Hiệu quả mô hình tưới tiết kiệm VnSAT lan rộng khắp Tây Nguyên

Hiệu quả mô hình tưới tiết kiệm VnSAT lan rộng khắp Tây Nguyên

Thông qua sự hỗ trợ từ VnSAT, nhiều người dân trồng cà phê trên địa bàn Tây Nguyên ngày càng mạnh dạn đầu mô hình tưới tiết kiệm với những ưu điểm vượt trội.

Trợ thủ đắc lực của người dân trồng cà phê

Trong những năm gần đây, mùa khô ở Tây Nguyên có xu hướng kéo dài hơn, tình trạng thiếu nước ngày càng gay gắt. Việc đầu tư phân bón và nước tưới nhiều không những làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế, mà còn làm suy thoái đất đai và nguồn nước, gia tăng sâu bệnh cho cây trồng. Từ thực tế này, giải pháp tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đã mang lại hiệu quả rõ rệt và được người dân tích cực hưởng ứng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Nghi (thôn 2, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) trồng 2,4 ha cà phê. Năm vừa rồi, ông Nghi quyết định lắp hệ thống tưới tiết kiệm và được VnSAT hỗ trợ kinh phí 50%. Từ ngày lắp hệ thống tưới tiết kiệm giúp gia đình ông như có thêm trợ thủ đắc lực.

Theo ông Nghi, hệ thống tưới tiết kiệm này có quá nhiều ưu điểm, giúp ích rất nhiều cho những người trồng cà phê. Khi trời nắng, cuốc hố cà phê đất rất cứng sẽ mất rất nhiều sức. Nhưng nay, gia đình ông chỉ cần bật hệ thống tưới trước đó ít phút để làm mềm đất, như vậy sẽ dễ dàng cho việc cuốc đất.

Hệ thống tưới tiết kiệm không chỉ tưới nước mà còn bón phân rất hiệu quả. Nếu như trước, ông Nghi phải đem phân đi bón cho từng gốc cà phê, thì nay chỉ cần thông qua hệ thống trung tâm, phân đã được tưới đều, rất hiệu quả.

“Với hệ thống này, gia đình tôi chủ động hơn trong công việc chăm sóc cà phê. Nếu như trước đây, mỗi lần tưới nước, bón phân, gia đình phải chuẩn bị nhân sự, thuê người làm thì nay công việc đó trở nên đơn giản hơn rất nhiều” – ông Nghi cho biết.

Hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tận gốc phú hợp hơn với cây cà phê.

Hệ thống tưới tiết kiệm cũng giúp ông Nghi rút ngắn được thời gian tưới cho cây cà phê. Cụ thể, trước đây gia đình ông dùng 2 béc lớn trong vòng 7 tiếng tưới được 70 cây cà phê, còn hiện tại cũng với thời gian đó sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm phun mưa tận gốc, gia đình ông tưới được 300 cây cà phê.

Tiết kiệm thời gian tưới cũng sẽ tiết kiệm điện tiêu thụ. Theo tính toán của ông Nghi, hệ thống tưới tiết kiệm này gia đình ông giảm được 1/3 lượng điện tiêu thụ so với thời gian trước.

Ưu điểm rõ nhất của hệ thống tưới chính là năng suất cà phê tăng lên thấy rõ. Ông Nghi dẫn chứng, thời điểm này dù đang là mùa khô, nhưng vườn cà phê của ông vẫn xanh mơn mởn, lượng quả đều. Ông Nghi ước tính, năm nay vườn cà phê bước vào thu bói sẽ cho sản lượng trên 5 tấn quả tươi/ha.

Đánh giá về mô hình tưới tiết kiệm, ông Nguyễn Ngọc Bích (thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết, Tây Nguyên thường hay bị hạn hán, nên việc sử dụng hệ thống phun mưa tận gốc được xem là phù hợp với cây cà phê.

Trước đây gia đình ông Bích sử dụng béc quay để tưới cà phê trên diện tích 2,5 ha. Khi đó, trung bình 1 ha, ông Bính mất hơn 3 ngày 3 đêm để tưới, sau đó phải thêm công đoạn dùng béc dí để tưới vào các góc khuất của cây.

Còn với hệ thống tưới phun mưa tận gốc, chỉ cần 1 ngày 1 đêm là tưới xong 1ha cà phê. Như vậy giảm được 2/3 thời gian tưới. Thậm chí, hệ thống này còn thực hiện bón phân phun thuốc rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, gia đình ông Bích cũng tiết giảm được tiền điện đáng kể. Trước đây, với một lần tưới, ông Bích phải mất 1.600 kg điện, còn hiện tại chỉ hết 500 kg điện.

“Ngày trước chăm sóc cà phê rất vất vả. Mỗi lần tưới tôi phải thuê 2 người cùng làm với mình. Giờ có hệ thống tưới tiết kiệm thoải mái hơn rất nhiều. Một mình cũng có thể chăm sóc cho cả vườn cà phê” – ông Bích cho biết.

