Giống lúa mới góp phần nâng cao năng suất ở Tuyên Quang

Giống lúa mới góp phần nâng cao năng suất ở Tuyên Quang

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, vụ xuân năm 2018, tỉnh này triển khai thực hiện 15 mô hình lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, với các giống như HDT10, ADI 168, VT404...

Đến nay các mô hình đều phát triển tốt, trong đó nhiều mô hình đã tổng kết và đánh giá có chất lượng khá cao so với các giống đang trồng đại trà tại các địa phương.

Mô hình giống lúa HDT10 được triển khai tại thôn An Lộc B, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai thực hiện từ ngày 24/1, trên diện tích 1 ha với 13 hộ tham gia.

Sau 130 ngày chăm sóc, đến nay mô hình đã cho thu hoạch. Qua theo dõi thực tế cho thấy, giống lúa HDT10 phát triển khỏe, cứng cây, khả năng chống đổ tốt, bông to, nhiều hạt, tỷ lệ hạt chắc cao, chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là khả năng kháng bệnh đạo ôn, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Năng suất lúa đạt 70 tạ/ha, cao hơn so với giống lúa đối chứng HT1 là 8 tạ/ha, có thể nhân rộng phát triển đại trà.

Bà Trần Thị Quang, thôn An Lộc B, cho biết, vụ này gia đình bà trồng 3 sào lúa. Tham gia mô hình, bà được hướng dẫn kỹ thuật bón phân, phun thuốc đúng cách, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng nồng độ. Do thực hiện chăm sóc đúng theo quy trình kỹ thuật nên toàn bộ diện tích lúa phát triển tương đối tốt. So với giống lúa cũ cấy trên cùng đơn vị diện tích, thì giống lúa HDT10 phát triển tốt hơn, năng suất ước đạt 2,7 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/sào so với giống lúa cũ. Vụ mùa tới, gia đình bà sẽ mở rộng diện tích giống này lên 5 sào.

Tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong phát triển cơ cấu mùa vụ, vụ xuân năm nay tỉnh Tuyên Quang thực hiện mô hình liên kết trồng 129 ha lúa giống Nam Hương 4 giữa Công ty Cổ phần giống cây trồng nông lâm nghiệp Thái Bình với các hộ dân trên địa bàn các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Yên Sơn và Lâm Bình. Các hộ nông dân tham gia mô hình liên kết được hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và khi thu hoạch được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Qua triển khai thực hiện tại các địa phương, giống lúa Nam Hương 4 khá phù hợp với đồng đất địa phương, có khả năng sinh trưởng và chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất trung bình đạt 62 tạ/ha.

Vụ xuân này là năm thứ 2 huyện Chiêm Hóa thực hiện liên kết với Công ty Cổ phần giống cây trồng nông lâm nghiệp Thái Bình trồng giống lúa Nam Hương 4. Qua 1 năm trồng thử nghiệm, lúa Nam Hương 4 cho chất lượng gạo thơm ngon, giá cao hơn so với giống khác.

Giống lúa Tuyên Quang

Bà Trần Thị Mai Phương, Phó Phòng NN-PTNT huyện Chiêm Hóa cho biết, vụ xuân năm nay huyện đưa vào trồng 98 ha lúa Nam Hương 4 theo mô hình liên kết tập trung chủ yếu tại các xã Hòa An, Hùng Mỹ, Tân Mỹ, Ngọc Hội và phát triển hơn 10 ha ngoài mô hình liên kết. Tham gia mô hình này, người dân được doanh nghiệp cam kết bao tiêu 100% sản phẩm lúa sau thu hoạch với giá thấp nhất là 7.000 đồng/kg.

Ông Ngô Đức Tú, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, những năm qua từ các mô hình giống mới, tỉnh Tuyên Quang đã mở rộng thành công nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn so với giống lúa cũ. Trong đó nổi bật như giống BC15 tổng diện tích trung bình/vụ là hơn 2.000 ha, Thiên ưu 8 diện tích trung bình 2.500 ha, Thái Xuyên 111 diện tích trung bình gần 2.000/vụ... Hiện nay, toàn tỉnh thực hiện gieo cấy khoảng 45.000 ha lúa 2 vụ, tổng sản lượng lúa đạt 26 vạn tấn/năm, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Một số địa phương đã thực hiện thành công việc xuất khẩu gạo chất lượng cao.