Lấp lỗ hổng trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục

Lấp lỗ hổng trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục
Bộ Tài chính thống nhất đề nghị của Bộ NN-PTNT, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân bị buộc phải tiêu hủy gia súc mắc bệnh.

Nguy cơ dịch bệnh động vật nguy hiểm tái bùng phát

Trong Công văn số 5064/BNN-TY vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT nhận định, nguy cơ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phát sinh, lây lan diện rộng thời gian tới rất cao.

Sáu nguyên nhân đưa Bộ NN-PTNT đến phán đoán này. Một là, virus Dịch tả lợn Châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp.

Kiểm soát dịch bệnh tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu khảo nghiệm kết quả vacxin phòng Dịch tả lợn Châu Phi.

Hai là, đường biên giới của Việt Nam rất dài, dẫn tới mối nguy về dịch bệnh xâm nhiễm từ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giao lưu thương mại với các nước.

Ba là, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng bệnh chưa được đảm bảo ở các hộ nuôi nhỏ lẻ.

Bốn là thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, mưa nhiều, bão, lũ. Năm là, hệ thống thú y các cấp thay đổi, ảnh hưởng đến công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật.

Sáu là, công tác phát hiện, báo cáo dịch bệnh không được thực hiện theo quy định do chưa có chính sách hỗ trợ việc tiêu hủy lợn, dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan, dây dưa kéo dài.

Năm 2021, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 2.623 xã thuộc 418 huyện của 60 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 299.878 con. Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 841 xã thuộc 246 huyện của 48 tỉnh, thành phố, số lợn tiêu hủy 41.804 con. Hiện cả nước có 117 ổ dịch tại 49 huyện của 16 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Để phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi, Bộ NN-PTNT, Cục Thú y, các đơn vị thuộc Cục Thú y thường xuyên, liên tục thành lập các đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ. 

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đã gửi nhiều văn bản, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đang xảy ra dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên diện rộng tập trung kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát, dây dưa kéo dài, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Kiểm soát dịch bệnh tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác sản xuất, điều chế vacxin phòng Dịch tả lợn Châu Phi.

Tăng cường năng lực hệ thống thú y

Qua tổng hợp báo cáo của địa phương, Bộ NN-PTNT đánh giá cơ chế, chính sách về phòng chống dịch bệnh động vật còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tiễn. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Nhằm phòng, chống hiệu quả dịch bệnh, trong đó có Dịch tả lợn Châu Phi, Bộ NN-PTNT đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp. Thành lập các đoàn công tác đến trực tiếp các địa phương đang có dịch để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch

Áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn lợn, địa bàn nguy cơ cao, dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn bệnh và người tham gia xử lý ổ dịch.

Ngành nông nghiệp cũng triển khai nhiều phương án giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh; công bố và tổ chức chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y.

Kiểm soát dịch bệnh tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục

Ước tính có khoảng 6 triệu con lợn đã bị tiêu hủy do mắc Dịch tả lợn châu Phi hồi năm 2019.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã tham mưu, tổ chức triển khai tháng tổng vệ sinh, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Đồng thời, triển khai các phương án kiểm soát việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan. Tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp.

Về lâu dài, Bộ NN-PTNT khuyến cáo củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, nhất là tại cấp huyện, cấp xã theo quy định của Luật Thú y, bảo đảm đủ nguồn lực để tổ chức chống dịch. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh.

Sớm hỗ trợ người dân khi tiêu hủy gia súc mắc bệnh

Ngày 08/6/2022, Bộ NN-PTNT ban hành Công văn số 3646/BNN-TY gửi Bộ Tài chính về việc đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh Viêm da nổi cục. Ngày 25/7/2022, Bộ Tài chính có Công văn số 7217/BTC-NSNN về việc tham gia ý kiến cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do hai dịch bệnh trên.

Theo đó, Bộ Tài chính thống nhất đề nghị của Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ để hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và trâu, bò phải tiêu hủy do mắc bệnh Viêm da nổi cục trong năm 2021 và năm 2022 tại các địa phương từ thời điểm các Thông tư nêu trên có hiệu lực thi hành.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT cam kết sẽ có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ sản xuất có gia súc bị tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Viêm da nổi cục và các bệnh khác (nếu có), đảm bảo thống nhất khi tổ chức thực hiện chính sách trên phạm vi cả nước.