Hiệu quả tích cực nhờ xử lý chất thải chăn nuôi đúng cách
Nhiều giải pháp hữu hiệu
Tuy An hiện là địa phương có đàn bò nhiều nhất tỉnh với khoảng 30.000 con của hàng ngàn hộ dân ở hầu hết các xã, thị trấn của huyện. Bình quân 1 con bò mỗi ngày thải ra khoảng 7 - 10 kg phân, tương đương đàn bò của huyện này mỗi ngày sẽ thải ra môi trường từ 200 - 300 tấn phân. Lượng chất thải này nếu không được xử lý đúng cách sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường chăn nuôi, sinh hoạt của địa phương.
Ý thức được vấn đề này, thời gian qua, huyện Tuy An và người chăn nuôi đã thực hiện nhiều giải pháp xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi. Một trong những phương pháp khá thô sơ mà người chăn nuôi áp dụng lâu nay đó là thu gom, phơi khô bán cho thương lái đưa lên các tỉnh Tây Nguyên bón vườn.
Bà Hà Thị Lê ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) cho biết: Đàn bò gia đình tôi có 6 con lớn nhỏ, mỗi ngày thu gom được khoảng 2 xe rùa phân đưa ra bãi trống sau vườn nhà để phơi khô đóng bao. Bình quân mỗi tháng tôi bán phân bò được 300.000 đồng, có thêm tiền mua cám cho bò.
Từ sau khi tham gia lớp tập huấn về cách ủ phân vi sinh từ phân chuồng và rác thải nông nghiệp, gia đình ông Lê Hải Hậu ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) đã không còn bán phân bò cho thương lái nữa mà tất cả đều được sử dụng để ủ phân vi sinh phục vụ cho việc bón đồng thay vì phải dùng phân hóa học như lâu nay. Ông Hậu cho hay: Cách ủ phân vi sinh khá đơn giản nên chúng tôi ai cũng có thể tự làm. Các nguyên liệu chính như phân bò, rơm rạ, thân cây…, gia đình tôi đều chủ động, chỉ phải mua chế phẩm sinh học trichoderma.
Cách ủ cũng rất đơn giản, các loại rác thải nông nghiệp và phân bò được trộn chung, rải theo lớp xen kẽ với chế phẩm trichoderma tưới nước, trộn đều, đậy kín và đảo vài lần trong suốt quá trình ủ. Khoảng 35 ngày sau sẽ thu được phân vi sinh chất lượng cao mà giá thành vô cùng rẻ. Cách làm này đang giúp gia đình xử lý tốt lượng chất thải từ chăn nuôi bò và gà. So với việc thu gom bán phân thô như lúc trước thì việc ủ phân giúp hạn chế mùi hôi và tình trạng ruồi, muỗi sinh sôi, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh.
Trong khi đó, hiện nay ở các trang trại, gia trại nuôi heo, bà con hầu hết đều chọn phương pháp hầm biogas để xử lý chất thải của trại. Ông Nguyễn Văn Tính ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho biết: Nuôi heo có nhiều khác biệt so với nuôi bò hay các loại gia cầm vì ngày nào heo cũng phải được tắm rửa, dội chuồng nên lượng nước, chất thải mỗi ngày thải ra khoảng 25 - 30 lít/con, tương đương trại heo 5.000 con/lứa của gia đình tôi thải ra khoảng 10 - 15 khối nước thải/ngày. Vậy nên tôi đã xây hệ thống hầm biogas để xử lý phân và mùi hôi. Nước sau khi xử lý trong hầm biogas được dẫn ra hồ chứa dùng tưới cây rất tốt.
Tương tự, hiện trại heo của gia đình bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cũng xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas composite. Theo bà Tâm, ngoài xử lý gọn gàng chất thải của trại heo, hầm biogas còn cung cấp lượng khí gas dồi dào phục vụ cho việc nấu cháo heo và nấu nướng của gia đình.
Theo Sở NN-PTNT, hiện tổng đàn trâu bò của tỉnh có hơn 170.000 con, đàn heo khoảng 147.300 con, đàn gia cầm gần 4,3 triệu con nên chất thải và nước thải chăn nuôi thải ra mỗi ngày rất lớn. Lượng chất thải này nếu không được thu gom xử lý đúng cách thì có thể sẽ trở thành nguồn lây nhiễm dịch bệnh cho trại nuôi và gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai khá nhiều dự án, chương trình, mô hình và các lớp tập huấn nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi như dự án khí sinh học, chương trình hỗ trợ xây hầm biogas, các lớp tập huấn ủ phân vi sinh…
Góp phần phát triển chăn nuôi bền vững
Ông Nguyễn Văn Tính cho biết: Từ khi lập trại đến nay đã gần chục năm nhưng trại heo gia đình tôi chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh gì, kể cả dịch tả heo Châu Phi. Thỉnh thoảng đàn heo chỉ bị các bệnh cảm, dịch tả thông thường… điều trị vài ngày là khỏe không lan thành dịch. Sở dĩ có được kết quả này là nhờ ngay từ đầu khi làm trại nuôi heo, tôi đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải đúng quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật nên môi trường khu trại và vùng xung quanh được bảo đảm, không có tình trạng nước thải, chất thải chưa xử lý xả ra gây ô nhiễm.
Đồng thời đàn heo cũng được ngừa vắc xin đầy đủ và thực hiện phun tiêu độc khử trùng môi trường định kỳ 1 lần/tuần. Khống chế được dịch bệnh, đầu ra lại được bao tiêu nên bình quân mỗi năm gia đình có lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng từ nuôi heo. Vì vậy gia đình tôi an tâm phát triển sản xuất và duy trì trại nuôi trong gần 10 năm qua.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, hiện hầu hết các trại chăn nuôi và nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải như làm hầm biogas, ủ phân vi sinh, nuôi trùn quế hoặc làm đệm lót sinh học… Đây là những giải pháp hữu hiệu góp phần giải quyết các vấn nạn về môi trường do chất thải từ chăn nuôi gây nên.
Để tuyên truyền, nhân rộng việc xử lý chất thải chăn nuôi đến với bà con, địa phương thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các lớp tập huấn ủ phân vi sinh từ phân chuồng cho bà con chăn nuôi trên địa bàn và đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Để có thể phát triển chăn nuôi bền vững, người dân cần chú trọng khâu xử lý chất thải ngay từ ban đầu khi mới xây dựng chuồng trại để có những biện pháp xử lý hữu hiệu, bền vững nhất. Đặc biệt, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2021/NĐ-CP với những quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi.
Theo đó, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ sẽ bị xử phạt với mức tiền đến 1 triệu đồng và có thể bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Do vậy, người chăn nuôi cần phải nâng cao ý thức hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường và xử lý chất thải để không vi phạm các quy định của luật pháp.
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên