Kháng sinh cần phải được thay thế
Xu hướng hiện tại và tương lai
Thực tế toàn cầu hiện nay là nhiều loại thuốc kháng sinh cho người vẫn được sử dụng trong chăn nuôi nhằm điều trị bệnh đã được chẩn đoán, ngăn ngừa dịch bệnh và thúc đẩy tăng trưởng. Những mục đích sử dụng kháng sinh như vậy thay đổi tùy theo đối tượng nuôi và quy định của mỗi quốc gia.
Cuối năm 2020, một nhóm nhà khoa học đã công bố những báo cáo về xu hướng sử dụng kháng sinh trong hiện tại và tương lai. Nhóm chuyên gia gồm TS. Thomas Van Boeckel, người nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại Học viện Chính sách môi trường EHT Zurich, Thụy Sĩ và Trung tâm Nghiên cứu biến động dịch bệnh, kinh tế và chính sách (CDDEP) tại Ấn Độ, cùng với các đồng nghiệp từ Đại học Libre de Bruxelles và Quỹ quốc gia khoa học tại Bỉ, Tổ chức Nông Lương liên hợp quốc (FAO).
Nhóm chuyên gia đã thu thập dữ liệu về doanh thu thuốc kháng sinh trong ngành chăn nuôi gia cầm, gia súc và heo tại 41 quốc gia, sau đó dự kiến lượng tiêu thụ kháng sinh toàn cầu đến năm 2030. Theo ước tính, doanh thu thuốc kháng sinh đang tăng ở mọi lục địa, đạt mức 11,5% giai đoạn 2017 - 2030. Tuy nhiên, con số này thấp hơn so ước tính trước đây vì sử dụng kháng sinh tại nhiều quốc gia đã giảm đáng kể, đặc biệt ở Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hầu hết các loại thuốc kháng sinh chăn nuôi.
Cũng theo các chuyên gia, nút thắt trong quản lý sử dụng kháng sinh trên toàn cầu hiện nay là thiếu hụt dữ liệu quốc gia bởi không phải tất cả các nước đều sẵn sàng chia sẻ dữ liệu hoặc có khả năng chia sẻ dữ liệu về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Nhiệm vụ trước mắt là hỗ trợ các quốc gia theo dõi sử dụng kháng sinh và chia sẻ thông tin. Van Boeckel đồng tình rằng, vấn đề kháng sinh trong chăn nuôi đang ngày càng nghiêm trọng và các nước phát triển nên tài trợ các nước đang phát triển thực hiện nhiệm vụ nói trên.
Ba kịch bản
Tháng 3/2021, các nhà khoa học tại Đại học Johns Hoplins và Đại học American, Mỹ đã công bố nghiên cứu về giải pháp giảm sử dụng kháng sinh, từ đó giảm tình trạng kháng thuốc AMR trên phạm vi toàn cầu. Họ đã sử dụng mô hình sản xuất và thương mại mới trong ngành chăn nuôi toàn cầu tại 18 quốc gia và khu vực mở rộng trên thế giới để tìm ra mức độ kết nối giữa các quốc gia và thực trạng sử dụng kháng sinh trong ngành chăn nuôi.
Ba kịch bản giảm sử dụng kháng sinh và ngăn chặn AMR trên toàn cầu đã được đưa ra:
- Tăng phí sử dụng kháng sinh trên toàn cầu;
- Cấm tất cả quốc gia nhập khẩu thịt từ Brazil;
- Giảm tiêu thụ thịt tại Trung Quốc.
Trong kịch bản đầu tiên, các chuyên gia nhận thấy, chi phí sử dụng kháng sinh sẽ khiến giá bán thuốc tăng 50% trên toàn cầu, từ đó làm giảm 33% lượng sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, giải pháp này không thu hút sự tham gia của các nước đang phát triển và quốc gia mới nổi bởi sản phẩm thịt mà họ làm ra sẽ kém cạnh tranh hơn các nước phát triển. Kịch bản thứ 2 là cấm nhập khẩu thịt từ Brazil trên phạm vi toàn cầu chỉ khiến các nước từng mua hàng của Brazil chuyển sang những nguồn cung khác như Mỹ. Và kịch bản cuối cùng là giảm lượng tiêu thụ thịt ở Trung Quốc sẽ không tác động đến lượng kháng sinh sử dụng trên toàn cầu, trái lại còn làm tăng sử dụng kháng sinh của Trung Quốc 11%.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, thương mại là một yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu chính sách liên quan đến sử dụng kháng sinh. Và hợp tác toàn cầu là yếu tố cần thiết để gắn kết các quốc gia trong một nỗ lực chung về giảm thiểu kháng sinh và ngăn chặn AMR.
Tiếp cận đa chiều
Theo một phân tích khác vào năm 2020, các chuyên gia tại Bệnh viện trẻ em Lurie Mỹ, Đại học Northwestern, Tổ chức Nghiên cứu lợi ích cộng đồng và Bộ ngoại giao Mỹ đã chỉ ra những hạn chế của các quy định hiện hành về sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và đưa ra những cơ hội để khắc phục. Các chuyên gia đều ghi nhận nhiều chiến lược quản lý đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia, bao gồm các lệnh cấm sử dụng thuốc để phòng bệnh, chuẩn hóa việc sử dụng kháng sinh và thiết lập các mục tiêu giảm thiểu kháng sinh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức lớn trong việc giám sát thực thi các chính sách này để ngăn chặn lạm dụng kháng sinh trong sản xuất thực phẩm.
Ngoài ra, theo các chuyên gia này, người tiêu dùng là lực lượng quan trọng để trấn áp việc sử dụng kháng sinh thông qua việc gây áp lực lên các cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, nhà cung cấp và người chăn nuôi. Việc dán nhãn sản phẩm cũng quan trọng để cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn đúng đắn. Van Boeckel bổ sung thêm, từ năm 2017 ông và nhóm đồng nghiệp đã đề nghị đánh thuế thuốc kháng sinh chăn nuôi và lập quỹ hỗ trợ các trại nuôi nâng cao an toàn sinh học.
Nâng cao vệ sinh trang trại chắc chắn là bước quan trọng để giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nhưng có rất nhiều bước tiếp cận và quản lý để đạt mục tiêu an toàn sinh học này, theo Van Boeckel. Các giải pháp có thể kể đến như chương trình y tế dự phòng nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh, cải thiện các điều kiện môi trường chăn nuôi để ngăn chặn hoặc giảm stress và loại trừ tận gốc các dịch bệnh trong chăn nuôi. Ngoài ra còn có các ý tưởng về tối ưu hóa dinh dưỡng chăn nuôi để tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên cho động vật và nhân giống các dòng kháng bệnh, phát triển giải pháp thay thế kháng sinh bằng thảo dược.
Theo dõi mức độ sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là một bước quan trọng để ước tính lượng thuốc sử dụng trong tương lai. Đồng thời giúp thúc đẩy nỗ lực quản lý cũng như thay đổi về cách sử dụng kháng sinh để giảm thiểu tình trạng kháng thuốc.