HPAI đột biến: Rủi ro không của riêng ngành gia cầm

HPAI đột biến: Rủi ro không của riêng ngành gia cầm
Từng được coi là mối đe dọa đối với gia cầm, dịch cúm gia cầm (AI) liên tục biến đổi với đặc điểm mới, gây nhiều rủi ro cho con người và động vật có vú khác.

Toàn ngành chăn nuôi lo lắng

Teguh Prajitno, Giám đốc công ty Vaksindo Satwa Nusantara của Indonesia, cho biết, từ cuối năm 2020 đến giữa năm 2023, virus cúm gia cầm độc lực cao H5N1 HPAI loại A đã lan rộng khắp toàn cầu khiến 50 triệu con chim hoang dã và gia cầm bị chết hoặc bị tiêu hủy. Kể từ đó đến nay, châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu liên tục báo cáo các ổ dịch rời rạc. Ở châu Á, một số nhánh virus cúm gia cầm A(H5N1) bao gồm 2.3.4.4b, 2.3.2.1c và các nhánh khác, có thể dẫn đến việc tái tổ hợp và sự xuất hiện của virus với các đặc điểm mới.

Virus cúm gia cầm không chỉ ảnh hưởng đến động vật hoang dã như cáo, gấu, hải cầu, mà còn ảnh hưởng đến vật nuôi đi lạc hoặc thú cưng trong nhà như chó và mèo cũng như động vật trang trại gồm dê, bò… Từ tháng 3/2024, virus cúm gia cầm H5N1 nhánh 2.3.4.4b đã lây lan sang 12 đàn bò sữa thuộc 9 bang ở Mỹ. Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp ở bò bao gồm chán ăn, sản lượng sữa giảm và chất lượng sữa biến đổi bất thường như đặc sệt hoặc đổi màu. Ông Teguh Prajitno lo ngại, virus cúm gia cầm lây lan theo con đường cơ học chứ nhiều hơn qua không khí. 

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã tìm thấy các đoạn RNA của virus H5N1 trong một số mẫu sữa tiệt trùng từ các cửa hàng. Tuy nhiên, bằng chứng này chưa đủ để chứng minh khả năng lây nhiễm hoặc nguy cơ gây hại sức khỏe cộng đồng. Tại Mỹ, 99% sản phẩm sữa được tiệt trùng hoặc xử lý ở nhiệt độ cực cao. “May mắn thay, H5N1 là virus có vỏ bọc ngoài nên xử lý bằng nhiệt hay hóa chất có thể dễ dàng tiêu diệt virus và bất hoạt nó”, Tiến sĩ Prajitno cho biết. 

Câu hỏi đặt ra, làm thế nào loại virus này có thể thích nghi và lây nhiễm sang động vật có vú? Tiến sĩ Prajitno giải thích, những đột biến có liên quan như E627K và D701N xảy ra ở polymerase basic protein 2 (PB2), một tiểu đơn vị RNA quan trọng của virus. PB2 rất quan trọng cho quá trình sao chép và nhân lên của virus, đồng thời nó ức chế một phần phản ứng miễn dịch của vật chủ bằng cách ngăn chặn quá trình tạo ra phân tử miễn dịch interferons (IFNs). 

Giải pháp ngăn chặn 

Tiến sĩ Prajitno lưu ý một xu hướng toàn cầu: kể từ báo cáo đầu tiên ở miền Đông Nam Trung Quốc vào năm 1996, virus cúm gia cầm độc lực cao (HPAIV) thuộc phân nhóm H5 từ chủng virus Goose/Guangdong/1/96 đã xâm nhập ngày càng nhiều vào các trang trại chăn nuôi gia cầm công nghiệp. Bốn đợt bùng phát lớn với các nhánh khác nhau xảy ra vào các năm 2003 (nhánh 0, 1, 2), 2006 (nhánh 2.2), 2011 (nhánh 2.3.2.1a và 2.3.2.1c), và 2014 (nhánh 2.3.4.4).

Sự biến đổi của virus tái tổ hợp H5Nx Euroasian nhánh 2.3.4.4b vào đầu những năm 2020 đã khiến loại virus này trở thành dịch bệnh đặc hữu ở một số quần thể chim hoang dã. Điều này dẫn đến sự lây lan xuyên lục địa với mức độ liên tục giữa các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi công nghiệp. 

Ngoài ra, động vật có vú có thể nhiễm virus cúm gia cầm AI H5N1 nhánh 2.3.4.4b nếu chúng ăn thịt chim, gia cầm nuôi hoặc tiếp xúc với môi trường có mầm bệnh. Tiến sĩ Prajitno giải thích, sự lây lan của virus cúm gia cầm H5N1 từ động vật có vú sang động vật có vú rất hiếm nhưng có thể xảy ra. Virus này bám chặt vào quần thể chim hoang dã, nên việc loại bỏ rất khó khăn. Tiến sĩ Prajitno cho biết, virus H5Nx nhánh 2.3.4.4b liên tục phát triển, đặc biệt là gen HA, dẫn đến nhiều chủng phân lập đa dạng về di truyền và kháng nguyên. 

Muốn giảm thiểu rủi ro virus xâm nhập, khuyếch đại và tiến hóa cũng như khả năng lây lan trở lại các loài chim hoang dã, cần phải thay đổi phương thức chăn nuôi và marketing, Tiến sĩ Prajitno nhận định. Ở những quốc gia thiếu cơ chế giám sát dịch bệnh, việc tiêm phòng cho động vật ngay tại trang trại có thể ngăn ngừa bệnh lâm sàng và giảm phát tán virus ra môi trường, nhất là khi các biện pháp an toàn sinh học chưa đủ. 

Các trang trại gia cầm quy mô công nghiệp vẫn có thể lây lan virus AI khi dịch bệnh này lây nhiễm và nhân lên ở nhiều loài động vật. Tiến sĩ Prajitno khẳng định, do đó, an toàn sinh học là then chốt trong khi tiêm chủng giúp giảm bệnh lâm sàng và sự lây lan của nhiều loại virus. 

Sự biến đổi của virus tái tổ hợp H5Nx Euroasian nhánh 2.3.4.4b vào đầu những năm 2020 đã khiến loại virus này trở thành dịch bệnh đặc hữu ở một số quần thể chim hoang dã. Điều này dẫn đến sự lây lan xuyên lục địa với mức độ liên tục giữa các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi công nghiệp.