Khắc phục bệnh thương hàn trên chim cút

Khắc phục bệnh thương hàn trên chim cút
Thương hàn trên chim cút là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella gây ra. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tỷ lệ sống của chim cút.

Nguyên nhân

Ðây là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella gây ra, là bệnh phổ biến của chim cút, gà, ngan, vịt, khi mắc bệnh sẽ có hội chứng viêm ruột và tiêu chảy.

Ðặc điểm

Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Khi ăn, uống phải thức ăn hoặc nước uống có vi khuẩn, chim sẽ bị nhiễm bệnh. Bệnh cũng lây qua trứng khi chim cút mẹ bị nhiễm bệnh.

Bệnh có thể lây nhiễm quanh năm, nhưng thường xuất hiện nhiều vào các tháng có thời tiết ấm áp và ẩm ướt trong mùa xuân, đầu mùa hè và cuối mùa thu.

Chim cút có thể bị bệnh thương hàn ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh thường nặng và chết ở chim non dưới 1 năm tuổi với tỷ lệ cao (50 - 60%).

Bệnh thương hàn trên chim cút

Vi khuẩn Samonella gây bệnh thương hàn trên chim cút và nhiều loài gia cầm khác.

Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh 1 - 2 ngày, chim cút ủ rũ ít hoạt động, giảm ăn, uống nhiều nước.

Thân nhiệt tăng, thở gấp, đứng ủ rũ một chỗ.

Chim cút đi ỉa chảy, phân loãng, màu trắng, giai đoạn cuối có lẫn máu.

Bệnh làm giảm tỷ lệ trứng 10 - 30% ở chim mái đang đẻ. Trứng của cút bệnh nhọn, mềm, vỏ dính máu.

Chim cút chết sau 3 - 5 ngày.

Cút con đi phân chảy màu trắng, mắt lim dim, chân khô, lông xù, cánh xã rồi chết.

Bệnh tích

Khi mổ khám chim cút bị bệnh thương hàn thấy các dấu hiệu như: Gan sẫm màu, có lấm tấm xuất huyết trong những ngày đầu, sau hoại tử trắng như đinh ghim. Mật sưng to. Ruột tụ máu và xuất huyết. Nếu kéo dài có hoại tử viêm loét từng đám. Buồng trứng bị teo và tích máu.

Phòng bệnh

Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. Chuồng trại phải thoáng mát, khô ráo sạch sẽ, tránh gió lùa, tránh tác động mạnh. Cần có đầy đủ máng ăn, máng uống.

Hạn chế người và động vật ra vào khu chăn nuôi, dùng lưới ngăn không cho gia cầm tiếp xúc với chim hoang dã. Ðịnh kỳ phun thuốc sát trùng trong và xung quanh chuồng nuôi.

Nước uống phải sạch và được thay thường xuyên.

Không cho chim cút ăn thức ăn mốc, ôi thiu hoặc thức ăn có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang bị dịch bệnh. Không dùng thức ăn quá hạn sử dụng.

Hàng ngày vệ sinh sát trùng máng ăn, máng uống sạch sẽ.

Dọn vệ sinh sạch sẽ, sát trùng dụng cụ chăn nuôi sau mỗi đợt xuất chuồng, để trống chuồng trại 10 - 15 ngày mới nuôi tiếp đợt khác. Bổ sung Vitamin C, chất bổ trợ để tăng sức đề kháng, giảm stress và tạo miễn dịch tốt cho chim cút nuôi.

Trị bệnh

Khi chim cút bị bệnh, cần cách ly những con ốm để điều trị. Phun sát trùng, tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi; liên tục 2 - 3 lần trong tuần đầu. Tại chuồng nuôi phát hiện chim bị bệnh cần được phun thuốc sát trùng và ủ trong 5 - 7 ngày, thu gom và tiêu hủy phân, rác, chất độn chuồng. Rửa sạch chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, để khô sau đó phun thuốc sát trùng 2 lần, cách nhau 10 - 15 ngày. Tăng cường sức đề kháng cho đàn chim cút bằng cách đảm bảo chế độ dinh dưỡng và bổ sung thêm các chế phẩm sinh học có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch.

Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau để điều trị, bằng cách dùng thuốc pha với nước uống liên tục trong 3 - 5 ngày:

- Neotesol 5 g/lít nước uống (1/2 muỗng cà phê);

- Amfuridon 12 g/lít nước uống;

- Neo-Terramycin 1 g/lít nước uống;

- Chlotetrasol 5 mg/lít nước uống.

Trong quá trình điều trị, kết hợp trợ sức, trợ lực như bổ sung Vitamin B1, C, K tăng cường đề kháng cho chim cút.