Hiệu quả mô hình nuôi ngan Pháp theo hướng an toàn sinh học

Hiệu quả mô hình nuôi ngan Pháp theo hướng an toàn sinh học
Ngan vốn là con nuôi khá quen thuộc với bà con nông dân. Tuy nhiên, qua nhiều thập niên, việc chăn nuôi ngan tại các hộ dân chỉ dừng ở quy mô nuôi nhỏ, lẻ, manh mún, nên hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi thấp. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả kinh tế đối với đối tượng nuôi này, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi ngan Pháp theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo đó, năm 2019, trung tâm đã triển khai thực hiện mô hình tại xã Mỹ Lộc (Hậu Lộc), với quy mô 2.500 con, thực hiện tại 4 hộ chăn nuôi, bình quân mỗi hộ nuôi khoảng 600 đến 700 con. Tham gia mô hình, ngoài việc được hỗ trợ 50% kinh phí mua con giống, một phần kinh phí mua thức ăn, vắc-xin tiêm phòng và một số vật tư đầu vào khác, các hộ chăn nuôi còn được tham gia lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi ngan theo hướng an toàn sinh học do chính cán bộ, chuyên viên của trung tâm phổ biến, hướng dẫn.

Áp dụng quy trình chăn nuôi theo đúng hướng dẫn kỹ thuật về an toàn sinh học, sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ sống của đàn ngan Pháp đạt hơn 90%, trọng lượng trung bình đạt 3 kg/con, doanh thu đạt 25 triệu đồng/hộ, lợi nhuận khoảng 5 đến 7 triệu đồng/hộ, cao hơn khoảng 30% so với chăn nuôi theo phương thức truyền thống.

Tiếp nối thành công từ mô hình đầu tiên, năm 2020, trung tâm tiếp tục thực hiện mô hình tại xã Hà Lĩnh (Hà Trung), với quy mô 1.800 con. Năm 2021 vừa qua, trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện tại xã Nga Phượng (Nga Sơn). Đối với mô hình tại xã Nga Phương, với quy mô nuôi 275 con/hộ, sau 3 tháng nuôi tỷ lệ nuôi sống của đàn ngan đạt 94,7%, trọng lượng trung bình 3,3kg/con, giá bán con nuôi đạt cao, ổn định, nên lợi nhuận đạt gần 9 triệu đồng/hộ. Như vậy, nếu 1 hộ duy trì quy mô nuôi 1.000 con ngan Pháp theo hướng an toàn sinh học, mỗi năm có thể đạt lợi nhuận từ 110 đến 130 triệu đồng.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tuân thủ nghiêm các biện pháp kỹ thuật, như lựa chọn con giống tốt, rõ nguồn gốc, chuồng trại bảo đảm khô, thoáng, sử dụng thức ăn công nghiệp, không có hoóc-môn và kháng sinh, nước uống cho con nuôi được lấy từ nguồn nước hợp vệ sinh... Vì vậy, con nuôi đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng phát triển tốt, nên đạt năng suất, chất lượng cao, lợi nhuận bình quân đạt cao hơn khoảng 25 đến 30% so với chăn nuôi truyền thống.

Không chỉ thành công trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, mô hình còn giúp các hộ chăn nuôi thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của các hộ chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Đa phần các hộ dân tham gia mô hình đều nhận thấy rằng, muốn nâng cao hiệu quả chăn nuôi, ngoài việc đầu tư chuồng trại, chú trọng con giống, thì cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc con nuôi theo đúng kỹ thuật, từ đó, tạo sức lan tỏa đối với các hộ chăn nuôi khác.

Bà Mai Thị Thái, thôn Đồng Đội, xã Nga Phượng, chia sẻ: Tham gia mô hình, được tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, không còn cho ngan uống nước ao như trước mà thay vào đó là cung ứng đầy đủ nguồn nước bảo đảm vệ sinh cho đàn ngan, sử dụng thuốc thú y, vắc-xin đầy đủ theo nguyên tắc “4 đúng”, nên đạt hiệu quả phòng ngừa bệnh cao. Với việc tham gia nuôi 275 con ngan/lứa, sau 3 tháng gia đình bà Thái thu lãi gần 11 triệu đồng. Từ kết quả đạt được, gia đình bà Thái liên tục mở rộng quy mô nuôi ngan và hiện duy trì nuôi khoảng 1.000 con/lứa.

Từ hiệu quả các mô hình nuôi ngan Pháp theo hướng an toàn sinh học, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện mô hình trong năm 2022; đồng thời, khuyến khích, hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhân rộng mô hình.