Được VnSAT hỗ trợ 50%, người dân có thêm động lực để đầu tư.

Phát huy hiệu quả, người dân đẩy mạnh đầu tư

Với mục đích hỗ trợ ngành cà phê phát triển theo hướng bền vững, đến năm 2020, dự án VnSAT sẽ hỗ trợ 208 mô hình trình diễn tưới tiết kiệm nước cho 69.000 ha cà phê khu vực Tây Nguyên. Trong đó, VnSAT hỗ trợ 50%, người dân chỉ cần bỏ vốn đối ứng còn lại là có hệ thống tưới tiết kiệm nước với nhiều tiện ích.

Ông Nghi cho biết, với việc hỗ trợ kinh phí 50%, dự án VnSAT thực sự đang tạo ra động lực để người dân mạnh dạn đầu từ hệ thống tưới tiết kiệm.

“Thực tế, để một hộ dân bỏ ra một số tiền lớn cả trăm triệu đồng lắp hệ thống tưới tiết kiệm thì chưa dám, nhưng với gói hỗ trợ kinh phí 50% (tương đương 40 triệu) sẽ tạo thêm động lực cho người dân”.

Hệ thống tưới tiết kiệm giúp vườn cà phê sinh trưởng tốt hơn.

Ông Huỳnh Trần Chốn, thôn 6, xã Ea Nam, huyện Ia H’leo, tỉnh Đăk Lăk:

Dự án VnSAT hỗ trợ rất hiệu quả cho người dân. Không riêng hệ thống tưới tiết kiệm, VnSAT còn hỗ trợ tái canh cà phê, phân bón, đầu ra cho sản phẩm... Người dân tiếp cận được gói hỗ trợ này sẽ tạo động lực tăng cường đầu tư, giúp gia tăng hiệu quả kinh tế, lợi nhuận từ cây cà phê.

Cũng được hỗ trợ từ dự án VnSAT, ông Huỳnh Trần Chốn (thôn 6, xã Ea Nam, huyện Ia H’leo, tỉnh Đăk Lăk) cho biết, với diện tích 1,2 ha cà phê, gia đình chỉ phải bỏ ra 18 triệu đồng, còn lại VnSAT hỗ trợ kinh phí toàn bộ.

Theo tính toán của ông Chốn, chỉ tính riêng phân bón, trong một năm ông đã thu hồi được tiền vốn đầu tư vào hệ thống tưới tiết kiệm. Cụ thể, trước đây trung bình 1 năm, ông Chốn phải đầu tư 24 triệu đồng tiền phân bón, thì nay với hệ thống tưới tiết kiệm tiền phân bón giảm xuống còn 8 triệu đồng.

Bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Kon Tum cho biết: Trước đây, hệ thống tưới tiết kiệm còn khá mới mẻ trên địa bàn Kon Tum nên người dân không manh dạn đầu tư. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, khi HTX Sau Nhung (huyện Đăk Hà) tiên phong lắp đặt 3 ha hệ thống tưới tiết kiệm, thấy có hiệu qủa, người dân đã đăng ký lắp đặt nhiều hơn.

Theo bà Lương, trung bình 1ha cà phê lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm hết khoảng 90 triệu, trong đó VnSAT hỗ  trợ 50%. Theo đó, người dân có thể tự liên hệ nơi lắp đặt trang thiết bị, sau đó VnSAT sẽ đến nghiệm thu 3 bên để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả.

Ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Gia Lai cho hay: Trước đây, VnSAT đã triển khai 2 hệ thống tưới tiết kiệm là phun mưa và nhỏ giọt. Tuy nhiên hệ thống nhỏ giọt không phù hợp vì rễ cây cà phê lớn cần lượng nước rất nhiều. Bình quân mỗi đợt tưới, cây cà phê cần từ 400-600 lít nước nên sử dụng phun mưa tận gốc sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Theo ông Tuấn, nguồn vốn hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm từ Trung ương phân bổ cho tỉnh Gia Lai chỉ được 300 ha. Hiện danh sách mới được phê duyệt khoảng 220 ha. Tuy nhiên nhu cầu lắp hệ thống này người dân rất lớn...

 “Vừa qua, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Thế giới đã thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ để được gia hạn dự án và điều chỉnh cơ cấu vốn. Nếu được thông qua, nguồn vốn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh cho tái canh cà phê, trong đó có hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm” – ông Tuấn chia sẻ.

Bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Kon Tum:

Nói đến tưới tiết kiệm, mọi người cứ nghĩ chỉ là tiết kiệm nước thôi, nhưng thực tế mô hình này giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều thứ khác như: Nhân công, phân bón, điện... Theo tính toán, khi lắp đặt hệ thống này, người dân tiết kiệm được tất cả hơn 30% so với tưới truyền thống. Theo kế hoạch trong năm nay Kon Tum sẽ triển khai lắp đặt khoảng 50 ha, nhưng hiện người dân đã đăng ký trên 60 ha.