Hà Nội cảnh giác cao độ với dịch tả lợn Châu Phi

Hà Nội cảnh giác cao độ với dịch tả lợn Châu Phi

Là địa bàn có tổng đàn lợn rất lớn, lại giáp với tỉnh đang có dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là Hưng Yên và là đầu mối buôn bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn, Hà Nội đang ở tình thế báo động cao nhất nguy cơ lây lan bệnh DTLCP.

Hà Nội hiện có tổng đàn lợn lên tới 2,04 triệu con. Ghi nhận thực tế tại huyện Chương Mỹ - địa phương có tổng đàn lợn khoảng 170.000 con, công tác phòng chống DTLCP đang được ngành thú y, chính quyền địa phương cùng người chăn nuôi cảnh giác cao độ.

Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y Chương Mỹ cho biết trước nguy cơ dịch bệnh DTLCP đang áp sát, Trạm thú y đã tham mưu cho huyện các phương án phòng chống dịch, hệ thống thú y toàn huyện nơm nớp lo ngại nguy cơ lây lan dịch. Chương Mỹ có nguy cơ xảy ra DTLCP rất cao, bởi số đàn gia súc lớn; địa bàn hành chính rộng với 32 xã, lại có quốc lộ 6 đi qua, là điểm trung chuyển cung cấp thực phẩm chủ yếu cho nội thành. “Thú y huyện đã tăng cường tuyên truyền tới từng địa bàn, đề nghị các hộ chăn nuôi lợn phải thường xuyên tiêu độc khử trừng, vệ sinh chuồng trại, hạn chế tối đa người lạ ra vào trạng trại” – bà Hằng cho biết.

Theo tìm hiểu của PV NNVN, tới ngày 21/2, các hộ chăn nuôi tại địa bàn huyện Chương Mỹ cũng đã nắm được thông tin về 2 tỉnh là Hưng Yên và Thái Bình đang xảy ra DTLCP và đang rốt ráo thực hiện các biện pháp phòng dịch. Gia đình chị Nguyễn Thị Tiệp ở thôn Trung Cao (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) có đàn lợn trên 20 con, mấy ngày nay chị cho biết đã nắm thông tin về DTLCP. Tuy chưa xảy ra dịch trên địa bàn, nhưng chị cũng thường xuyên rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng chuồng trại.

“Đàn lợn nhà tôi nằm trong nhóm chăn nuôi VietGAPH, chưa lần nào bị dịch bệnh. Tuy nhiên nghe thông tin có bệnh DTLCP rất nguy hiểm, các hộ trong thôn mấy ngày qua đã không lơ là, thường xuyên rắc vôi trước cửa chuồng, 3 ngày phun thuốc khử trùng một lần, hạn chế người ra vào. Các hộ cũng được người đi tập huấn liên tục để nắm bắt về phương pháp phòng chống dịch. Nếu có xảy ra dịch bệnh phải báo ngay để dập dịch, vì dịch này chết 100%” – chị Tiệp nói.

Hà Nội phòng chống dịch lở mồm long móng Châu Phi

Người dân rắc vôi trước cửa chuồng

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Để chủ động phòng chống DTLCP, UBND TP Hà Nội đã sớm ban hành kế hoạch (số 187 ngày 28/9/2018) hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với dịch. Theo đó, phát huy cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành cho công tác phòng chống dịch bệnh. Thành phố đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra tất cả các quận, huyện, thị xã về công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai các hoạt động chuyên môn tại các cơ sở. Đến nay, các quận, huyện, thị xã đã cơ bản ban hành kế hoạch để chủ động phòng chống dịch...

Công tác tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của bệnh DTLCP được TP Hà Nội đặc biệt chú trọng, với mục tiêu mọi người mọi nhà chủ động phòng chống dịch bệnh ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tuyên truyền mạnh về chính sách hỗ trợ tiêu hủy khi dịch bệnh xảy ra để người dân thực hiện tốt việc khai báo dịch bệnh, tránh trường hợp bán chạy hoặc vứt ra nơi công cộng, bãi rác, kênh mương... Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thực hiện 2 đợt tổng tẩy uế môi trường để ngăn chăn dịch (đợt trước Tết Nguyên đán, từ tháng 11 đến tháng 12/2018 và đợt hai bắt đầu từ ngày 18/2 đến 28/2/2019)...

“Trường hợp xảy ra dịch bệnh, chúng tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không được đưa lợn bệnh ra ngoài vùng dịch. Không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt lợn bệnh. Không cho thương lái, phương tiện vận chuyển vào khu chuồng nuôi vì có thể mang mầm bệnh từ nơi khác vào. Khi phát hiện lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không giết mổ, không vứt xác lợn chết ra môi trường vì sẽ làm lây lan rất nhanh. Khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, cần chủ động thực hiện ngay các giải pháp phòng bệnh, chăn nuôi theo hướng sinh học gắn với việc xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…”.

(Ông Nguyễn Ngọc Sơn)