Hồi sinh khoai tây vụ đông

Hồi sinh khoai tây vụ đông

Khoai tây từng là cây vụ đông chủ lực ở các tỉnh phía Bắc, nhưng thị trường thiếu ổn định, giá cả phập phù, chi phí SX và công lao động quá lớn... khiến diện tích cây trồng này teo tóp dần.

Mặc dù vậy vài năm trở lại đây, nhờ mối liên kết giữa DN và các HTX, đưa cơ giới hóa gắn với SX lớn, cây khoai tây đang dần hồi sinh trở lại ở nhiều địa phương, mà Bắc Giang là một điển hình.

Trở lại hoàng kim

Thời cây khoai tây còn hoàng kim, Hiệp Hòa từng là vựa khoai tây vụ đông lớn nhất tỉnh Bắc Giang với diện tích có giai đoạn lên tới vài nghìn ha. Thế nhưngvề saucây trồng này liên tục thất sủng, có năm chỉ còn 200-300 ha toàn huyện.Chỉ từnăm 2014 trở lại đây, khi một số doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết với các nông dân lớn, các HTX, cây khoai tây vụ đông ở Hiệp Hòa đã dần phục hồi lại.

Từ năm 2014, Cty Pepsico Việt Nam, Cty Tân Đông là hai đơn vị từng ký hợp đồng liên kết SX và bao tiêu toàn bộ khoai tây cho nông dân tại một số HTX ở huyện Hiệp Hòa. Tuy nhiên do phải vận chuyển nguyên liệu quá xa vào miền Nam, nên Pepsico Việt Nam đã rút dần. Cơ hội cho cây khoai tây vụ đông hồi sinh thực sự ở Hiệp Hòa nói riêng cũng như hàng loạt địa phương khác tại Bắc Giang, Bắc Ninh đã đến từ năm 2016 tới nay, khi nhà máy chế biến sản phẩm khoai tây của CtyTNHH Thực PhẩmOrionVina đóng tại Yên Phong (Cty Orion, Bắc Ninh) đi vào hoạt động và tổ chức liên kết trồng nguyên liệu.

Ông Hoàng Tiến Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hiệp Hòa cho biết, diện tích khoai tây của huyện đang nhích dần lên từng năm và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Đến vụ đông năm 2018, tổng diện tích khoai tây đã được đẩy lên trên 400ha, trong đó trên 50% diện tích đã được ký các hợp đồng liên kiết SX và bao tiêu 100% sản phẩm với các DN (riêng diện tích liên kết với Cty Orion là hơn 80ha).

Danh Thắng (huyện Hiệp Hòa) từng có diện tích khoai tây vụ đông lên tới 200ha, sau giai đoạn tụt mạnh diện tích thì từ 2014 đến nay đã tăng vọt trở lại. Xã có gần 200ha đất 2 vụ lúa thì đến vụ đông năm nay, tổng diện tích khoai tây trên chân đất 2 lúa đã phủ tới 180ha. Trong đó, nếu như năm 2016, mới chỉ có khoảng 30ha khoai tây được ký hợp đồng liên kết SX bao tiêu sản phẩm với Cty Orion, thì đến vụ đông năm nay, xã này đã có hơn 60ha khoai tây được Cty Orion ký hợp đồng và sẽ tiếp tục tăng lên trong các năm tới.

Những ngày này, các tổ SX của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Danh Thắng tất bật chuẩn bị cho vụ xuống giống khoai tây vào đầu tháng 11. HTX gồm 35 thành viên, có nguồn vốn lưu động trên dưới 1 tỉ đồng. Với hơn 60ha khoai tây vụ đông liên kết với Cty Orion, HTX chọn ra 3 thôn có trình độ thâm canh cao là Đại Đồng I, Đại Đồng II và Danh Thượng, mỗi thôn có từ 5-7 thành viên của HTX để điều hành SX cho tổng cộng hơn 100 hộ dân tham gia liên kết. Mỗi tổ điều hành của HTX quản lí, giám sát, tổ chức SX cho diện tích khoảng 15 – 20ha ở mỗi thôn (đã được dồn điền thành cánh đồng lớn).

Từ năm 2016 đến nay, HTX đầu tư 3 tổ máy cơ giới, mỗi tổ máy trị giá trên 500 triệu đồng, chia đều cho 3 tổ nhóm SX của HTX. Đến nay, tất tần tật các khâu từ làm đất, lên luống, thu hoạch đều đã được cơ giới hóa 100%.

Khoai tây vụ đông

Thu hoạch khoai tây liên kết với Cty Orion tại xã Danh Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang) vụ Đông năm 2017

Vụ đông năm 2017, HTX cũng đã thí điểm đưa máy trồng (đặt củ) kết hợp bón phân lót, máy xới rãnh luống kết hợp bón thúc vun luống cho khoai tây. Dự kiến vụ đông năm 2018 này, khâu cơ giới trồng khoai tây gần như sẽ đạt trên 80% (các hộ dân chỉ còn phải đảm nhận một số khâu chăm sóc nhẹ như xới cỏ, phun thuốc BVTV...). Bên cạnh đó, toàn bộ vật tư, phân bón đều được phía HTX cung ứng cho xã viên (khấu trừ khi thu hoạch). Nếu như trước đây, mỗi sào khoai tây phải mất tới 4-5 công lao động thì hiện nay, với việc cơ giới hóa, công lao động gần như không đáng kể.

