Khắc phục hậu quả sau mưa lũ trong chăn nuôi
Vệ sinh khu vực chăn nuôi
– Khi nước rút, bà con nhanh chóng tiến hành thu dọn sạch bùn, đất, phân, rác thải trôi dạt; đối với rác thải là phân, chất độn chuồng, rác hữu cơ cần thực hiện xử lý bằng biện pháp sinh học hoặc đào sâu chôn chặt, đốt để hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường và các loại mầm bệnh.
– Khẩn trương thu gom và xử lý xác gia súc, gia cầm chết để hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường. Xác động vật phải được chôn kỹ ở những nơi cao ráo không bị ngập nước, trước khi chôn lấp phải tiến hành dùng vôi bột hoặc các thuốc sát trùng như Han Iodine, Chloramin B… rải lên xác chết. Hố chôn sau khi lấp cần được phun tiêu độc khử trùng trên khắp bề mặt.
– Tiến hành sửa chữa, gia cố chuồng trại chăn nuôi, hệ thống nước, hệ thống xử lý nước thải (nếu đã bị hư hỏng); Đồng thời cọ rửa toàn bộ tường xây, vách ngăn, nền chuồng, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi bằng nước sạch; khơi thông cống, rãnh thoát nước hố chứa phân, chất thải để tránh nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi.
– Dùng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng như Han – Iodine, Virkon, Chloramin B… để tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, hệ thống cống, rãnh thoát nước, hố chứa phân cũng như phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi.
Chăm sóc và nuôi dưỡng
– Thay hoặc bổ sung thêm chất độn chuồng để giữ ấm cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với gia súc bú sữa, gia cầm giai đoạn nuôi úm.
– Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi, thức ăn phải đảm bảo đầy đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng phù hợp với từng lứa tuổi của mỗi loại vật nuôi. Thức ăn không bị ẩm mốc ôi thiu, quá hạn sử dụng, nước uống phải sạch.
– Bổ sung thêm thuốc điện giải, vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… vào thức ăn cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng.
– Thực hiện tốt công tác vệ sinh, quét dọn chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi hàng ngày, thu dọn chất thải đưa vào hố ủ để xử lý.
– Dùng thuốc kháng sinh để phòng các bệnh nhiễm khuẩn có nguy cơ cao như tiêu chảy, phân trắng, bạch lỵ, thương hàn… và chủ động dùng vaccine để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
– Định kỳ phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi để hạn chế các loại mầm bệnh.
Phòng và trị bệnh
– Đối với trâu, bò: Tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, nhất là những vùng có tiền sử bệnh để tạo vành đai an toàn dịch bệnh.
– Đối với heo: Tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn và lở mồm long móng, Leptospira…
– Đối với gia cầm: Tiêm phòng bệnh Newcastle, đậu, tụ huyết trùng, Gumboro, cúm H5N1, H5N9…
– Đối với thủy cầm: Tiêm dịch tả vịt, tụ huyết trùng, cúm H5N1, H5N9…
Lưu ý: Các loại vaccine khi tiêm phải đúng và đủ theo hướng dẫn của bác sĩ thú y nhằm chủ động trong công tác phòng, chống khi dịch bệnh xảy ra và phát hiện sớm các loại dịch bệnh phát sinh.