Hà Nam: Hiệu quả sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm
Hơn 10 năm trở lại đây, bác Đỗ Văn Chiến, thôn Quan Lạng, xã Văn Lý (Lý Nhân) luôn duy trì sử dụng đệm lót sinh học để chăn nuôi gia cầm. Nền chuồng gà được rải trấu có độ dày 15 cm, định kỳ 10 ngày/lần bác rắc men vi sinh trên nền đệm lót. Đàn gà tự bới trộn đều men trên nền chuồng giúp phân hủy nhanh chất thải. Giai đoạn đầu bác Chiến sử dụng loại men trộn với bột ngô và cám gạo làm chất dẫn khá phức tạp và tốn chi phí, hiện nay men rải trực tiếp được thay thế. Thời gian duy trì nền đệm lót trong 3 tháng, sau đó được thay mới để có hiệu quả tốt nhất. Nền đệm lót cũ thay ra được bác Chiến thuê người đóng bao bán cho các hộ trồng hoa, cây cảnh tại tỉnh Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang. Với diện tích chuồng 500 m2, bác Chiến thu được 500 bao chất thải trộn trấu, bán với giá 15 nghìn đồng/bao. Theo tính toán, nguồn thu được từ bán nền đệm lót gấp 2 lần toàn bộ chi phí mua trấu, men vi sinh và cả công thuê thu gom, đóng bao.
Bác Đỗ Văn Chiến chia sẻ: Sử dụng nền đệm lót sinh học cho gia cầm rất phù hợp, nhất là chăn nuôi trong nông hộ có nhà ở gần chuồng trại. Từ khi sử dụng đệm lót sinh học gần như triệt tiêu được mùi hôi của chất thải do men vi sinh giúp phân hủy nhanh. Đàn gà khỏe mạnh, hạn chế tối đa được các loại bệnh thông thường…
Bác Đỗ Văn Chiến, thôn Quan Lạng, xã Văn Lý (Lý Nhân) bổ sung men vi sinh trên nền đệm lót sinh học trong chuồng nuôi gia cầm.
Do men vi sinh hiện nay đa dạng và dễ sử dụng nên người chăn nuôi thuận lợi trong việc làm đệm lót sinh học. Đặc biệt, nền đệm lót rất phù hợp với chăn nuôi gà đẻ, gà thịt. Tại huyện Lý Nhân hiện có khoảng hơn 100 trang trại nuôi gà đẻ với tổng đàn ước đạt gần 500 nghìn con. Có trang trại nuôi gà đẻ quy mô từ 10 – 30 nghìn con. Đa số các hộ chăn nuôi gà đẻ của huyện đều sử dụng đệm lót sinh học để xử lý môi trường.
Hay ở trang trại nuôi gà thảo dược của Công ty cổ phần Go Fresh Việt Nam, xã Liêm Phong (Thanh Liêm) có quy mô gần 20 nghìn con (gồm cả gà đẻ và gà hậu bị) được xử lý bằng phương pháp đệm lót sinh học đem lại hiệu quả cao. Anh Nguyễn Văn Bảo, quản lý trang trại cho biết: Áp dụng công nghệ vi sinh trên nền đệm lót trong chuồng nuôi gia cầm là biện pháp tối ưu giúp xử lý môi trường. Đây là điều kiện quan trọng để sản phẩm gà thịt và trứng gà thảo dược của doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP và được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Yếu tố chính giúp phát huy hiệu quả của nền đệm lót trong chăn nuôi gia cầm là đối tượng vật nuôi khô ráo giúp vi sinh hoạt động hiệu quả. Đặc tính của gia cầm hay bới, tìm, giúp trộn men vi sinh với nền đệm lót, người nuôi không mất công đảo như đối với chăn nuôi lợn trước đây. Nền đệm lót sinh học giúp khử được 70 – 80% mùi hôi của chất thải gia cầm. Khi môi trường được bảo đảm, các loại bệnh trên đàn gia cầm cũng được hạn chế. Thực tế cho thấy, gia cầm nuôi trên nền đệm lót sinh học và được tiêm đầy đủ vắc - xin theo quy định giúp giảm được trên 60% các loại thuốc trị bệnh. Gia cầm cũng tăng trọng tốt, đối tượng gà đẻ trứng đạt tỷ lệ cao hơn so với cách nuôi thông thường…
Được biết, từ những hiệu quả mang lại, Trung tâm Khuyến nông, Sở NN & PTNT thường xuyên tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho người dân kỹ thuật làm nền chuồng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm. Đây cũng là một trong những khâu thực hiện chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học giúp phòng, chống dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở NN & PTNT cho biết: Hiệu quả của chăn nuôi gia cầm trên nền đệm lót sinh học đã được chứng minh. Trung tâm khuyến cáo người dân áp dụng rộng rãi phương pháp này để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh.
Công nghệ vi sinh hiện nay đang ngày càng phát triển, được áp dụng rộng rãi trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng. Chăn nuôi gia cầm ở Hà Nam phát triển khá mạnh với tổng đàn duy trì trên 7 triệu con, thời gian cao điểm lên đến gần 9 triệu con. Do vậy, rất cần nhân rộng hơn nữa việc sử dụng phương pháp chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học giúp phát huy tối ưu hiệu quả của sản xuất.