Hà Nam: Quan tâm phát triển đàn thủy cầm
Thời gian gần đây, chăn nuôi nhỏ lẻ dần được loại bỏ, thay bằng hình thức nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng chuyên nghiệp. Các hộ phần lớn nuôi vịt thịt thấp nhất từ 1.000 con trở lên. Nhiều hộ có diện tích trang trại lớn nuôi số lượng lên đến 5.000 – 10.000 con/lứa. Chăn nuôi vịt hiện nay không chỉ dựa vào thời điểm sau thu hoạch 2 vụ lúa (tận dụng phụ phẩm sản xuất) mà được nuôi quanh năm, bình quân khoảng 6 – 7 lứa/năm (đối với vịt thịt). Nuôi vịt được người dân áp dụng mô hình chuồng kín và chuồng chuyên nuôi (không thả vịt ra môi trường tự nhiên). Hướng chăn nuôi này phát huy tốt hiệu quả, giúp bảo đảm cho vịt thịt tăng trọng tốt, kiểm soát được dịch bệnh…
Tìm hiểu tại hộ anh Trần Xuân Kỷ, thôn 1 – Công Xá, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) được biết từ đầu năm 2024 anh phát triển chăn nuôi vịt thịt theo hướng tập trung, chuyên nghiệp. Anh Kỷ đầu tư 2 khu chuồng nuôi có quy mô 4.000 con/lứa. Anh nuôi gối lứa luân phiên 2 chuồng để có sản phẩm xuất bán đều các tháng và thuận lợi trong việc lựa giá thị trường. Anh Trần Xuân Kỷ chia sẻ: Từ khi lựa chọn nuôi vịt thịt là nghề chính, qua 3 lứa xuất chuồng giá bán luôn ổn định ở mức hơn 40 nghìn đồng/kg, có thời gian cao điểm đạt 48 nghìn đồng/kg. Đầu ra của vịt thịt rất tốt, thương lái đến tận chuồng bắt đưa đi khắp các tỉnh, thành phố. Với việc nuôi quy mô lớn, lợi nhuận đem lại cao hơn nhiều so với các loại con vật nuôi khác.
Chăn nuôi vịt thịt theo hướng chuyên nghiệp của gia đình anh Trần Xuân Kỷ, thôn 1 – Công Xá (thị trấn Vĩnh Trụ).
Thực tế, nguyên nhân quan trọng nhất để đàn thủy cầm tăng về số lượng đàn do giá bán duy trì ở mức cao, đem lại lợi nhuận cho người nuôi. Khoảng gần 1 năm nay, giá vịt thịt đạt từ 36.000 – 37.000 đồng/kg trở lên. Nhất là từ đầu năm 2024, giá vịt thịt đạt bình quân 42.000 – 45.000 đồng/kg. Nuôi vịt thịt, chỉ cần bán giá 30 nghìn đồng/kg đã hòa vốn. Với giá bán hiện tại, mỗi con vịt thịt trừ chi phí (tiền giống, thức ăn, thuốc thú y, điện…) đạt lợi nhuận hơn 20 nghìn đồng. Khi vịt đạt giá bán trên 45 nghìn đồng/kg, nếu nuôi 1.000 vịt thịt xuất chuồng cho lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Thuận lợi nữa, chi phí đầu tư nuôi vịt thấp hơn các đối tượng con vật nuôi khác, chỉ bằng một phần của lợn. Thời gian 1 lứa nuôi của vịt thịt ngắn, chỉ 42 – 45 ngày, tương đương với gà trắng. Như vậy, người nuôi dễ hơn trong quá trình tính toán khi có tác động không tốt từ thị trường tiêu thụ… Để chăn nuôi nói chung và chăn nuôi thủy cầm nói riêng phát huy hiệu quả, các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương thường xuyên tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho người dân. Theo đó, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được áp dụng, nhất là những hộ nuôi chuyên nghiệp. Đàn vịt được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc – xin đối với những bệnh thông thường, cúm gia cầm. Hệ thống chuồng trại chăn nuôi vịt cũng bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.
Tuy nhiên, khó khăn chính của chăn nuôi vịt hiện nay vẫn là tiêu thụ hoàn toàn dựa vào thị trường tự do. Giá bán có thể lên, xuống theo từng thời điểm của mùa vụ sản xuất. Cùng với đó, giá bán vịt thịt tăng, giá con giống người dân nhập đàn cũng tăng theo. Hiện 1 con giống vịt siêu thịt có giá lên đến 25 – 27 nghìn đồng/con, chiếm 16 – 17% giá thành của 1 con vịt xuất chuồng. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thủy cầm đang là đối tượng con vật nuôi phát huy tốt hiệu quả. Tuy nhiên, người nuôi cũng cần nắm bắt kịp thời xu hướng thị trường, giá cả để quyết định quy mô đầu tư, hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình sản xuất.
Phát triển chăn nuôi gia cầm, trong đó có đàn thủy cầm góp phần nâng cao giá trị và tỷ trọng ngành chăn nuôi nói chung. Tuy nhiên, vịt là đối tượng con vật nuôi khá nhạy cảm dễ mắc bệnh khi điều kiện thời tiết, khí hậu thay đổi, rất cần có sự hỗ trợ hơn nữa của cơ quan chuyên môn trong công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật và kiểm soát dịch bệnh để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế.