Khơi thông nguồn vốn hỗ trợ tam nông
Điểm tựa vững chắc
Phó Giám đốc Tài chính kinh doanh thực phẩm Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Thị Hoài Phương cho biết: "Khi đầu tư sản xuất, doanh nghiệp chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn. Song, nhờ nguồn vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Chương Mỹ (thời điểm đầu là 2 tỷ đồng, nay lên mức 15 tỷ đồng), công ty tập trung xây dựng chuồng trại, ứng dụng công nghệ vào sản xuất trứng sạch".
Tương tự, ông Đỗ Xuân Nhung (xã Kim Quan, huyện Thạch Thất) có hơn 10,2ha trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thương phẩm, trồng cây ăn quả... Trung bình mỗi năm, trang trại cung cấp cho thị trường 250 tấn thịt lợn thương phẩm và hàng trăm tấn hoa quả: Thanh long, nhãn, bưởi... "Từ nguồn vốn vay 7,5 tỷ đồng tại Chi nhánh Ngân hàng Agribank huyện Thạch Thất, trang trại đã đầu tư cây/con giống. Năm 2021, khi xảy ra dịch Covid-19, trang trại được ngân hàng giảm lãi suất 10% đối với khoản vay cũ. Đây là một trong những chính sách kịp thời của ngân hàng hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, phát triển kinh tế…", ông Nhung chia sẻ.
Nói về hiệu quả nguồn vốn tín dụng hỗ trợ nông dân trên địa bàn, theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Quan (huyện Thạch Thất) Cấn Văn Trung, dư nợ của Agribank thông qua Hội Nông dân xã là 162 tỷ đồng. Sự hỗ trợ kịp thời của các ngân hàng, đặc biệt là Agribank - điểm tựa vững chắc đã giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm giàu, qua đó có điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương…
Trưởng ban Tín dụng Agribank Việt Nam Phạm Tiến Trình cho biết, đến nay, tỷ trọng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 70% nguồn vốn của ngân hàng. Nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả, tạo nguồn lực hình thành hàng nghìn mô hình kinh tế tiềm năng, hiệu quả, trong đó có nhiều mô hình cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo...
Kịp thời tháo gỡ khó khăn
Hiệu quả từ nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã rõ, song thực tế, có lúc, có nơi, việc tiếp cận nguồn vốn này còn gặp khó khăn do các hộ nông dân, hợp tác xã chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn như phương án sản xuất, kinh doanh chưa mang tính khả thi...
Theo Phó Giám đốc Công ty Tân Thành Long (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) Nguyễn Thị Vân, các ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, đặc biệt là dịp cuối năm để người dân và doanh nghiệp nhập hàng chuẩn bị cho các đơn hàng đầu năm sau. Cùng với đó, cần hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục vay vốn ngân hàng, xây dựng phương án kinh doanh khả thi…
Ở góc độ ngân hàng, Giám đốc Chi nhánh Agribank huyện Chương Mỹ Nguyễn Đăng Kỳ thông tin, thời gian tới, Agribank Chương Mỹ tiếp tục làm tốt việc huy động vốn đầu tư tín dụng phục vụ tam nông, tiên phong triển khai, thực hiện các chính sách tiền tệ, tín dụng của Đảng và Nhà nước; tích cực cùng ngành Ngân hàng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân trong việc vay vốn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, Agribank cần đẩy nhanh tiến độ ký kết chương trình cho vay vốn qua tổ nhóm tới 100% huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, qua đó, bảo đảm nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được cung ứng kịp thời, đạt hiệu quả cao nhất.
Để nông dân có điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, các cấp, ngành cần tạo điều kiện cho khách hàng có cơ sở thế chấp khoản vay, bảo đảm đầu tư đủ vốn cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ về lãi suất đối với các tổ chức tín dụng khi áp dụng lãi suất ưu đãi khi khách hàng vay vốn đầu tư vào nông nghiệp.
Có thể thấy, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng đã giúp nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp khai thác tối đa cơ hội, thuận lợi hơn trong phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh; bảo đảm tiến độ và chất lượng sản phẩm cho các đơn hàng. Chính vì thế, các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp mong muốn các tổ chức tín dụng có thêm những gói chính sách ưu đãi về lãi suất, tiếp tục có chính sách hỗ trợ kịp thời, gỡ khó cho sản xuất, kinh doanh...