Huyện Hoài Đức: Chú trọng phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi
Các bệnh thông thường như tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu lợn, tiêu chảy, viêm phổi… xảy ra lẻ tẻ, điều trị có hiệu quả, tỷ lệ ốm, chết thấp.
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng dịch trong chăn nuôi
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, đến nay, toàn huyện có tổng đàn trâu, bò 3.161 con; 32.704 con lợn; 420.588 con gia cầm... Do có tổng đàn vật nuôi lớn, nên huyện Hoài Đức luôn chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn phòng, chống dịch, bệnh cho gia súc, gia cầm.
Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Định cho biết, trạm thường xuyên quán triệt, phổ biến đầy đủ các văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm tới các xã, thị trấn; triển khai kịp thời các đợt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; tập huấn công tác cấp phát, bảo quản, vận chuyển, kỹ thuật tiêm phòng các loại vắc xin do thành phố hỗ trợ cho thú y cấp huyện, cấp xã, người trực tiếp đi phun vệ sinh tiêu độc, người trực tiếp đi tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi...
Cùng với đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với cơ quan chức năng tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về lĩnh vực chăn nuôi, thú y; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như cúm gia cầm, bệnh dại ở động vật, bệnh Dịch tả lợn châu Phi…; cấp phát tờ rơi và tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn vật nuôi.
Ngoài ra, mạng lưới nhân viên chăn nuôi và thú y các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các thôn, xóm, hộ chăn nuôi; kịp thời báo cáo khi phát hiện trường hợp gia súc, gia cầm nghi mắc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; tham mưu UBND các xã, thị trấn tổ chức, yêu cầu các hộ chăn nuôi, kinh doanh, sơ chế sản phẩm động vật ký cam kết “sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn” theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Qua đó, toàn huyện có 775 hộ kinh doanh, sơ chế sản phẩm động vật, 1.914 hộ chăn nuôi đã ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Trao đổi về thực hiện an toàn, vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm từ đàn vật nuôi trên địa bàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh cho hay, nhằm trang bị cho các hội viên, nông dân kiến thức về an toàn thực phẩm, hằng năm, hội thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng của huyện và thành phố tổ chức nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền về vệ sinh môi trường, phòng dịch, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, sản xuất sản phẩm trong chăn nuôi… cho hàng nghìn lượt hội viên trên địa bàn.
Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên, nông dân trong tuân thủ các điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nắm được cách phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi... Đồng thời, các hội viên, nông dân cũng tích cực tuyên truyền cho người thân, cộng đồng hiểu rõ hơn về an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi, người tiêu dùng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tập trung phòng dịch cho gia súc, gia cầm
Đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoài Đức đã tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng cho đàn trâu bò được 5.750 con, đạt 100% kế hoạch; tiêm vắc xin phòng dịch tả Nhật, tai xanh, lở mồm long móng cho đàn lợn nái, đực giống được 9.610 lượt con, đạt 100% kế hoạch (đạt 96% tổng đàn lợn nái, đực giống); tiêm phòng cúm gia cầm Navet-Fluvac 2 cho đàn gà, vịt, ngan sinh sản được 297.000 con, đạt 100% kế hoạch (đạt 99,8% tổng đàn gia cầm); tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo được 9.210 con, đạt 100% kế hoạch (đạt 87,5% tổng đàn chó, mèo).
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận thông tin, thời gian tới, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục tham mưu UBND huyện trong triển khai thực hiện các kế hoạch phòng, chống cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025; phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025; thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống dịch bệnh lở mồm, long móng gia súc giai đoạn 2021-2025; phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò giai đoạn 2022-2030; thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn huyện Hoài Đức giai đoạn 2022-2030…
Huyện Hoài Đức cũng giao các đơn vị chức năng, các xã, thị trấn tiếp tục nắm bắt, cập nhật thông tin, giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn để phát hiện sớm, báo cáo, tham mưu, phối hợp xử lý kịp thời khi có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra; thực hiện tốt công tác tiêm phòng đại trà vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2; thực hiện các đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường theo chỉ đạo của thành phố; hướng dẫn, giám sát cơ sở an toàn dịch bệnh động vật lấy mẫu kiểm tra, giám sát định kỳ và sau tiêm phòng vắc xin…
Trong các tháng cuối năm 2023, huyện Hoài Đức tiếp tục thực hiện công tác thống kê số lượng, tình hình dịch bệnh của đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; kiểm tra công tác tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường; kiểm tra điều kiện buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, hành nghề thú y trên địa bàn huyện; quản lý giết mổ, kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật và các lĩnh vực khác về chăn nuôi thú y theo quy định.