Kỹ thuật chăm sóc gia cầm trong mùa lạnh
Điều tiết thân nhiệt ở gia cầm hạn chế nhiều so với gia súc, vì vậy nhiệt độ môi trường và tiểu khí hậu chuồng nuôi là yếu tố quan trọng trong chăn nuôi gia cầm. Do đó, người chăn nuôi cần áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh.
Chuồng trại
Đối với gia cầm non: Để tập trung nguồn nhiệt, tránh gió lùa, trong thời gian úm nên sử dụng các tấm cót quây với chiều cao 50 cm, thường quây hình tròn hoặc hình ê-líp để nguồn nhiệt tỏa đều trong quây. Mỗi quây có đường kính 5 m nuôi úm 400-500 con. Chất độn chuồng nên đổ dày đều 5 - 7 cm để giữ ấm cho gia cầm. Từ ngày thứ 5 tăng diện tích quây để gà có thể di chuyển dễ dàng đến máng ăn, máng uống. Gia cầm non cần được đưa vào khu vực nuôi úm ngay sau khi xuống chuồng, phân bổ số lượng gia cầm đồng đều vào các quây úm.
Gia cầm lớn: Cần tiến hành giữ ấm cho đàn vật nuôi bằng cách che chắn chuồng trại tránh gió lùa (đặc biệt là hướng tây bắc) và nước mưa hắt trực tiếp vào chuồng nuôi. Thường xuyên bổ sung, thay mới chất độn chuồng để giữ ấm cho đàn vật nuôi, hạn chế tối đa việc sử dụng nước để rửa chuồng (đặc biệt chuồng gia súc, gia cầm non).
Vào mùa lạnh, việc sử dụng các biện pháp sưởi ấm là cần thiết, nên dùng bóng điện, bóng hồng ngoại ở những nơi có điện hoặc đèn thắp sáng. Vị trí đặt thiết bị sưởi ấm trong quây hay trong ô chuồng cao hay thấp tùy thuộc vào yêu cầu về nhiệt độ ở từng giai đoạn. Chú ý khi dùng bóng hồng ngoại để sưởi ấm, nếu để bóng thấp, nhiệt độ quây úm cao , tốc độ bay hơi nước nhanh gà dễ bị ngạt, niêm mạc của gia cầm bị khô. Ngoài ra, người nuôi cũng có thể đốt củi, trấu, rơm rạ, nguồn nguyên liệu tận dụng có sẵn. Tuy nhiên, với những vật liệu này, cần chú ý tránh ngạt cho gia cầm, có ống thoát khói cao.
Trong quá trình úm phải quan sát phản ứng của gia cầm đối với nhiệt độ để có những điều chỉnh phù hợp: Nếu gia cầm tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ gia cầm bị lạnh; Nếu gia cầm tản xa nguồn nhiệt nháo nhác, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải giảm nhiệt độ; Nếu gia cầm tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm cần phải che kín hướng gió thổi; Khi đủ nhiệt gia cầm vận động ăn uống bình thường ngủ, nghỉ tản đều. Vào những ngày mưa, ẩm độ không khí tăng cao trên 90% nên tiến hành dùng quạt để thông gió, tạo thông thoáng cho chuồng nuôi. Chuồng trại nên ngăn ra nhiều ô nhỏ sẽ thuận tiện cho việc làm ấm, tránh để chung 1 chuồng lớn khó sưởi ấm cho gà, vịt…
Kinh Nghiệm
Nên bổ xung men xử lý phân vào chất độn chuồng, nền chuồng sẽ tăng 2-3 độ C do quá trình lên men của vi sinh vật và giữ ấm cho nền chuồng.
Khi thời tiết lạnh có thể dùng thêm 1 đến 2 lượt bạt, treo cách nhau 20 - 25 cm để hạn chế thất thoát nhiệt trong chuồng, lưu ý không được che kín phía trên nóc chuồng làm thiếu oxy và gây ngạt cho gia cầm.
