Kịch bản thị trường hàng hóa theo khủng hoảng Ukraine

Kịch bản thị trường hàng hóa theo khủng hoảng Ukraine

Do nguồn cung vốn hạn hẹp, nếu có xung đột ở Ukraine, giá cả nhiên, nguyên liệu toàn cầu sẽ ồ ạt tăng.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nga chưa có bất cứ động thái rút lực lượng nào khỏi khu vực gần biên giới Ukraine, trong khi Mỹ và các đồng minh NATO liên tục tăng sức ép và tung ra những lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt "nặng nề chưa từng thấy" nhắm vào Moskva.

"Nếu người Nga tràn qua biên giới Ukraine, thị trường sẽ hoang mang", Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets, nhận định. Trường hợp có xung đột quân sự, tác động lớn nhất trước tiên sẽ được phản ánh lên thị trường khí đốt châu Âu. Tuy nhiên, ảnh hưởng có thể còn lan rộng hơn thế.

Nga có tầm quan trọng lớn với thị trường hàng hóa nguyên liệu toàn cầu. Đây là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất và xuất khẩu dầu lớn nhì thế giới. Họ cũng cung cấp gần một phần mười nhôm và đồng trên toàn cầu, đồng thời sản xuất 43% palađi - thành phần quan trọng của bộ chuyển đổi xúc tác trên ôtô. Nga cũng là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất.

Trong tình huống xấu nhất, dòng chảy của những nguyên liệu thô quan trọng này sẽ bị cắt đứt khi căng thẳng leo thang. Hàng hóa xuất khẩu của Nga, hoặc cơ sở hạ tầng thanh toán cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho họ, sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngoài ra, bản thân Nga cũng có thể quyết định ngừng xuất khẩu một số mặt hàng - đặc biệt là khí đốt - nhằm gây áp lực lên các đối thủ của mình.

Gần đây, lo ngại về nguy cơ gián đoạn đã đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Hôm 26/1, giá dầu Brent đã tăng lên trên 90 USD mỗi thùng - mức cao nhất trong 7 năm. Giá khí đốt tự nhiên tiêu chuẩn của châu Âu đứng ở mức 90 euro mỗi megawatt giờ, so với khoảng 70 euro vào đầu năm. Giá đồng cũng đang dao động ở mức đỉnh trong nhiều năm.

Thị trường hàng hóa toàn cầu vốn bị thắt chặt, nên hiện rất nhạy cảm với các nguy cơ xung đột quân sự. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, cả sản xuất công nghiệp toàn cầu và giá cả hàng hóa đều lao dốc.

Nhưng hiện tại, đại dịch khiến sản lượng chế tạo và giá nguyên vật liệu cùng tăng. Nhu cầu bất ngờ tăng mạnh và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã kéo giá hàng hóa tăng 20% năm ngoái theo chỉ số Bloomberg Commodities Index. Giá của hàng chục nguyên liệu trong rổ chỉ số này, từ coban đến than, thậm chí còn tăng cao hơn.

Nhu cầu dầu cũng đang quay trở lại mức trước đại dịch, ngay cả khi nguồn cung tăng chậm. Nhiều thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang phải vật lộn để tăng sản lượng, vì tình trạng thiếu đầu tư và các vấn đề phức tạp liên quan đến dầu mỏ.

Các công ty dầu đá phiến của Mỹ thì phải tuân thủ các quy định về vốn, tập trung vào lợi nhuận của nhà đầu tư hơn là đổ thêm tiền vào khai thác. Kết quả là năng lực sản xuất dầu toàn cầu đang giảm xuống mức thấp. Năng lực dự phòng với nhiều kim loại khác cũng bị hạn chế.

Nếu đụng độ nổ ra, giá dầu có thể tăng lên 120 USD mỗi thùng, theo Natasha Kaneva, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của ngân hàng JPMorgan Chase. Ross Strachan, Trưởng bộ phận phân tích của công ty tư vấn CRU, cho rằng giá nhôm cũng có thể tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.

Thế giới từng chứng kiến tác động của căng thẳng địa chính trị đối với giá cả hàng hóa. Năm 2018, giá nhôm tăng vọt khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt lên Rusal - nhà sản xuất nhôm lớn nhất của Nga.

Tổng cộng, Nga và Ukraine xuất khẩu khoảng 29% lúa mì của thế giới. Phần lớn hoạt động canh tác của Ukraine diễn ra ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi chiến sự. Carlos Mera, Trưởng bộ phận thị trường hàng hóa của Rabobank (Hà Lan), cho biết nếu thị trường thiếu hụt lượng cung này, giá sẽ có thể dễ dàng tăng gấp đôi. Điều đó sẽ gây ra một cuộc cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung cấp, đặc biệt là giữa các nước nhập khẩu lớn ở Bắc Phi và Trung Đông.

Geordie Wilkes, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại hãng môi giới Sucden Financial, cho biết dự trữ ngũ cốc giảm ở Mỹ và châu Âu, cùng thời tiết xấu ở Nam Mỹ có thể khiến nguồn cung còn thiếu hụt hơn nữa.

Ngoài ra, Nga còn là nước sản xuất lớn urê và kali. Đây là những nguyên liệu quan trọng để làm phân bón. Lệnh cấm vận xuất khẩu sẽ khiến giá ngũ cốc tăng thêm.

Giới phân tích cho rằng kể cả khi Nga không bị áp trừng phạt, chừng nào căng thẳng vẫn ở mức cao, giá năng lượng tăng vẫn sẽ tác động đến các thị trường khác. Nguồn điện đắt đỏ đã khiến một số nhà máy luyện nhôm ở châu Âu phải đóng cửa. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến sản xuất phân bón, do khí đốt được sử dụng làm nguyên liệu thô và nhiên liệu, từ đó cản trở mùa trồng trọt tiếp theo.

Ngược lại, nếu những căng thẳng trên được giải quyết hoàn toàn, thị trường hàng hóa sẽ hạ nhiệt. Saad Rahim, kinh tế trưởng của công ty thương mại Trafigura, nói rằng nhờ có mùa đông ấm áp ở châu Âu, rất nhiều khó khăn đã được giải quyết, mặc dù giá cả vẫn ở mức rất cao.

Tuy nhiên, do nguồn cung hạn hẹp, kịch bản địa chính trị có tốt đẹp cũng chỉ giúp giá giảm được một chút. Bà Kaneva cho rằng nếu hòa bình chiếm ưu thế, giá dầu sẽ giảm xuống còn 84 USD mỗi thùng. Nhưng nếu chiến tranh nổ ra, "mọi thứ sẽ tăng lên một cách ồ ạt".