Khuyến khích cơ sở chăn nuôi kiểm kê khí nhà kính
Chưa bắt buộc kiểm kê
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, bổ sung ngành chăn nuôi (heo, bò) vào danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.
Theo Dự thảo này, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con heo thường xuyên, hoặc trên 1.000 con bò sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hơn 4.000 trang trại chăn nuôi heo và bò phải thực hiện công việc này, gây tốn kém một khoản chi phí rất lớn, chỉ tính riêng thực hiện kiểm kê khí nhà kính, mỗi trang trại phải bỏ ra từ 100 – 150 triệu đồng/năm.
Năm 2022, chăn nuôi heo chiếm gần 45% tổng lượng chất thải thuộc lĩnh vực chăn nuôi.
Đáng chú ý, hiện nay hầu hết trang trại ở nước ta chưa thể thực hiện tự kiểm kê vì quy trình quá phức tạp. Chưa kể đến việc các doanh nghiệp, trang trại sau khi kiểm kê còn phải thực hiện giảm phát thải theo hạn ngạch được giao. Nếu không đạt sẽ bị xử lý vi phạm hoặc phải mua tín chỉ carbon bù vào. Điều này đồng nghĩa sẽ làm tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã yêu cầu các trang trại chăn nuôi phải kiểm kê khí nhà kính, tuy nhiên lộ trình từ lúc yêu cầu đến khi bắt buộc thực hiện là 5 năm.
Sau hàng loạt các văn bản kiến nghị, đề xuất của các hiệp hội ngành hàng chăn nuôi, lĩnh vực này tạm thời chưa đưa vào danh mục bắt buộc kiểm kê khí nhà kính. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, đây là quyết định phù hợp, giúp cho các đơn vị chăn nuôi có thêm động lực phát triển. Bởi thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ do giá heo hơi cũng như rất nhiều sản phẩm chăn nuôi khác gặp khó về đầu ra.
Cần có lộ trình cụ thể
Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Minh, Cố vấn mảng Farm tại Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF, kiến nghị các Bộ, ngành liên quan nên có những phần chính sách cũng như hướng dẫn, tuyên truyền cụ thể để doanh nghiệp, các trang trại tư nhân hiểu và áp dụng, đồng thời cũng nên có lộ trình cụ thể để thực hiện.
Hiện nay, một số trang trại chăn nuôi bò sữa, trại giống heo của các công ty, tập đoàn lớn như Xuân Thiện, Dabaco, Deheus,… đã có đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật tốt thực hiện được kỹ thuật kiểm kê và áp dụng nghiêm quy trình giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, để áp dụng trên diện rộng, theo nhiều doanh nghiệp, cột mốc từ năm 2030 sẽ phù hợp để bắt buộc thực hiện nhiệm vụ này.
Việc chưa đưa vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính không có nghĩa là ngành chăn nuôi đứng ngoài cuộc giảm phát thải. Sau cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã có văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, bao gồm Luật Chăn nuôi và các nghị định, thông tư. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, Đề án “Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi” là một trong 5 đề án trọng tâm của chiến lược. Đề án đòi hỏi các địa phương tập trung triển khai thực hiện và mở ra hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn đảm bảo hiệu quả, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp, nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ trong phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, trước mắt, các doanh nghiệp lớn sẽ tiến hành thí điểm kiểm kê khí nhà kính. Sau đó, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức họp để rút kinh nghiệm, làm cơ sở để mở rộng triển khai kiểm kê khí thải sau này.
Một số quốc gia trên thế giới đã và đang phát triển các dự án carbon cho lĩnh vực chăn nuôi, đơn cử như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan đã phát triển và đăng ký thành công các dự án tín chỉ carbon cho cơ sở chăn nuôi. Đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển dự án giảm phát thải, tăng nguồn thu cho doanh nghiệp và hướng đến phát triển bền vững, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.
Giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozone không chỉ là con đường của Việt Nam mà là mục tiêu toàn cầu. Chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung không thể đảo ngược xu thế đó. Tuy nhiên, vẫn cần một lộ trình thích hợp để các cơ sở chăn nuôi từng bước phát triển bền vững và đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.
Báo cáo kiểm kê quốc gia khí nhà kính gần đây cho thấy, phát thải từ ngành chăn nuôi đang có xu hướng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2016, phát thải khí nhà kính từ ngành chăn nuôi là 18,5 triệu tấn CO2 tương đương, năm 2018 đã tăng lên mức 22,2 triệu tấn, năm 2020 con số phát thải đã lên tới hơn 30,84 triệu tấn.