Hỗ trợ phát triển chuỗi nông sản sạch

Hỗ trợ phát triển chuỗi nông sản sạch

Càng thêm nhiều kênh tiêu thụ nông sản chất lượng, đạt chứng nhận thực hành sản xuất tốt như VietGAP, GlobalGAP…, người tiêu dùng sẽ được lợi nhiều hơn

Xã hội hóa chợ phiên tạo thêm kênh liên kết bán hàng cho các doanh nghiệp (DN), HTX nông nghiệp, nhờ vậy nhà sản xuất tập trung sản xuất, thị trường có sản phẩm an toàn, giá hợp lý.

Thương hiệu chợ phiên

Tháng 8-2016, "Chợ phiên nông sản an toàn" lần đầu tiên được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM tổ chức trong khuôn viên sở ở số 176 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1. Là sân chơi dành riêng cho các HTX, DN, cơ sở sản xuất các loại nông sản có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, chuỗi thực phẩm an toàn chào bán sản phẩm, đến nay chợ phiên đã có mặt tại 5 địa điểm (quận 10 có 2 điểm, còn lại ở các quận: 1, Bình Tân, Tân Bình). Mô hình chợ phiên đã thu hút đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm vào mỗi cuối tuần, doanh số cả trăm triệu đồng/phiên chợ. Nếu tính cả các hợp đồng dài hạn thì doanh thu mỗi chợ phiên lên đến tiền tỉ.

Ông Bùi Văn My, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (thuộc Sở NN-PTNT TP HCM) - đơn vị đầu mối tổ chức chợ phiên, cho biết việc sản xuất nông sản sạch đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP không khó bằng việc làm sao để người tiêu dùng tin đó là sản phẩm đạt chuẩn thật. "Nhiều nhà sản xuất không cần hỗ trợ vốn hay kỹ thuật mà cần đầu ra. Nhờ tham gia bán hàng ở chợ phiên, nhiều DN đã được người tiêu dùng tin tưởng bởi để đưa hàng vào chợ phiên, ngoài giấy tờ chứng nhận, cơ quan chức năng còn kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu kiểm tra tại chỗ" - ông My nói.

Hướng đi mới

Từ một hoạt động do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức, từ tháng 3-2018, chợ phiên được xã hội hóa. Công ty CP Chuỗi nông sản Sài Gòn (SG S.A.P; được sáng lập bởi các đơn vị chủ lực đang tham gia bán hàng tại chợ phiên) đứng ra giữ vai trò tổ chức điều hành chính. Theo ông Nguyễn Tấn Lực, Tổng Giám đốc SG S.A.P, Sở NN-PTNT TP HCM vẫn là đầu mối tổ chức các chợ phiên, SG S.A.P giữ vai trò liên kết các tổ hợp tác, HTX, DN sản xuất có sản phẩm đưa vào kinh doanh ở chợ phiên và tổ chức phân phối hàng hóa của những đơn vị này tại hệ thống cửa hàng thực phẩm tiện lợi, bán online và cung ứng vào kênh bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn… "Nhờ việc mua hàng trực tiếp từ người sản xuất và bán đến nơi tiêu thụ cuối cùng với số lượng lớn, chúng tôi sẽ có lợi thế cạnh tranh, giúp nhà sản xuất tập trung sản xuất và thị trường có sản phẩm an toàn, giá hợp lý. Vừa qua, chúng tôi đã ký hợp đồng cung cấp nông sản đạt chuẩn đang bán tại các chợ phiên vào một số trường học ở quận Bình Tân" - ông Lực cho biết.

Theo ông Lực, việc liên kết với nông dân để tiêu thụ nông sản vẫn là bài toán khó, nhiều liên kết đã thất bại bởi giá lên, nông dân bán ra ngoài, giá xuống thì DN không mua. "Để giải bài toán này, chúng tôi chọn liên kết theo vùng và thông qua chính quyền địa phương. Nếu có HTX hủy hợp đồng do giá hoặc cung cấp nông sản không bảo đảm an toàn, chúng tôi sẽ ngưng thu mua toàn bộ vùng đó. Đây là cách để chính quyền địa phương, các HTX trong vùng tự giám sát lẫn nhau, cùng chịu trách nhiệm và không cạnh tranh phá giá. Mỗi mặt hàng sẽ có biên độ giá theo diễn biến thị trường nhưng bảo đảm nông dân có lãi và yên tâm sản xuất" - ông Lực cam kết.

Về kiểm soát chất lượng, SG S.A.P có phòng quản lý chất lượng và phối hợp với ban - ngành để hạn chế tối đa các sản phẩm không an toàn.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Ông Nguyễn Tấn Quý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM, cho biết thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết giá trị nông sản. Nổi bật trong đó là chính sách hỗ trợ lãi vay từ 60%-100% cho các dự án nông nghiệp. Nông dân, HTX được tư vấn, hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận VietGAP miễn phí, được hỗ trợ tạo website để quảng bá sản phẩm. Trường hợp DN, HTX không đầu tư nhưng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân sẽ được hỗ trợ 60% lãi vay tính trên giá trị hợp đồng.