Lụa Mã Châu hồi sinh, xuất ngoại

Lụa Mã Châu hồi sinh, xuất ngoại

Không chỉ cứu thương hiệu lụa Mã Châu thoát nguy cơ thất truyền, cô gái 26 tuổi còn đưa sản phẩm của làng nghề truyền thống ra nước ngoài

Nằm bên con đường nối hai di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn, cửa hàng lụa Mã Châu với tấm bảng hiệu cỡ lớn hiện lên như muốn nhắn nhủ với lữ khách rằng: lụa Mã Châu vẫn trường tồn với thời gian dù trải qua lắm thăng trầm. Đó là cửa hàng của cô gái trẻ Trần Thị Yến (SN 1992; thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) - người đang từng ngày đưa thương hiệu lụa Mã Châu trở lại thời kỳ hưng thịnh.

Đưa lụa Mã Châu trở lại thị trường

Tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng năm 2014 với tấm bằng loại giỏi, Yến không ở lại thành phố tìm kiếm cơ hội việc làm mà về nhà theo nghiệp tơ lụa cùng ba. Thời điểm đó, tiếng thoi đưa thưa dần, ngôi làng tơ lụa Mã Châu có lịch sử hơn 400 năm và là quê hương Bà Chúa Tằm tang Đoàn Quý Phi buồn hiu hắt. Người duy nhất còn duy trì công việc ươm tơ dệt lụa chính là cha của Yến - ông Trần Hữu Phương. Ông Phương là người lèo lái hợp tác xã tơ lụa Mã Châu 10 năm cuối cùng trước khi tan rã vào năm 2015. Làm ăn sa sút, hơn 15 năm rồi, lụa Mã Châu đành xuất hàng thô cho các làng lụa khác nên thương hiệu mất hút trên thị trường.

"Em quyssết định theo nghiệp ba vì nghĩ ngành vải lụa tơ tằm của mình chắc chắn trong tương lai sẽ có chỗ đứng. Bây giờ, nhu cầu của người tiêu dùng hướng về những cái tự nhiên nhất, nguyên sơ nhất nên sẽ có cơ hội" - Yến tâm sự. Yến cho biết trước khi về với ba, cô gần như không biết gì về tơ tằm dù ba cô là người rất tâm huyết, sống chết với nghề. Phải chăng tổ nghề đã chọn Yến là người đứng ra để khôi phục thương hiệu lụa Mã Châu ở thời điểm khó khăn nhất? "Khi tham gia vào các công đoạn sản xuất em mới ngộ ra rằng trong sản phẩm tơ tằm nó không đơn giản là sản phẩm bình thường mà còn mang cái hồn trong đó. Nên chỉ sau 2 tháng, em đã có thể phân biệt được mấy chục loại vải, lụa tơ tằm mà những ai ít am hiểu khó lòng biết được" - Yến nói.

Vạch ra kế hoạch đưa lụa Mã Châu trở lại thời kỳ hưng thịnh, Yến mở một cửa hàng ở Hội An với ý định quảng bá lại thương hiệu tơ lụa Mã Châu đã biến mất khỏi thị trường trong một thời gian dài. Sau 2 năm, Yến thấy sản phẩm tiêu thụ bị chững lại do lụa Mã Châu của gia đình được làm 100% tơ tằm, có giá thành cao trong khi lượng khách châu Âu - đối tượng tiêu thụ chính vơi dần, thay vào đó là khách Trung Quốc, Hàn Quốc ít mua hàng. Yến quyết tìm hướng đi mới và lụa Mã Châu phải mang một đặc trưng riêng.

Đã dùng là mê

Dày công tìm hiểu, cô gái trẻ biết rằng ngày xưa khi chưa có phẩm màu công nghiệp, mỗi gia đình trong làng Mã Châu đều có một bí quyết nhuộm màu riêng. Yến tìm đến những cụ già trong làng nhờ truyền lại bí quyết gia truyền để rồi cô mày mò, thử nghiệm và bào chế thành công hơn 20 màu nhuộm từ cây cỏ tự nhiên như lá bàng, hoa hòe, rễ sim, xơ dừa, nghệ, cà phê, lá chè xanh, cây dủ dẻ... Lụa Mã Châu của gia đình Yến từ đó rất độc đáo, mang một đặc trưng riêng biệt bởi được dệt và hoàn thiện theo đúng quy trình thủ công truyền thống và được nhuộm màu từ thực vật tự nhiên.

