Giống bò Mông bản địa Kỳ Sơn có nguy cơ thất truyền

Giống bò Mông bản địa Kỳ Sơn có nguy cơ thất truyền
Ở vùng núi cao Kỳ Sơn (Nghệ An) có giống bò Mông bản địa thân hình to cao, thịt thơm mềm, có vị ngọt, dễ nuôi, rất thích hợp sản xuất hàng hóa đặc sản.

Tuy nhiên, giống bò này đang có nguy cơ suy thoái vì nhiều nguyên nhân. Từ đó, số lượng đàn bò ngày càng giảm dần. Dân bản ở huyện Kỳ Sơn phần lớn là đồng bào người dân tộc Mông, họ lo giống bò Mông bản địa của họ đang có nguy cơ thất truyền nếu không có biện pháp khôi phục kịp thời.

Giống bò Mông

Hiện nay, việc tìm ra những con bò Mông đực to cao rất khó khăn.

Giống bò Mông dễ thất truyền

Giống bò Mông bản địa ở huyện Kỳ Sơn được bà con dân bản ở đây nuôi từ thời xa xưa. Hiện tại, giống bò này đã và đang được nuôi nhiều ở các xã Tây Sơn, Huổi Tụ, Nậm Cắn, Mường Lống... Bò Mông có thân hình vạm vỡ, to cao, u vai nhô cao như bò tót, tai to, mông nở, chân cao, trán hơi gồ..., trọng lượng bình quân từ 450 – 500kg/con.

Cái hay của bò Mông là chăn nuôi dễ dàng, chịu kham khổ, chịu khí hậu lạnh giá ở vùng núi cao trong mùa đông và nắng nóng trong mùa hè. Đặc biệt, thịt bò Mông ăn mềm, độ ngọt cao và là giống bò có nguồn gen quý hiếm được Việt Nam đưa vào danh mục bảo tồn, phát triển.

Hiện nay, giống bò Mông bản địa ở Kỳ Sơn có nguy cơ không còn giữ được dáng vóc, thân hình to cao, vạm vỡ như ngày xưa nữa do thoái hóa dần về giống vì chăn thả bầy đàn, tự phối giống cận huyết thống kéo dài từ đời này qua đời khác. Trong khi đó, công tác tuyển chọn giống bò bố, mẹ đảm bảo đủ chất lượng làm giống hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó, đàn bò giảm dần cả về trọng lượng, chất lượng thịt và tổng đàn. 

Ông Moong Phò Ngọc ở xã Nậm Cắn cho biết, gia đình nuôi 12 con bò Mông bản địa, tuy số lượng khá nhiều nhưng nguồn thu nhập từ chăn nuôi bò đem lại thua xa ngày xưa. Mỗi con bò nuôi hai năm chỉ bán được từ 12 – 14 triệu đồng. Trong khi đó, bình quân một con bò lai Sind một năm tuổi ở dưới miền xuôi họ có thể bán được từ 21 – 25 triệu đồng. Nguyên nhân làm cho đàn bò Mông kém hiệu quả là do thời gian nuôi dài, nhưng trọng lượng và chất lượng đàn bò giảm do giống bò suy thoái.

Giống bò Mông

Những con bò Mông bản địa trước đây có trọng lượng không thua kém các giống bò ngoại nhập.

Trước đây, trung bình trọng lượng bình quân mỗi con bò từ 450 – 500kg, nay chỉ còn lại từ 180 – 220kg. Khó khăn nhất hiện nay là việc tìm con bò đực giống nguyên bản để phối giống rất khan hiếm do những con bò có thân hình to béo, cả đực lẫn cái thường được người dân mang đi bán, hoặc giết thịt để lấy tiền phục vụ nhu cầu dân sinh. Vì vậy, đa số những con bò có tầm vóc nhỏ, nhẹ được giữ lại. Từ đó chất lượng đàn bò ngày càng giảm dần.

Ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết: Từ năm 2018 trở về trước, xã Nậm Cắn nuôi gần 4.000 con bò Mông bản địa, hiện nay chỉ còn lại 1.500 con. Bò Mông trước đây chủ yếu nuôi làm thịt và lấy thịt đó làm thịt bò giằng là món ăn đặc sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con dân tộc Mông ở đây, nhất là những ngày lễ, Tết.

