Calcium fort hoặc Magie sulphat liều 2 g/50 kg P/lần/ngày. Trước và sau khi vận chuyển phải cho uống T. Cúm gia súc 1 g/5 - 10 kg P/ngày để chống nôn, giải độc và an thần cho heo trước khi được vận chuyển. Dùng 2 ml/50 kg P A.D3E.B-Complex tiêm bắp, tiêm 2 mũi trước và sau khi vận chuyển. Sử dụng thuốc an thần 5 ml/heo hậu bị Aminazine L.1% hoặc tiêm Propazini 2,5% trộn vào 5 ml Novocain có tác dụng an thần trong vòng 3 - 4 giờ. Chống stress cho heo do vận chuyển có thể dùng Aminazine L.1% tiêm dưới da 5 ml/100 kg P nếu đi xa 30 - 60 km; Tiêm dưới da 5 ml/50 kg P nếu đi xa 80 - 160 km; Tiêm dưới da 5 ml/25 kg P khi đi xa 180 - 300 km.
Điều trị
Nếu bị ngay trên đường vận chuyển thì mở thoáng thùng xe, dừng xe nơi bóng mát, có gió. Nếu về nhà mới bị thì nhốt heo nơi thoáng mát, cho nhịn ăn nhưng cho uống nước có pha 10 g T. Cúm gia súc + 10 g thuốc điện giải vào 1 lít nước cho uống tự do và cho ăn ít rau xanh. Nếu có triệu chứng chướng bụng do ăn nhiều thì cho tay vào trực tràng tháo bớt phân ra hoặc thụt rửa.
Để trợ lực và tăng sức đề kháng, cần phải tiêm các loại thuốc sau: Calcium fort 5 ml/50 kg P hoặc Cafein 5 ml/con/lần/ngày. Có thể tiêm Vitamin B1, C, ADE.B - Complex
Khi xuất hiện các triệu chứng hưng phấn, có thể dùng một trong các loại thuốc an thần sau: Aminazine L.1% còn có tên khác là Vinathazine 1%, tiêm bắp 1 ml/15 kg P, nếu cần thì 8 giờ sau tiêm nhắc lại. Dimedroli 1 ml/15 kg P, Dimedroli dạng viên nén, cho nái uống 2 viên chia làm 2 lần/ ngày.
Stugeron dạng viên nén, cho nái uống 4 viên chia làm 2 lần trong ngày, cho uống 2 - 3 ngày liên tục. Seduxen, cho uống 2 viên/50 kg P, chia làm 2 lần/ngày.