Hà Giang: Liên kết chăn nuôi tạo đà phát triển bền vững

Hà Giang: Liên kết chăn nuôi tạo đà phát triển bền vững
Một trong những rào cản ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành chăn nuôi Hà Giang hiện nay đó là vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Để tạo ra những cú hích thúc đẩy ngành chăn nuôi tăng tốc, địa phương này đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.

Hiện, toàn tỉnh Hà Giang có trên 145.700 con trâu, gần 120.000 con bò, gần 595.000 con heo, khoảng 6,3 triệu con gia cầm và hơn 63.800 đàn ong. Tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng trong cả năm 2022 đạt hơn 58.800 tấn. Tổng giá trị chăn nuôi thu được trong cả năm 2022 là khoảng hơn 4.000 tỷ đồng.

Cú hích chuyển mình

Tuy đã có nhiều khởi sắc nhưng thực tế ngành chăn nuôi ở Hà Giang vẫn còn những điểm nghẽn. Đó là quy mô chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ do tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số từ lâu đời. Địa phương vẫn chưa thu hút được nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, thu mua, sơ chế, chế biến các sản phẩm chăn nuôi khiến cho đầu ra của sản phẩm không ổn định. Hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa đạt kết quả cao…

Chuyển mình trong chăn nuôi ở Hà Giang

Nhiều hộ dân xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, Hà Giang phát triển chăn nuôi heo theo hướng gia trại. Ảnh Phạm Phú.

Để thực sự tạo nên những cú hích cho ngành chăn nuôi, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách quan trọng như: Chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết 09/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang; Chương trình bảo hiểm nông nghiệp cho trâu, bò; Chương trình phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, tập trung vào con bò vàng, con heo đen bản địa và mật ong.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tHà Giang, cho biết những chính sách này đã thực sự giúp nông nghiệp Hà Giang từng bước chuyển mình. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 3 chỉ dẫn địa lý gồm: Chỉ dẫn địa lý sản phẩm mật ong Mèo Vạc; Chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt bò Hà Giang và Chỉ dẫn địa lý sản phẩm cá bỗng Hà Giang. Trên địa bàn tỉnh hiện có 207 trang trại chăn nuôi, tăng 42 trang trại so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến hết năm 2022, Hà Giang đã thực hiện cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho 13 đơn vị; triển khai hỗ trợ xây dựng, chứng nhận cơ sở nuôi ong theo Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho 13 cơ sở nuôi ong với 207 hộ tham gia; hỗ trợ xây dựng, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (HACCP) cho 14 cơ sở sơ chế, chế biến mật ong bạc hà có quy mô lớn, tập trung trên địa bàn 4 huyện vùng cao. Tuy nhiên, hiện đa phần các cơ sở được cấp chứng nhận lần đầu đã hết hiệu lực, gồm 12 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAHP, 8 cơ sở được cấp chứng nhận HACCP. Năm nay, tỉnh đang xây dựng kế hoạch chứng nhận cơ sở nuôi ong theo quy trình chăn nuôi tốt (VietGAHP) cho 4 cơ sở nuôi ong.

Phát huy thế mạnh

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang thực hiện tốt công tác thụ tinh nhân tạo, giúp tuyển chọn được những con giống bố mẹ bản địa thuần chủng, cao lớn và có sức khỏe tốt để nhân lên tổng đàn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Nhiều con bò vàng thuần chủng của Hà Giang được thị trường đón nhận và mua với giá hơn 1 triệu đồng/kg thịt thành phẩm.

Các chuỗi liên kết bò vàng Hà Giang, heo đen bản địa và mật ong bạc hà tại 4 huyện vùng cao nguyên đá gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ đã được thiết lập. Với chuỗi bò vàng, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 2.000 tấn, có 17 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chế chế biến sản phẩm. Chuỗi heo đen bản địa có tổng đàn gần 135.000 con, sản lượng thịt hơi xuất bán trên 3.800 tấn, có 90 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia sơ chế, chế biến. Chuỗi mật ong bạc hà có tổng đàn ong ước đạt 43.000 tổ, sản lượng mật ong bạc hà đạt khoảng 94 tấn với có 18 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chăn nuôi, sơ chế chế biến sản phẩm mật ong, hiện duy trì diện tích cây bạc hơn 3.624 ha.

Chuyển mình trong chăn nuôi ở Hà Giang

Phòng NN&PTNT huyện Bắc Mê trao bò cho các hộ thôn Kẹp B, xã Minh Sơn.

Nhờ phát triển hiệu quả các chuỗi giá trị, đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 46 sản phẩm đạt sao OCOP từ 3 sao trở lên. Đây là tiền đề quan trọng nâng tầm vị thế nông sản của địa phương cũng như hướng người nông dân Hà Giang thích ứng tốt với các quy trình làm nông nghiệp chuyên nghiệp, có chất lượng, nguồn gốc minh bạch. Ngành NN&PTNT Hà Giang cũng đang phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng liên quan thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập vào địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ động vật tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, quản lý tốt hoạt động buôn bán thuốc thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh…

Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang cho biết, để ngành chăn nuôi phát triển, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển các vật nuôi có thế mạnh của tỉnh theo quy mô trang trại kết hợp với chăn nuôi quy mô nông hộ. Tăng nhanh số lượng, gắn với nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm. Tập trung phát triển chăn nuôi bằng giống bản địa chất lượng cao gắn với du lịch. Hà Giang cũng xây dựng các sản phẩm chăn nuôi, có truy xuất nguồn gốc, trước mắt phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi theo chuẩn VietGAHP và an toàn sinh học, nâng cao giá trị sản phẩm.