"Những năm gần đây, trên địa bàn toàn huyện nói chung, xã Nậm Cắn nói riêng có nhiều giống bò mới được du nhập vào, lai tạo với giống bò Mông bản địa làm suy giảm chất lượng giống bò của địa phương. Lo sợ giống bò Mông bản địa khó tồn tại, một số hộ dân ở xã Nậm Cắn đã chủ động sang nước bạn Lào để tìm mua những con bò đực giống to cao, có trọng lượng 400 – 500kg/con đem về nuôi để phối giống", ông Chày cho biết.

Giống bò Mông

Hiện nay, đồng bào vùng cao Kỳ Sơn vẫn giữ được lễ hội chọi bò Mông mỗi dịp lễ, Tết.

Theo số liệu của Phòng NN-PTNT huyện Kỳ Sơn, tổng đàn bò trên địa bàn toàn huyện có trên 40.000 con, trong đó có khoảng trên 10.000 con bò Mông. Nhưng việc phát triển giống bò Mông bản địa đang gặp khó khăn do người chăn nuôi quen với chăn thả tự nhiên (thả rông), vừa gây khó khăn trong phòng chống dịch bệnh, vừa không quản lý được tình trạng giao phối đồng huyết thống, mặt khác, giá cả thu mua trên thị trường vừa thấp vừa không ổn định nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng và chọn lọc con giống chưa được quan tâm.

Cần giải pháp khắc phục

Giống bò Mông bản địa ở Kỳ Sơn là giống bò quý hiếm, không thua kém một số giống bò nhập ngoại cả về trọng lượng và chất lượng thịt. Đặc biệt, nó là giống bò bản địa, dễ nuôi, chống chịu bệnh tật tốt, thích ứng với đặc thù khí hậu Nghệ An, đầu tư khẩu phần ăn không lớn như các giống bò nhập ngoại khác.

Giống bò Mông

Đồng bào người Mông ở Kỳ Sơn trước đây thu nhập rất tốt từ chăn nuôi bò Mông bản địa.

Vì vậy, việc khôi phục lại nguyên bản giống bò Mông ở Kỳ Sơn là rất cần thiết để Nghệ An có một giống bò đặc sản chất lượng tốt, đủ để phát triển theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Muốn làm được như vậy, cần phải tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất: Theo các nhà chuyên gia về ngành chăn nuôi, trước mắt, muốn khôi phục nhanh giống bò Mông ở Kỳ Sơn thì phải tìm mua một số con bò đực giống đúng giống bò Mông có ở các tỉnh Hà Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng hoặc ở Lào về để nuôi làm giống, phối giống theo phương pháp lai xa nguồn gốc, xa địa lý để có con bò to, khỏe, có sức sống tốt... Cách làm này sẽ nhanh chóng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thứ hai: Cần có một hệ thống chọn lọc, quản lý giao phối giống và nhân giống nhằm hạn chế tình trạng tự do giao phối giống tự nhiên, giao phối giống cận huyết thống... Quản lý tốt giao phối giống sẽ gìn giữ được những đặc trưng, đặc tính ưu việt của giống bò Mông lâu dài. Đây là việc làm hết sức cần thiết hiện nay.

Thứ ba: Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An đầu tư kinh phí, giao ngành nông nghiệp tỉnh sớm xây dựng chương trình hay đề án khôi phục và phát triển giống bò Mông bản địa ở Kỳ Sơn để duy trì dòng thuần giống bò này làm nguồn cung cấp giống bò Mông thuần cho người dân.

Thứ tư: UBND tỉnh cần có chính sách khuyến khích người dân mở rộng chăn nuôi bò Mông bằng các hình thức gia trại, trang trại trên quy mô lớn, có sự liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị khép kín để nâng cao giá trị kinh tế và thương hiệu bò Mông Kỳ Sơn, Nghệ An.

Thứ năm: Ngành chăn nuôi – thú y tỉnh và huyện cần giúp bà con nông dân tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật phối giống trực tiếp hoặc dịch vụ thụ tinh nhân tạo theo yêu cầu người chăn nuôi.