Kỹ thuật nuôi ngựa sinh sản
Nuôi ngựa sinh sản đang là hướng đi mới mang lại nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế cho người dân ở các vùng núi nhờ tận dụng được nguồn thức ăn, chi phí nuôi ít tốn kém.
Chuồng nuôi
Cần thiết kế 2 mái để tránh nước mưa hắt vào và tạo sự thông thoáng cho ngựa. Thiết kế cửa sổ cách nền chuồng 1,5 - 1,8 m. Nền chuồng nuôi nên lát bằng gạch để có thể bảo vệ móng ngựa. Chuồng nuôi cần có độ dốc và rãnh thoát nước để thuận tiện cho việc vệ sinh. Bên cạnh tàu cỏ, cần có máng uống cho ngựa. Máng uống nước nên để cao khoảng 1 m. Đảm bảo mật độ ngựa trong chuồng ở mức vừa phải. Với ngựa sau khi cai sữa 6 - 12 tháng, mật độ nuôi trung bình 1,5 - 2 m²/con. Với những con ngựa trên 1 năm tuổi, mật độ nuôi trung bình 5 - 6 m²/con. Ngựa mang thai hay ngựa mẹ đang nuôi con cần nhốt trong chuồng riêng.
Chọn giống
Nên chọn ngựa bạch F1 có bố và mẹ khỏe mạnh, khả năng sinh sản tốt. Ngựa giống cần có ngoại hình cân đối, màu lông đồng nhất, không bị dị tật, móng tròn, bộ phận sinh dục bình thường. Khi ngựa đạt khoảng 6 tháng tuổi là thời gian chọn ngựa giống tốt nhất.
Xác định thời điểm phối giống
Theo dõi được ngựa cái động dục (tính là ngày thứ nhất) sẽ cho ngựa cái phối giống từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 từ khi chịu đực, hoặc phối giống ngày 4 - 7 từ khi chịu đực.
Trạm truyền giống tạo ngựa lai phải có giá khống chế ngựa cái và giá chờ của ngựa đực. Chỉ cho ngựa đực lên phối giống ngựa cái khi dương vật đã đủ độ cương và phải được vệ sinh sạch sẽ. Có người hướng dẫn hỗ trợ cho phối giống, sau phối giống lần cuối cùng phải ghi chép ngày phối, dự kiến ngày đẻ để giúp cho việc đỡ đẻ, lên khẩu phần ăn cho phù hợp trong thời gian ngựa mang thai.
Chăm sóc ngựa mang thai
Ngựa chửa: Ngựa chửa nên nhốt mỗi ngựa một ô chuồng, diện tích 4,5 - 5 m2 cho 1 ngựa, nền chuồng lát gỗ hoặc lát gạch, được dọn phân sạch sẽ. Tắm cho ngựa trong những ngày nắng ấm, chải lông cho ngựa trong những ngày trời giá, lạnh. Chuồng ngựa cần được che chắn rét trong mùa đông. Cho ngựa mẹ ăn 1 - 1,5 kg/ngày (nguồn thức ăn tinh là ngô, cám, thóc…) lượng thức ăn thô cần bằng 12 -15% khối lượng cơ thể, ngựa chăn thả 4 giờ trong ngày có thể thu nhặt được 35 - 40% nhu cầu thức ăn thô còn lại phải được bổ sung cho đủ và cho ăn làm nhiều bữa, ngựa chửa cần được ăn thêm bữa buổi tối. Ngựa nuôi sinh sản kiêm làm việc cần được nghỉ làm việc trước 20 ngày đẻ và sau đẻ 1 tháng. Trong thời gian chửa, lượng hàng thồ < 30% khối lượng cơ thể.
Ngựa đẻ: Kiểm tra dự đoán ngày đẻ bằng theo dõi đặc điểm lâm sàng như hai bầu vú căng, núm vú vểnh ra 2 bên, vắt có sữa non trắng, sút hông, âm hộ sệ, thường xuyên cong đuôi, đái dắt. Chuồng ngựa có rác độn, chắn xung quanh không để ngựa con ra ngoài. Ngựa thường đẻ vào đêm lúc 8 - 10 giờ đêm và 3 - 4 giờ sáng. Tư thế ngựa đẻ nằm và nhổm mông lên; khi thai ra, ngựa mẹ đứng dậy liếm con.
Trong khi trực đỡ đẻ cần chú ý nhau ra, sau đẻ 1 - 2 giờ, ngựa ít sát nhau hơn các gia súc khác. Ngựa con sinh ra phải được thắt cuống rốn bằng chỉ chắc, sau cắt để cuống rốn dài 1,5 - 2 cm, chấm sát trùng bằng cồn iodine. Lau cho ngựa con khô, cho con bú. Những ngựa đẻ lứa đầu thường chưa chịu cho con bú phải nên khống chế mẹ tập cho con bú.
Chăm sóc ngựa con
Ngựa con rất hiếu động, chạy nhảy nhiều nên phải có toang chắn trong ô chơi ít nhất 10 ngày, thời gian này, ngựa mẹ được chăm sóc tại chuồng và sân chơi, đặc biệt chu kỳ động dục sau đẻ của ngựa mẹ phải khống chế ngựa con khi phối giống cho ngựa mẹ.
Ngựa con lúc 35 ngày tuổi đã liếm thức ăn tinh và cỏ từ bãi chăn. Ngựa con cần được bổ sung thức ăn tinh từ lúc ngựa 40 ngày tuổi, lượng thức ăn cho ăn tăng dần từ 0,1 kg ngày đầu bổ sung đến 0,3 kg ở giai đoạn 6 tháng tuổi. Thức ăn thô được cắt ngắn 5 - 7 cm, cho ăn vào bữa chiều và tối, lượng ăn bằng 10% khối lượng cơ thể. Máng ăn cho ngựa con được làm bằng gỗ hoặc máng xi măng, đạt độ cao 0,4 - 0,5 m để ngựa con dễ ăn. Thức ăn tinh nên bổ sung cho ngựa con ăn vào buổi trưa.