Có sản phẩm đặc biệt đã khó, làm sao tiếp cận, quảng bá sản phẩm tơ lụa Mã Châu đã mất hút trên thị trường mấy chục năm qua để mọi người biết đến và tin dùng là cả một bài toàn nan giải. Yến mở các kênh bán hàng online thông qua mạng xã hội để quảng bá, đưa sản phẩm đi giới thiệu ở các hội chợ. Trải qua rất nhiều khó khăn, rất nhiều đơn hàng khách nhận rồi trả vì ban đầu họ chưa quen với những đường nét của vải lụa được làm theo phương thức thủ công. Khi đó, Yến phải thuyết phục, giải thích, kể cả cho khách sử dụng miễn phí sản phẩm để đánh giá chất lượng. Dần dần, những khách hàng khó tính nhất cũng đã bày tỏ sự hài lòng với sản phẩm lụa Mã Châu của gia đình Yến.

Tiếng lành đồn xa, khách hàng của Yến ngày càng tăng theo thời gian. Từ giữa năm 2017, Mã Châu có lượng khách hàng ổn định và dường như sau khi sử dụng lụa Mã Châu, khách không thể dùng mặt hàng lụa khác được nữa vì lụa Mã Châu có chất lượng quá khác biệt. Sản phẩm tơ lụa Mã Châu được các nhà thiết kế ở TP Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội ưa chuộng đặt hàng thường xuyên.

Đầu tư cho tương lai

Trần Thị Yến khẳng định muốn phát triển Mã Châu trở lại hưng thịnh, phải đưa du lịch vào để cộng đồng cùng tham gia. "Em muốn khi khách đến Mã Châu, họ có thể tận mắt trải nghiệm quy trình sản xuất, tham gia sản xuất từ giai đoạn đầu đến cuối và mua chính sản phẩm do chính họ làm ra. Khi đó, người ta đánh giá sản phẩm của mình cao hơn và nó sẽ mang tính cộng đồng nhiều hơn. Bây giờ, nếu phân bổ từng công đoạn sản xuất về cho người dân trong làng họ thấy việc tạo ra lợi nhuận không cao nên không nhiệt tình tham gia. Ngược lại, khi kết hợp du lịch, có khách hàng đến, người ta đánh giá cao, họ sẽ trỗi dậy lòng yêu nghề và sẽ làm tốt hơn" - Yến nói.

Theo Yến, Mã Châu phải là một làng nghề và phải giữ đúng quy trình thủ công, không can thiệp quá nhiều từ máy móc công nghệ hiện đại. Làm như vậy lợi nhuận có thể thấp nhưng em muốn đi từng bước chắc chắn. "Thời gian để đi đến ước muốn của mình sẽ rất lâu, có thể 10 năm hay 20 năm mới thực hiện được. Lúc đó, thời gian làm việc của em đã hết rồi, cần phải có thế hệ sau nữa. Nếu như giai đoạn đầu mình làm không ổn, không chắc thì thế hệ sau sẽ không có cơ hội làm được. Điều quan trọng nhất không phải là lợi nhuận mà là xây dựng lại thương hiệu lụa Mã Châu để thế hệ sau này ít nhất người ta còn có cái để tự hào" - Yến khẳng khái.

Từ những lần tham gia hội chợ quốc tế, lụa Mã Châu lọt vào mắt của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp ở Đan Mạch, Pháp, Nhật, Ý, UAE đặt hàng của Yến với số lượng lớn. Lụa Mã Châu nhờ đó không chỉ sống lại mà còn vươn ra được với thế giới sau một thời gian dài chìm trong khủng hoảng.