Hạ lưu sông Thu Bồn 'khát' nước ngọt

Hạ lưu sông Thu Bồn 'khát' nước ngọt

Nắng hạn cùng với các hồ chứa nước tưới nhiễm mặn nặng khiến vùng sản xuất lúa ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam) thuộc các xã Cẩm Kim (TP Hội An) và xã Duy Vinh (Duy Xuyên) bỏ hoang nhiều diện tích.Những diện tích sản xuất còn lại cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt vì nồng độ mặn trên các nhánh sông tại đây đang ở mức cao kỷ lục.

Trong vụ Hè Thu năm nay, xã Cẩm Kim chỉ có hơn 11 ha trong tổng số hơn 50 ha lúa có thể sản xuất được. Nguyên nhân chính do thiếu nguồn nước ngọt sản xuất vì khô hạn. Cùng với đó, các hồ chứa cung thường xuyên cung cấp nước tưới tại đây bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Gần 40ha diện tích còn lại đến thời điểm này luôn trong tình trạng khô khốc, cỏ dại, lau lách mọc um tùm, trở thành nơi chăn thả trâu bò của người dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị Phương (Cẩm Kim) cho biết: “Vụ Đông Xuân thì còn sản xuất được chứ vụ Hè Thunày do thiếu nước ngọt để tưới nên 3 sào ruộng của tôi chấp nhận bỏ hoang. Nếu có gieo trồng thì cũng thua lỗ vì nguồn nước tại địa phương cứ vào mùa này là nhiễm mặn, bơm nước vào được vài bữa cây lúa héo úa. Nhiều người dân trong xã không có nước sản xuất nên vào thành phố Hội An tìm việc làm thêm hết”.

Theo Phạm Trọng Nhân, Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim thì tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất và nguồn nước nhiễm mặn đã ảnh hưởng đến việc gieo trồng của hơn 100 hộ dân trong xã ở các thôn Trung Hà, Đông Hà và Trung Châu. Hồ chứa Cẩm Kim với 2 trạm bơm chính là Phước Thắng và Trung Hòa, nơi cung cấp nước sản xuất thường xuyên cho bà con trong xã đến thời điểm hiện tại đang nhiễm mặn với nồng độ có khi lên đến 8 – 10 phần nghìn, cao nhất từ trước tới nay nên không thể sử dụng được.

Thiếu nước hạ nguồn sông Thu Bồn

Một số diện tích lúa ở Duy Vinh nước bị nhiễm mặn, không đủ cung cấp cho đồng ruộng nên lúa bị ngả vàng

“Với những diện tích lúa đang sản xuất được thì Phòng Kinh tế TP Hội An đã dùng nhiều biện pháp khắc phục như bơm nước từ cầu Câu Lâu tại sông Thu Bồn vào hồ chứa để trung hòa. Khi nồng độ mặn đạt mức phù hợp mới sử dụng để tưới. Ngoài ra, Phòng kinh tế còn hỗ trợ kinh phí cho người dân để khoan giếng lấy nước với mức hỗ trợ 500.000 đồng/1 giếng. Đến nay, toàn xã đã có được khoảng 15 giếng khoan và vẫn đang làm thủ tục để xin hỗ trợ tiếp”, ông Nhân cho biết.

Tại xã Duy Vinh, năm nay địa phương này sản xuất 150ha lúa Hè Thu. Tuy nhiên, tình trạng mặn xâm nhập nặng đã ảnh hưởng đến 50ha diện tích tại các thôn Hà Thuận, Trà Nam và Trà Đông. Trong đó có khoảng 20ha bị thiếu nước trầm trọng khiến cho một số diện tích lúa đã ngã vàng, các chân ruộng nứt nẻ.

Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Duy Xuyên cho biết: “Do nước ở sông Thu Bồn nhiễm mặn, không thể cung cấp nước tưới nên 20 ha diện tích trong xã kể từ ngày sạ đến 20 ngày sau đó không có nước. Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp huyện Duy Xuyên đã làm việc với thủy điện đầu nguồn đề nghị xả nước để trung hòa độ mặn tại sông Thu Bồn cứu cây lúa nên chưa bị thiệt hại”.

Thiếu nước hạ nguồn sông Thu Bồn

Các chân ruộng nứt nẻ vì một thời gian dài không được bổ sung nước

Cũng theo ông Hùng, ngay sau khi có nước, HTX đã thông báo cho bà con nhanh chóng bón phân để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Hiện nay, diện tích bị ảnh hưởng trên đã cơ bản ổn định nhưng thời gian qua, mặn lại xâm nhập, không thể tiếp tục bổ sung nước ngọt cho đồng ruộng.

“Chỉ khi nào độ mặn xuống dưới 0,8 phần nghìn mới có thể bơm nước tưới cho cây nên lượng nước không đủ. Bình thường, với diện tích lúa ở Duy Vinh thì phải bơm liên tục 4 ngày đêm mới đủ nước tưới. Tuy nhiên vì độ mặn luôn ở mức cao nên hiện nay cũng chỉ tranh thủ bơm được 3 – 4 tiếng là hết. Nếu tình hình này vẫn cứ tiếp diễn thì năng suất của khoảng 20ha lúa trên địa bàn sẽ giảm xuống 50%”, ông Hùng nói thêm.


Thiếu nước hạ nguồn sông Thu Bồn

Hệ thống kênh mương thủy lợi ở Duy Vinh luôn trong tình trạng khô khốc