Theo cơ chế liên kết với Cty Orion, toàn bộ nguồn giống và quy trình kỹ thuật SX sẽ được một đơn vị thứ 3 là Viện Công nghệ sinh học (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đứng ra cung cấp cho HTX (khấu trừ vào sản phẩm khi thu hoạch). Đây là giống khoai tây Atlantic sạch bệnh, chất lượng cao được Viện Công nghệ sinh học NK và trực tiếp nhân giống nên HTX hoàn toàn yên tâm. Khi thu hoạch, phía Cty Orion sẽ hỗ trợ toàn bộ khâu vận chuyển khoai tây về nhà máy. Để minh bạch, từ vụ đông 2017, Cty Orion đã hỗ trợ riêng chi phí quản lí cho HTX, không tính chi phí này vào giá thu mua khoai tây cho nông dân.

Trình độ SX “lên tay” nhờ liên kết

Ông Đỗ Hà Giang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp – Tưới tiêu xã Danh Thắng phấn khởi cho biết, nếu như trước đây, nông dân trồng khoai tây bằng nguồn giống trôi nổi, củ to củ nhỏ, nhiều mắt, năng suất rất thấp thì hiện nay, nhờ có quy trình SX nghiêm ngặt, nguồn giống đảm bảo nên năng suất khoai tây bình quân đạt tới 120 tấn/ha, tỉ lệ khoai thương phẩm có độ đồng đều, đạt yêu cầu của Cty Orion rất cao, trên 80%.

Về cơ chế giá, phía Cty Orion ký hợp đồng thu mua với giá tối thiểu 6.700 đ/kg. Với giá này, trừ toàn bộ chi phí đầu tư, trung bình nông dân xã Danh Thắng thu lãi từ 1,5 đến 2 triệu đồng/sào, mỗi hộ bình quân ở xã Danh Thắng có từ 5-6 sào khoai tây vụ đông, gần như không mất đáng kể công lao động nhưng cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng/hộ, có hộ diện tích lớn thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ.

Khoai tây vụ đông

Diện tích khoai tây tại Bắc Giang và nhiều địa phương đang tăng trở lại nhờ các mô hình liên kết SX

Bên cạnh đó, Cty Orion cũng có cơ chế nếu giá thị trường cao hơn giá tối thiểu từ 10% trở lên, thì điều chỉnh giá thu mua theo hình thức giá tối thiểu cộng thêm 90% phần giá tăng thêm. Nhờ vậy, gần như không còn tình trạng nông dân bán ra thị trường tự do khi giá cao như trước đây. “Khoai tây năm cao giá tới 9.000-10.000 đ/kg, nhưng cũng có năm đổ đi. Năm ngoái, giá khoai tây thị trường tự do cuối vụ rớt thê thảm, chỉ còn 2.000-3.000 đ/kg, trong khi các hộ có liên kết với Cty Orion vẫn được thu mua với giá 6.700 đ/kg. Vì vậy, nông dân trong xã rất sướng. Tới đây, xu hướng các hộ tham gia vào liên kết SX với HTX và Cty Orion có thể sẽ tăng lên rất lớn nữa” – ông Đỗ Hà Giang cho biết.

Nói về kỹ thuật trồng khoai tây, ông Giang bảo: Trước đây, nông dân trồng khoai tây được chăng hay chớ, lại thường cho rơm rạ vào trồng nên củ bị nấm bệnh rất xấu do vi khuẩn, nấm mốc ở rơm rạ gây hại. Hiện nay, phía Cty Orion có hẳn một bộ quy chuẩn về khoai tây nguyên liệu, theo đó, quy trình và yêu cầu kỹ thuật đối với khoai tây thương phẩm cũng rất chặt chẽ. Đất trồng phải đạt độ tơi xốp, khử vi khuẩn, nấm bệnh. Khoai thương phẩm phải đạt đường kính trên 4,9 cm; tuyệt đối không được để vỏ chuyển màu xanh; mắt củ chỉ tối đa 1 mắt/củ; không được có nấm ghẻ, nứt nẻ, thối hỏng... Vì vậy, trình độ SX của các hộ dân theo đó cũng được nâng lên, rất chuyên nghiệp so với trước đây.

Ngày càng nhiều mô hình liên kết

Không chỉ có Hiệp Hòa, nhờ sự ra đời ngày càng nhiều mô hình liên kết giữa các DN chế biến, XK và tiêu thụ thương mại, 2-3 năm trở lại đây, diện tích khoai tây vụ đông đang tăngmạnh trở lại ở nhiều địa phương tại Bắc Giang.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết đến vụ đông năm 2017, tổng diện tích khoai tây toàn tỉnh đã đạt 3.253ha, sản lượng đạt 48.314 tấn. Trong đó, diện tích khoai tây chế biến ước đạt 800ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang, Sơn Động, Việt Yên...

Bên cạnh Hiệp Hòa, nhiều mô hình liên kết giữa DN và các HTX, các nông dân SX lớn đã xuất hiện ngày càng nhiều. Tại huyện Sơn Động, đã có mô hình diện tích khoảng 200ha khoai tây chế biến thuộc các giống Atlantic, Marabel, Solara do HTX và các nhóm hộ đứng ra thuê lại đất để SX thành vùng tập trung và có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm.