Heo rừng thích nghi tốt xu hướng chăn nuôi ở miền Tây

Heo rừng thích nghi tốt xu hướng chăn nuôi ở miền Tây
Mô hình nuôi heo rừng tại ĐBSCL đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đây là hướng đi mới trong nông nghiệp, mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường.

Bén duyên nghề nuôi heo rừng

Ông Trần Văn Truyện, ngụ ấp Ba Mến, xã An Trạch A, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) sau vài tuần lần mò trên mạng vô tình bắt thấy đoạn clip giới thiệu của một doanh nghiệp chuyên cung cấp giống heo rừng, hỗ trợ kỹ thuật nuôi và bao tiêu đầu ra, ông quyết định sẽ đầu tư nuôi loài vật này.

Quê ở Cà Mau, ông Truyện bôn ba nhiều nơi trước khi về định cư, lập nghiệp ở xã An Trạch A. Ban đầu, gia cảnh ông Truyện rất khó khăn, quanh năm làm thuê làm mướn cũng chẳng đủ ăn, đủ mặc. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ vì phải suy nghĩ tìm cách thoát nghèo.

Nuôi heo rừng ở Miền Tây

Ông Trần Văn Truyện ngụ ấp Ba Mến, xã An Trạch A, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) bén duyên với nghề nuôi heo rừng.

Ông Truyện, vay mượn người thân đầu tư chiếc Smartphone về lướt mạng tìm hiểu cách làm giàu. Sau nhiều lần bàn bạc với gia đình, ông Truyện quyết tâm lặn lội từ Bạc Liêu lên Đồng Tháp tìm trang trại nuôi heo rừng để tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi.

Nhận thấy việc nuôi heo rừng không quá khó, ông Truyện đã mạnh dạn vay mượn người thân, bạn bè cả trăm triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống về chăn nuôi, quyết tâm thực hiện giấc mơ làm giàu.

Nuôi heo rừng ở Miền Tây

Ông Truyện chăm sóc đàn heo rừng của gia đình.

Sau thời gian tìm hiểu thông tin trên mạng, một lần nữa ông Truyện lại làm lớn khi vay mượn tiền của người thân, bạn bè để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua heo rừng giống về nuôi với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng.

Đến nay, sau gần 3 năm thả nuôi, đàn heo của ông Truyện đã bắt đầu sinh sản. Hiện, ông Truyện đã xuất bán 3 đợt, mỗi đợt hơn 60 con heo thương phẩm với giá xuất chuồng từ 85.000 - 100.000 đồng/kg (tùy thời điểm).

“Ban đầu, khi bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư vào chăn nuôi trong khi mình chưa hiểu sâu về tập quán sinh sản, ăn uống, cách chăm sóc heo rừng như thế nào nên tôi cũng hơi lo. Tuy nhiên, nhờ phía công ty hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, kèm với các điều khoản như bao tiêu sản phẩm đầu ra, hỗ trợ thiệt hại 1 đổi 1 đối với con giống ở tháng đầu tiên và hỗ trợ hoàn 50% vốn nếu như heo nuôi xảy ra dịch bệnh nên tôi cũng an tâm hơn. Từ lúc nuôi đến nay, công ty luôn hỗ trợ nhiệt tình về kỹ thuật, khi có heo xuất bán mình liên hệ là họ đến thu mua ngay”, ông Truyện cho biết.

Nuôi heo rừng ở Miền Tây

Heo rừng thương phẩm với giá xuất chuồng từ 85.000 - 100.000 đồng/kg (tùy thời điểm) cao hơn so heo thịt thông thường.

Được biết, ông Truyện vừa bán hơn 60 con heo rừng thương phẩm với trọng lượng từ 15 - 30kg. Hiện trong chuồng nuôi của ông còn khoảng 110 con heo rừng lớn nhỏ. Trong đó, có 13 con heo rừng nái và một con heo đực để phối giống sinh sản. Mỗi năm, heo nái đẻ 2 lần, mỗi lần 8 - 9 con.

Nói về kỹ thuật nuôi, ông Truyện cho biết, chăm sóc heo rừng không khó, lại ít tốn công sức. Heo con sau khi sinh khoảng 3 ngày tuổi, người nuôi phải tiêm thuốc sát trùng, và khoảng 15 ngày tiếp theo sẽ tiêm ngừa viêm phổi cho heo. Kể từ đó cho đến khi xuất chuồng, đàn heo rất ít khi mắc bệnh, có chăng là những bệnh thông thường dễ chữa.