Chăm sóc, nuôi dưỡng
Cung cấp cho vật nuôi khẩu phần ăn đầy đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng (theo từng loại, từng giai đoạn phát triển). Có kế hoạch dự trữ và sử dụng nguồn thức ăn chăn nuôi. Thức ăn không ôi thiu hoặc mốc, cần sử dụng và bảo quản tốt nguồn thức ăn dự trữ. Điều rất quan trọng khi thay đổi thức ăn cho đàn vật nuôi không được thay đổi đột ngột mà thay đổi từ từ (để gia cầm làm quen với thức ăn mới) giúp gia cầm tránh được các yếu tố gây stress.
Cho gia cầm uống nước sạch, nếu trong ngày nhiệt độ xuống thấp cần cung cấp nước ấm để gia cầm uống. Cùng đó, bổ sung thuốc bổ trợ sức như: chất điện giải, vitamin để nâng cao sức đề kháng.
Kinh nghiệm: Để nước được sưởi ấm trong mùa đông chúng ta cần dùng 1 ống nước bằng kim loại dài khoảng 5-10m chôn sâu dưới lòng đất để dẫn nước từ bồn chứa vào máng uống, nhiệt lượng tỏa ra từ lòng đất sẽ làm nước ấm lên phù hợp với nhu cầu của gia cầm.
Hình minh hoạ.
Phòng bệnh
Tiêm phòng vaccine là một biện pháp phòng bệnh chủ động, tích cực nhất mang lại hiệu quả cao cho vật nuôi chống lại dịch bệnh và có chi phí thấp nhất so với chi phí thuốc để trị một con vật mắc bệnh.
Tiêm phòng vaccine dịch tả vịt đối với vịt, nhỏ mắt vaccine Lasota (bệnh Newcastle) đối với gà lần đầu lúc 7 ngày tuổi, lần 2 lúc 21 ngày tuổi.
Tiêm phòng vaccine bệnh cúm gia cầm (H5N1) cho cả gà và vịt lần đầu lúc 15 ngày tuổi, lần 2 lúc 45 ngày tuổi.
Kinh nghiệm: Trong giai đoạn hiện nay rất nhiều đàn gia cầm đã làm vaccine nhưng vẫn nổ dịch bệnh gây tổn thất kinh tế lớn cho người chăn nuôi mà nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch covid19, quá trình vận chuyển vaccine từ nước ngoài về có nhiều hạn chế nên việc bảo quản vaccin gặp nhiều khó khăn làm suy giảm chất lượng, vì vậy người chăn nuôi cần chọn cơ sở cung cấp vaccine tin cậy, với quy mô đàn lớn cần lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra mức độ bảo hộ của vaccine, từ đó có quy trình phòng bệnh phù hợp.
Hạn chế tối đa việc ra, vào khu vực chăn nuôi; phải có hố sát trùng ở cổng ra vào khu vực chăn nuôi.Vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi hàng ngày. Đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải; máng ăn, uống sạch sẽ, không có thức ăn thừa, ôi, thiu.Thường xuyên sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, 2 - 3 lần/tuần; đây là biện pháp tích cực nhằm tiêu diệt và làm giảm mật độ mầm bệnh có sẵn trong môi trường, làm cho mầm bệnh không thể gây bệnh cho vật nuôi. Có thể sử dụng những hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại, vật dụng chăn nuôi như: Bioxide, Chloramin, Virkon, Formol… Định kỳ phun thuốc để diệt ve, muỗi, bọ mạt… là những tác nhân truyền bệnh và gây bệnh.
Không nên nuôi gia cầm, thủy cầm chung với gia súc. Không nuôi xen vật nuôi nhiều lứa tuổi trong cùng khu vực nuôi.
Cách ly trước khi nhập đàn đối với vật nuôi mới, sau 2 tuần nếu vật nuôi khỏe mạnh mới cho nhập đàn. Chuồng trại phải được vệ sinh, sát trùng và để trống ít nhất hai tuần trước khi thả nuôi đợt mới.
Thường xuyên kiểm tra, thăm khám sức khỏe gia cầm. Khi phát hiện vật nuôi có biểu hiện không bình thường (bỏ ăn, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, thích nằm, biểu hiện mệt mỏi...) cần tách con vật nhốt riêng để theo dõi. Cần giữ ấm cho con vật, có chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc riêng và điều trị thích hợp. Sau khi con vật trở lại bình thường mới cho con vật nhập đàn trở lại. Trường hợp vật nuôi có triệu chứng nặng lên cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.