Hàng ngàn ha lúa tôm ở Kiên Giang bị thiệt hại do đất nhiễm mặn

Hàng ngàn ha lúa tôm ở Kiên Giang bị thiệt hại do đất nhiễm mặn

Nhiều ruộng lúa – tôm ở Kiên Giang bị chết rụi dần do đất nhiễm mặn, thiệt hại từ 30 – 100%, nông dân thất trắng, không thể thu hoạch.

Rửa mặn không triệt để

Ông Lê Văn Đá, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang cho biết, vụ lúa mùa trên nền đất nuôi tôm (lúa - tôm) năm 2020-2021 toàn tỉnh gieo cấy được 58.724/63.000 ha theo kế hoạch, tập trung ở các huyện: An Minh, An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao và TP Hà Tiên. Hầu hết diện tích lúa hiện đang trong giai đoạn đòng trổ và trổ chín.

Đến nay, đã ghi nhận có 6.672 ha bị thiệt hại do bị nhiễm mặn trong đất, trong đó có 3.607 ha thiệt hại tỷ lệ từ 30-70%, thiệt hại trên 70% là 3.065 ha. Huyện An Minh là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất với 6.158/20.645 ha đã xuống giống, còn lại là tại huyện Vĩnh Thuận.

Nhiều diện tích lúa - tôm ở An Minh chỉ lên xanh tốt thời gian đầu, nhưng khi rễ ăn sâu xuống tầng đất nhiễm mặn là ngừng phát triển và chết rụi dần.

“Nguyên nhân do năm nay lượng mưa ít, nông dân rửa mặn trong đất sau vụ nuôi tôm để luân canh lại vụ lúa không được triệt để. Hơn nữa, nhiều nông dân kéo dài thời gian nuôi tôm, do giá trị kinh tế cao hơn cây lúa, nên không tuân thủ thời gian cắt vụ theo khuyến cáo. Khi mới gieo cấy, lúa vẫn lên xanh tốt nhưng khi rễ ăn sâu xuống tầng đất nhiễm mặn là ngừng phát triển và chết rụi dần”, ông Đá cho biết nguyên nhân.

Trồng cỏ nước mặn thay lúa

Việc luân canh lại vụ lúa trên nền đất nuôi tôm là mô hình canh tác bền vững. Cây lúa sẽ hấp thu các chất hữu cơ còn tồn đọng sau vụ nuôi tôm, giúp giảm chi phí cũng như cách ly được mầm gầy bệnh. Đồng thời, gốc lúa sau thu hoạch sẽ là môi trường cho tôm sinh sống và khi phân phân hủy, tạo sinh vật phù du làm thức ăn cho tôm.

Diện tích lúa - tôm bị thiệt hại ngày càng tăng, thậm chí nhiều diện tích đã không thể lấp lại vụ lúa, nông dân phải chuyển sang trồng cỏ nước mặn để giúp xử lý môi trường.

Tuy nhiên, do nông dân thường kéo dài thời gian nuôi tôm, đất bị ngâm nước mặn nhiều, dẫn đến khó rửa mặn triệt để. Diện tích lúa bị thiệt hại ngày càng tăng, thậm chí nhiều diện tích đã không thể lấp lại vụ lúa. Nông dân phải chuyển sang trồng cỏ hoặc một số loại cây chịu mặn tốt để giúp xử lý môi trường.