Nuôi heo rừng ở Miền Tây

Thức ăn cho heo rừng khá đơn giản.

Nhân rộng mô hình

Nói về tính hiệu quả, ông Truyện cho hay, nuôi con gì cũng vậy, giai đoạn khoảng 1 năm đầu rất khó khăn vì nuôi heo con, chờ lớn rồi nhân giống rất tốn thời gian, nhưng khi việc chăn nuôi đã ổn định, đi vào nền nếp thì mình bắt đầu có thu nhập.

“Mình bắt con giống về thả nuôi gần 1 năm heo mới sinh sản. Còn hiện nay khỏe rồi, heo đẻ liên tục, tha hồ nuôi. Mỗi năm heo đẻ 2 lứa, mỗi lần từ 8 - 9 con. Còn việc xuất bán heo thịt mỗi năm tôi xuất 3 - 4 lần, mỗi lần hàng chục con”, ông Truyện nói.

Theo ông Truyện, sau khi trừ chi phí thức ăn chăn nuôi, mỗi năm ông thu lợi từ nuôi heo rừng hơn 200 triệu đồng.

Ông Lê Quốc Khải, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Trạch A, huyện Đông Hải, cho biết mô hình nuôi heo rừng của ông Truyện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương đang xây dựng dự án dựa trên tính hiệu quả của mô hình này để đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí từ nguồn khoa học công nghệ nhằm giúp ông Truyện mở rộng quy mô chăn nuôi.

Ông Nguyễn Công Tạo, Chủ tịch UBND xã An Trạch A, huyện Đông Hải, đánh giá: “Ông Truyện đến địa bàn xã An Trạch A từ hai bàn tay trắng, điều kiện gia đình khó khăn, nhờ chí thú làm ăn nên giờ cuộc sống gia đình của ông Truyện dần ổn định, ông đã mua được đất để canh tác cải thiện cuộc sống.

Mô hình nuôi heo rừng phát triển kinh tế của gia đình ông Truyện rất hiệu quả, lợi nhuận mang về mỗi năm từ mô hình trên 100 triệu đồng. Ông Truyện là một trong những tấm gương nông dân điển hình tiêu biểu của xã”.

Theo ông Tạo, trong thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình này kinh tế này ra toàn địa bàn để bà con tiếp cận, có hướng để phát triển kinh tế, góp phần đưa địa phương phát triển đi lên, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Nuôi heo rừng ở Miền Tây

Mô hình nuôi heo rừng mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân tại ĐBSCL.

Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, Bạc Liêu chia sẻ: Đối với mô hình nuôi heo rừng của bà con trên địa bàn khá hiệu quả, vì loài này dễ nuôi, đem lại giá trị kinh tế cao, đầu ra thuận lợi.

Tuy nhiên, hiện mô hình nuôi heo rừng được bà con nuôi rải rác trên địa bàn các xã An Trạch A, Long Điền Đông, thị trấn Giành Hào.... số hộ nuôi còn nhỏ lẻ, khó kiểm soát dịch bệnh vì nuôi trong mô trường tự nhiên.

Mô hình nuôi heo rừng hiện đang rất phát triển tại ĐBSCL, nhưng ngoài mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đòi hỏi sự đầu tư và quản lý kỹ thuật cao. Với sự hỗ trợ và định hướng đúng đắn, mô hình này có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.

Nuôi heo rừng có thể kết hợp với các mô hình nông nghiệp bền vững, heo rừng có thể được nuôi trong môi trường tự nhiên, tận dụng các loại cây cỏ, thức ăn tự nhiên, giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, người nuôi heo rừng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc và quản lý tốt, cần có kiến thức về sinh thái, dinh dưỡng và bệnh tật của heo rừng.

Bên cạnh đó, mô hình này cần đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, chuồng trại và nguồn giống chất lượng. Ngoài ra, khó khăn trong việc kiểm soát bệnh tật, do nuôi trong môi trường tự nhiên, việc kiểm soát bệnh tật có thể gặp khó khăn hơn so với nuôi công nghiệp.

“Heo rừng đại kỵ việc phối giống cận huyết, nếu con đực và con cái có cùng huyết thống mà phối giống khi sinh sản heo con rất khó nuôi, chậm lớn. Chúng thường chết yểu, lần trước tôi có 2 con nái sau khi được phối giống từ heo đực cận huyết, chúng sinh ra gần 20 con heo con nhưng chỉ nuôi sống được vài con. Do đó, heo đực phối giống tuyệt đối không được cận huyết”, ông Truyện chia sẻ.