'Lân trắng' chưa được chứng nhận lưu hành

'Lân trắng' chưa được chứng nhận lưu hành

Đó là khẳng định của đại diện quản lí nhà nước về phân bón tại hội thảo truyền thông “Một số vấn đề về phân bón chứa lân lân với cây trồng” do Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp với Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm với tên gọi là “lân trắng”, có cả nguồn nhập khẩu vàSX trong nước khiến các doanh nghiệp SX phân bón, cơ quan quản lý và nông dân khá tò mò, băn khoăn muốn tìm hiểu rõvề loại phân bón này.

Theo TS Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, lân trắng là một loại phân bón trên thế giới, có tên tiếng khoa học là Dicanxi phosphate (DCP), ngoài ra một số nơi còn gọi là lân phosphate kết tủa DCP.

Sản phẩm phân lân DCP này đượcSX bằng cách cho axit phosphoric tác dụng với đá vôi, bột nhẹ CaCo3 hoặc dung dịch sữa vôi Ca(OH)2 Sản phẩm có thành phần chính là CaHPO4.2H2, ngoài ra còn có thể có các muối phosphate của các kim loại khác như Mg, Fe, Al, Zn đi theo tạp chất trong axit phosphoric hoặc trong đá vôi, bột nhẹ.

Phân lân DCP có môi trường gần trung tính nên có thể phối trộn được với hầu hết các loại nguyên liệu khác trong quá trình SX phân bón hỗn hợp NPK. Do không tan trọng nước (thực tế là tan không đáng kể), chỉ tan trong dung dịch axit citric hoặc amoni citrate nên DCP ít bị rửa trôi.

Tiêu chuẩn của phân lân phosphate kết tủa DCP được xác định thông qua các yếu tố chính như P2O5tổng, P2O5 hữu hiệu (tan trong amoni citrate 2%), hàm lượng CaO, MgO, SiO2

Cũng theo TS. Hoàng Anh Tuấn, hiện có hai đơn vị trong nước sản xuất được sản phẩm DCP là Cty CP Hóa chất Đức Giang và Cty CP Hóa chất Phúc Lâm đều đóng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Tuy nhiên, theo đại diện của Công ty CP Hóa chất Đức Giang có mặt tại hội thảo là ông Lê Ngọc Dương cho biết, về cơ bản hiện nay Đức Giang không cònSX và cung cấp sản phẩm DCP ra thị trường nữa. Mặt hàng DCP trên thị trường có thể là sản phẩm của doanh nghiệp khác hoặc đến từ nguồn nhập khẩu, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc.

Ông Lê Ngọc Dương chia sẻ thêm, thực tế sản phẩm mang tên “lân trắng” là do doanh nghiệp đặt tên vì nó có màu trắng, song sản phẩm chính của doanh nghiệp là các sản phẩm khoáng phục vụ cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, DCP chỉ là sản phẩm phụ của quá trình chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Nhưng vừa qua Hóa chất Đức Giang đã đầu tư dây chuyền công nghệ để chế biến sản phẩm DCP thành lân giàu có giá trị cao hơn.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, TS. Vũ Thắng, Phó trưởng Phòng Phân bón cho biết, theo quy định tại Nghị định 108 sản phẩm DCP hay còn có tên gọi khác là “lân trắng” chưa có trong danh mục sản phẩm phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam.

Lí do “lân trắng” chưa được chứng nhận lưu hành tại Việt Nam nhưng vẫn xuất hiện trên thị trường, ông Thắng cho biết sản phẩm vẫn được phép nhập khẩu về dưới dạng nguyên liệu để sản xuất phân bón, song không được phép bán trực tiếp ra thị trường dưới dạng phân bón thành phẩm. Hơn nữa, sản phẩm, nhà máySX “lân trắng” cũng ra đời sau Nghị định 108.

Cũng theo TS Vũ Thắng, nếu sản phẩm “lân trắng” muốn được chứng nhận lưu hành tại Việt Nam dưới dạng phân bón thành phẩm sẽ phải thành lập một hội đồng khoa học xem xét, đánh giá và kết luận. Còn trước mắt nếu doanh nghiệp nào cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 108 về việc SX, kinh doanh sản phẩm phân bón chưa được cấp chứng nhận lưu hành.