Lợi ích của glauconite trong thức ăn chăn nuôi gia súc
Đa tác dụng
Theo nhận định của các nhà khoa học Nga, thức ăn chứa glauconite rất hữu ích đối với một số khu vực đang sử dụng nguồn thức ăn chăn nuôi (TĂCN) có thành phần ngũ cốc 85 - 90% giống như Nga. Cùng với nhiều thành phần thức ăn khác, glauconite giúp nông dân giảm bớt chi phí TĂCN bởi họ có thể yên tâm thay thế khô đậu đắt đỏ bằng những nguyên liệu rẻ tiền hơn, chủ yếu là đậu lupine mà không lo ngại ảnh hưởng đến hiệu suất chăn nuôi.
Phụ gia glauconite đã được sử dụng trong chăn nuôi gia súc để ngăn chặn hoặc xử lý bệnh rối loạn đường tiêu hóa. Các nhà khoa học Nga cho biết, đặc tính hút và trao đổi ion của glauconite giúp chúng tác động lên các hóa chất tích tụ ion trên bề mặt và đào thải các chất này ra khỏi cơ thể vật nuôi.
Quặng khoáng chất glauconite chính là chất tạo màu xanh đất trong ngành công nghiệp vẽ tranh sơn dầu nghệ thuật tại châu Âu. Tại Nga, quặng glauconite được khai thác và sử dụng khá rộng rãi trong lĩnh vực hội họa. Hiện nay, khoáng chất này chủ yếu được sử dụng như một nguồn kali dưỡng đất trong canh tác hữu cơ và phi hữu cơ.
Phụ gia thức ăn khởi đầu cho bê con
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu thiết bị và ứng dụng sản phẩm dầu khí trong ngành nông nghiệp Nga đã tiến hành đánh giá tính khả thi của glauconite trong thức ăn khởi đầu của bê con khi nguồn thức ăn này chứa thành phần chính là đậu lupin, đậu Hà Lan và lúa mạch. Thức ăn này cũng được sử dụng cho bê con ở nhóm đối chứng, nhưng không bổ sung glauconite và sử dụng đậu lupine thay thế khô đậu.
Hiện, quặng glauconite đang được khai thác tại ít nhất 5 mỏ ở châu Âu. Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã lấy mẫu quặng khoáng chất glauconite ở mỏ Tambov phía Tây Nam nước Nga bởi glauconite tại đây có một số tính chất đặc biệt như chứa hàm lượng cao khoáng chất oxit magie, sắt, và kali; Và oxit nhôm ít hơn 1,5 - 2 lần so các loại glauconite ở các khu vực khác của Nga.
Theo các nhà khoa học Nga, các chất hấp thụ như glauconite được đặc biệt quan tâm bởi nó có khả năng kiểm soát hàng loạt dịch bệnh tiêu hóa mãn tính không lây nhiễm ở bê con và giảm chi phí thức ăn trong giai đoạn khởi đầu.
Ở một số trang trại, tỷ lệ bê con mắc các bệnh về đường tiêu hóa có thể lên đến 100%. Mặc dù được điều trị liên tục, nhưng tỷ lệ chết vẫn chiếm 25 - 50%. Giải pháp chủ yếu đang được các trại nuôi sử dụng hiện nay là chống nhiễm độc cho vật nuôi bằng các loại phụ gia thức ăn đặc biệt có khả năng hút độc tố trong ống lumen của ruột non.
Yếu tố quan trọng đó là các phụ gia này phải có khả năng hút độc tố hiệu quả cao và giá thành hợp lý. Do đó, các loại thức ăn khởi đầu chứa thành phần đạm thực vật và phụ gia hoạt tính sinh học có chi phí không đắt đỏ ngày càng được quan tâm.
Trong khi đó, ngành công nghiệp TĂCN toàn cầu cũng đang chật vật vì thiếu hụt nguồn cung đậu tương và giá nguyên liệu này không ngừng tăng suốt nhiều năm qua. Tìm kiếm chất thay thế đậu tương, do đó, trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Mục đích của các nhà khoa học Nga không chỉ giảm lượng đạm đậu tương đắt đỏ trong TĂCN mà còn tìm ra chất thay thế phù hợp mà không ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi cũng như chất lượng thịt và các đặc tính sinh lý của vật nuôi vẫn duy trì ở mức thích hợp. Hạn chế của đậu lupin khi thay thế khô đậu trong TĂCN gia súc chính là các độc tố alkaloid. Tuy nhiên, nhờ tiến bộ của khoa học nông nghiệp nên các giống đậu lupin mới hiện nay đều có hàm lượng alkaloid khá thấp.
Thử nghiệm
Các nhà khoa học Nga đã tiến hành thử nghiệm trên 2 giống bê đen và trắng cùng xuất xứ, trọng lượng ban đầu, tình trạng sức khỏe và tiềm năng di truyền cũng tương tự nhau.
Theo ghi nhận, suốt tháng đầu thử nghiệm, trọng lượng của bê ở 2 nhóm tương tự nhau, nhưng ở thời gian 3 tháng tuổi, bê con ở nhóm ăn bổ sung glauconite có trọng lượng vượt nhóm đối chứng trung bình 2,8 kg và ở tháng thứ 6 là 6,2 kg, tương đương 5,3%. Ngoài ra, ở nhóm bổ sung phụ gia, tỷ lệ vật nuôi bị mắc các bệnh tiêu hóa giảm 31% so nhóm đối chứng. Thời gian nhiễm bệnh đường tiêu hóa ở nhóm bê đối chứng kéo dài 42 ngày, trong khi ở nhóm bê thử nghiệm chỉ 28 ngày.
Để đánh giá ảnh hưởng của tinh chất glauconite đến thành phần và kích thước của hệ vi sinh đường ruột, các nhà khoa học Nga đã nghiên cứu mẫu phân của bê con ở giai đoạn 5 tháng tuổi. Ở cả 2 nhóm bê, họ phát hiện những vi sinh vật có lợi và mầm bệnh cơ hội như tụ cầu khuẩn, cầu khuẩn và nấm mốc đều có thể gây ra bệnh tiêu hóa.
Theo các chuyên gia, thành phần định lượng của hệ vi sinh vật ở cả 2 nhóm bê đều nằm trong giới hạn bình thường. Nhưng lượng vi khuẩn thường gặp trong phân của nhóm bê thử nghiệm glauconite đã giảm 20%, đồng thời số lượng tụ cầu khuẩn, nấm cũng giảm nhẹ so nhóm bê đối chứng. Điều này chứng minh glauconite đã thu giữ các vi khuẩn cơ hội. Do đó, khi sử dụng nguồn thức ăn khởi đầu chứa nhiều đạm thực vật, người chăn nuôi có thể hoàn toàn yên tâm về mức độ an toàn và hiệu quả tâm nếu nguồn thức ăn này bổ sung glauconite.