Giống lúa OM10636, OM8 đứng đầu bảng
Tại hội thảo đánh giá giống lúa vụ ĐX 2018-2019 ở Viện Lúa ĐBSCL, giống OM10636 được bình chọn triển vọng nhất và giống OM8 được đánh giá có chất lượng gạo ngon cơm nhất.
Trên cánh đồng thực nghiệm của Viện có 33 giống lúa triển vọng và 6 giống lúa cao sản khảo nghiệm sản xuất, hơn 400 đại biểu gồm các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Sở NN-PTNT các tỉnh, trung tâm giống, doanh nghiệp, HTX, nông dân trong các câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giống lúa vùng ĐBSCL, miền Đông Nam bộ… tham gia bình chọn.
Kết quả đánh giá có 5 giống lúa được bình chọn số phiếu nhiều nhất, gồm: Giống OM10636 được bình chọn hạng nhất (phiếu bầu đạt 36%); kế đến các giống OM22 (31,9% phiếu bầu), OM3673 (đạt 30,9%), OM6976 (đạt 29,9%) và OM108 (đạt 28,9%).
Bên cạnh đó kết quả đánh giá chất lượng gạo, cơm ngon có 5 giống được bình chọn nhiều nhất: Giống đặc sản OM8 hạng nhất (đạt 82,35% phiếu bình chọn), xếp sau là các giống OM9 (đạt 55%), OM355 (đạt 29,41%), OM4900 (đạt 27,45%) và OM375 (25,5%).
Giống lúa OM10636 có nguồn gốc từ tổ hợp lai IR65418/OM6976; thời gian sinh trưởng 97-102 ngày, chiều cao cây 100-115cm, khả năng đẻ nhánh tốt, dạng hình đẹp, cứng cây, tiềm năng năng suất 6-9 tấn/ha; Tính chống chịu: Phản ứng với đạo ôn cấp 4-7, với rầy nâu cấp 4-6; Canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL; Phẩm chất gạo: Hạt gạo đẹp, thon dài, tỷ lệ gạo lức 77-78%, tỷ lệ gạo trắng 68-69%, tỷ lệ gạo nguyên 40-45%.
Giống lúa đặc sản OM8 do Viện lúachọn tạo, thời gian sinh trưởng từ 95-100 ngày, chiều cao cây 93-97cm, đẻ nhánh tốt tiềm năng năng suất 6-8 tấn/ha; Phẩm chất gạo: Hạt gạo trong, đẹp, cơm trắng, thơm đậm, chiều dài hạt gạo 7,9-8,1 mm, tỷ lệ gạo lức 80-82%, tỷ lệ gạo trắng 68-70%; Tính chống chịu phản ứng với đạo ôn (cấp 7), rầy nâu (cấp), khả năng chịu mặn 2-3 phần nghìn, canh tác được các vụ trong năm và thích hợp cho các vùng sinh thái phèn mặn ở ĐBSCL.
Nông dân thăm đồng, bình chọn giống lúa
Hằng năm qua mỗi vụ sản xuất, Viện Lúa ĐBSCL tiến hành trình diễn các giống lúa triển vọng và tổ chức hội thảo đánh giá giống nhằm giới thiệu, chọn ra những giống mới có đặc tính vượt trội, bổ sung vào cơ cấu sản xuất lúa của vùng ĐBSCL các vùng lân cận.
Ông Nguyễn Quốc Lý, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệmgiống, sản phẩm cây trồng Nam Bộ cho biết, việc chọn tạo giống ở khu vực phía Nam khá sinh động, có khoảng 160-180 giống/năm của 20 đơn vị đăng ký Bộ khảo nghiệm giống quốc gia. Xu hướng chọn tạo các giống lúa chất lượng cao, ngon cơm, hạt dài, ít bạc bụng, thơm… chiếm tới 90%, giống lúa nếp 5% và giống lúa Japonica 5%. Trong đó Viện Lúa ĐBSCL đóng vai trò chủ lực trong nghiên cứu lai tạo các giống lúa ở ĐBSCL, mỗi năm có khoảng 40 giống mới. Trong đó có 5-7 giống biểu hiện các tính năng toàn diện. Đặc biệt mới đây các giống lúa OM, OM9 có sự đột phá về chất lượng gạo, hy vọng góp mặt trong nhóm lúa thơm chất lượng cao của Việt Nam trong tương lai.